Lạm phát cơ bản 8 tháng đầu năm 2024 tăng 2,71%
Theo Tổng cục Thống kê, trong tháng 8/2024, chỉ số giá tiêu dùng CPI ổn định hơn, lạm phát cơ bản tháng 8/2024 chỉ tăng 0,24% so với tháng trước.
Sáng 6/9, Tổng cục Thống kê công bố số liệu về tình hình kinh tế - xã hội 8 tháng đầu năm 2024.
Theo số liệu được công bố, giá hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 8 tăng giảm đan xen, trong đó giá lương thực, thực phẩm, giá nhà ở thuê tăng so với tháng 7/2024, giá xăng dầu trong nước giảm theo giá thế giới.
Tính chung tháng 8/2024, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) ổn định so với tháng trước. So với tháng 12/2023, CPI tháng 8 tăng 1,89% và so với cùng kỳ năm trước tăng 3,45%.
Trong tháng 8, trong số 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 10 nhóm có chỉ số giá tăng nhẹ; riêng nhóm giao thông giảm giá so với tháng trước.
10 nhóm hàng hóa và dịch vụ có chỉ số giá tăng gồm: Nhóm nhà ở, điện nước, chất đốt và vật liệu xây dựng tăng 0,29% chủ yếu do giá thuê nhà tăng 0,45% do nhu cầu thuê nhà tại một số địa phương tăng khi chuẩn bị vào năm học mới; giá gas tăng 0,67%, nguyên nhân do từ ngày 1/8/2024, giá gas trong nước điều chỉnh tăng theo giá gas thế giới.
Bên cạnh đó, một số mặt hàng trong tháng có giá giảm so với tháng trước: Giá dầu hỏa giảm 6,02% do ảnh hưởng của các đợt điều chỉnh giá trong tháng; giá điện sinh hoạt giảm 0,76%; nước sinh hoạt giảm 0,17% do nhu cầu tiêu dùng giảm khi vào mùa mưa, thời tiết mát.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tăng 0,27% (làm cho CPI chung tăng 0,09 điểm phần trăm), trong đó: Lương thực tăng 0,19%; thực phẩm tăng 0,28% (làm cho CPI chung tăng 0,06 điểm phần trăm).
Nhóm hàng hóa và dịch vụ khác tăng 0,2%; Nhóm thuốc và dịch vụ y tế tăng 0,18%, trong đó giá khám chữa bệnh nội trú tăng 0,29%; dịch vụ khám chữa bệnh ngoại trú tăng 0,11%.
Nhóm bưu chính, viễn thông tăng 0,15%; Nhóm đồ uống và thuốc lá tăng 0,15%, nguyên nhân chủ yếu do nhu cầu tiêu dùng của người dân dịp Lễ Vu Lan và trong mùa du lịch cao.
Nhóm giáo dục tăng 0,14%, trong đó giá bút viết các loại tăng 0,5%; sản phẩm từ giấy tăng 0,45%; văn phòng phẩm, đồ dùng học tập khác tăng 0,2%. Bên cạnh đó, giá dịch vụ giáo dục tăng 0,13% do một số trường đại học công lập, trung học dân lập, mầm non tư thục ở một số tỉnh tăng học phí năm học 2024-2025.
Nhóm văn hóa, giải trí và du lịch tăng 0,12%, tập trung chủ yếu ở các nhóm: Giá dịch vụ du lịch ngoài nước tăng 0,72%; dụng cụ thể dục, thể thao tăng 0,38%; khách sạn, nhà khách tăng 0,24%; xem phim, ca nhạc tăng 0,16%. Ở chiều ngược lại, du lịch trong nước giảm 0,29% do các công ty giảm giá để kích cầu.
Nhóm thiết bị và đồ dùng gia đình tăng 0,09% do chi phí nhân công tăng. Trong đó, dịch vụ sửa chữa tủ lạnh tăng 0,64% so với tháng trước; dịch vụ sửa chữa điều hòa nhiệt độ tăng 0,59%; thuê đồ dùng trong gia đình tăng 0,56%; dịch vụ sửa chữa máy giặt tăng 0,48%; sửa chữa thiết bị có động cơ tăng 0,45%; giường, tủ, bàn ghế tăng 0,24%; thuê người phục vụ tăng 0,14%; máy giặt tăng 0,11%.
Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng có giá giảm so với tháng trước do nhiều cửa hàng tiếp tục áp dụng các chương trình kích cầu mua sắm như: Giá bếp gas giảm 0,89%; máy xay sinh tố, ép hoa quả giảm 0,47%; đệm giảm 0,15%; nồi cơm điện giảm 0,07%; máy hút bụi giảm 0,03%.
Riêng nhóm giao thông giảm 1,98% (tác động làm giảm CPI chung 0,19 điểm phần trăm).
Tổng cục Thống kê cho biết, lạm phát cơ bản tháng 8/2024 tăng 0,24% so với tháng trước, tăng 2,53% so với cùng kỳ năm trước.
Bình quân 8 tháng năm 2024, lạm phát cơ bản tăng 2,71% so với cùng kỳ năm 2023, thấp hơn mức tăng CPI bình quân chung (4,04%), chủ yếu do giá lương thực, thực phẩm, điện sinh hoạt, dịch vụ giáo dục, dịch vụ y tế và xăng dầu là yếu tố tác động làm tăng CPI nhưng thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.