Lạm phát của Israel tăng cao nhất trong hơn 14 năm
Theo số liệu của Cục Thống kê trung ương Israel (CBS) công bố ngày 15/2, tỷ lệ lạm phát hằng năm của nước này đã tăng lên 5,4% trong tháng 1/2023, mức cao nhất tính từ tháng 10/2008.
Lạm phát tại Israel tiếp tục tăng bất chấp nỗ lực của chính phủ nhằm kiềm chế tỷ lệ trong phạm vi từ 1-3%. Lần gần đây nhất Israel giữ được tỷ lệ lạm phát trong mục tiêu này là tháng 12/2021.
Israel vẫn chưa thể ngăn được đà tăng lạm phát mặc dù Ngân hàng trung ương nước này đã tăng lãi suất cơ bản từ 0,1% vào tháng 4/2022 lên 3,75% hiện nay. Theo giới phân tích, lãi suất cơ bản của Israel có thể sẽ tăng lần thứ 8 liên tiếp vào ngày 20/2 tới.
Cựu chuyên gia phân tích kinh tế của Ngân hàng trung ương Israel, Asher Blass, cho rằng yếu tố chính khiến lạm phát liên tục tăng ở Israel là giá các loại nguyên liệu thô như nhiên liệu, khí đốt, than đá và thép tăng mạnh trên phạm vi toàn cầu. Tình trạng đứt gãy chuỗi cung ứng toàn cầu xảy ra trong bối cảnh nhu cầu tăng cao khiến giá các nguyên liệu thô trở nên đắt đỏ hơn.
Tuy nhiên, tỷ lệ lạm phát ở Israel vẫn thấp hơn so với nhiều quốc gia khác, chẳng hạn như mức trung bình 8,5% ở các nước thuộc khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).
Giáo sư kinh tế Omer Moav thuộc Đại học Warwick ở Anh và Đại học Reichman ở Israel cho rằng Israel có thể giữ được lạm phát tương đối thấp là nhờ có thặng dư xuất khẩu, giúp duy trì giá của đồng nội tệ shekel. Ông cho biết: “Khi đồng shekel trở nên mạnh hơn, giá hàng nhập khẩu giảm xuống”, đồng thời khẳng định tỷ lệ lạm phát của Israel sẽ quay lại mục tiêu kỳ vọng của chính phủ nước này.