Lạm phát đo 'sức khỏe' kinh tế toàn cầu hậu Covid-19 và Ukraine

Tuần trước, các nhà hoạch định chính sách tập trung tại Washington (Mỹ) với nhận định, nền kinh tế toàn cầu đã thoát khỏi đại dịch và vượt qua cuộc xung đột ở Ukraine với khả năng phục hồi đáng ngạc nhiên. Tuy nhiên, sự phục hồi vẫn còn mong manh do lạm phát dai dẳng gây rủi ro ở nhiều nơi trên thế giới.

Lạm phát vẫn là biến số khó lường

Các quan chức tài chính hàng đầu và các quan chức ngân hàng trung ương đã vỗ về nhau về chặng đường mà nền kinh tế của họ vượt qua trong năm qua, khi họ gặp nhau trong các cuộc họp mùa xuân của Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), cuộc gặp mặt trực tiếp đầu tiên sau hơn 3 năm gián đoạn.

Nền kinh tế toàn cầu đã tăng trưởng 3,4% trong năm 2022 ngay cả khi cuộc xung đột quân sự tác động đến thương mại năng lượng và thực phẩm. Mặc dù mức tăng trưởng dự kiến của năm nay là 2,8% không được đánh giá cao, nhưng đã tốt hơn nhiều so với năm 2020, khi nền kinh tế giảm còn 2,8% trong bối cảnh đóng cửa bởi đại dịch.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã phát biểu trước các quan chức tài chính khác tại trụ sở IMF ở Washington, DC vào tuần trước.

Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen đã phát biểu trước các quan chức tài chính khác tại trụ sở IMF ở Washington, DC vào tuần trước.

Trong khi cảnh báo về những rủi ro, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen cho biết, nền kinh tế toàn cầu có vẻ tốt hơn những gì mọi người nhận thấy: “Chắc chắn mạnh hơn và tươi sáng hơn so với lần trước chúng ta tổ chức các cuộc họp thường niên vào tháng 10”. Còn Bộ trưởng Tài chính Pháp Bruno Le Maire thì cho rằng, triển vọng toàn cầu có thể khó khăn hơn một chút so với dự kiến, nhưng “Châu Âu đang làm tốt”.

Dự báo cơ bản của IMF về tăng trưởng toàn cầu là 2,8% vào năm 2023, nhưng tổ chức này cảnh báo căng thẳng tài chính kéo dài hơn nữa có thể đẩy con số đó xuống 2,5%, với mức tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển giảm xuống dưới 1%.

Tại Maroc, Bộ trưởng Kinh tế và Tài chính Nadia Fettah cho biết, hầu hết các lĩnh vực của nền kinh tế đã phục hồi về mức của năm 2019. Bà khẳng định: “Chúng tôi chắc chắn đã có một nền kinh tế kiên cường”.

Tuy nhiên, các quan chức của IMF và WB đã có những cảnh báo về những vấn đề có thể xảy ra trong những tháng tới. Lạm phát vẫn dai dẳng ở Mỹ và nhiều nước, khiến khả năng ngân hàng trung ương của các nước này tiếp tục tăng lãi suất là rất lớn.

Lãi suất cao hơn ở Mỹ, cùng với đồng đô la mạnh hơn, có thể làm trầm trọng thêm những khó khăn của hàng chục quốc gia đang phát triển vốn phải vật lộn với chi phí thực phẩm và năng lượng nhập khẩu tăng vọt, đồng thời phải đối mặt với các khoản nợ phình to. Thương mại hàng hóa và các khoản nợ nước ngoài thường được định giá bằng đô la, khiến chúng nhạy cảm với những thay đổi chính sách của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).

Việc tăng lãi suất cũng có thể khơi lại tình trạng hỗn loạn trong lĩnh vực ngân hàng, vốn đã chứng kiến sự sụp đổ của hai ngân hàng hạng trung của Mỹ vào tháng 3 và việc UBS Group AG buộc phải mua lại Credit Suisse Group AG của Thụy Sĩ.

Cảnh giác với các rủi ro tiềm ẩn

Dự báo cơ bản của IMF về tăng trưởng toàn cầu là 2,8% vào năm 2023, nhưng tổ chức này cảnh báo căng thẳng tài chính kéo dài hơn nữa có thể đẩy con số đó xuống 2,5%, với mức tăng trưởng của các nền kinh tế phát triển giảm xuống dưới 1%. Tổ chức cho vay đa phương này cũng dự báo tăng trưởng của ngành ngân hàng của Mỹ sẽ giảm 1% trong năm nay, làm giảm 0,44 điểm phần trăm tổng sản phẩm quốc nội của Mỹ trong năm 2023.

“Chìa khóa là giám sát những rủi ro có thể ẩn trong bóng tối trong các ngân hàng và tổ chức tài chính phi ngân hàng, hoặc trong các lĩnh vực như bất động sản thương mại. Tại thời điểm này đối với nền kinh tế thế giới, sự cảnh giác là điều tối quan trọng” - Giám đốc điều hành IMF Kristalina Georgieva cho biết.

Lạm phát đo “sức khỏe” kinh tế toàn cầu hậu Covid-19 và Ukraine

Lạm phát đo “sức khỏe” kinh tế toàn cầu hậu Covid-19 và Ukraine

FED đã tăng lãi suất với tốc độ nhanh nhất trong bốn thập kỷ để chống lạm phát. Các quan chức của FED đã dự đoán nền kinh tế Mỹ sẽ bước vào suy thoái vào cuối năm nay do những bất ổn trong lĩnh vực ngân hàng. Tuy nhiên, ngân hàng trung ương đã báo hiệu rằng họ có thể tăng lãi suất một lần nữa vào tháng tới, trong bối cảnh lạm phát vẫn còn và thị trường lao động thắt chặt.

Khi các tổ chức tài chính cố gắng thích ứng với sự gia tăng nhanh chóng của lãi suất, một số tổ chức đang thu hẹp quy mô cho vay. Điều đó đã làm dấy lên lo ngại rằng, các doanh nghiệp nhỏ và những doanh nghiệp khác có thể không được vay ngắn hạn.

Chủ tịch WB David Malpass cho biết: “Ở cả các nền kinh tế tiên tiến và các nước đang phát triển, chúng ta đang chứng kiến khả năng cấp tín dụng giảm khi hệ thống ngân hàng kiểm tra bảng cân đối kế toán của họ”.

Tại các nền kinh tế mới nổi ở châu Âu, tốc độ tăng lãi suất chưa từng có, kết hợp với sự suy giảm dự kiến ở Tây Âu, có thể đặt ra thách thức cho các công ty phải gánh nhiều khoản nợ trong thời kỳ lãi suất thấp. Beata Javorcik, kinh tế trưởng của Ngân hàng Tái thiết và phát triển châu Âu cho biết: “Gánh nặng nợ nần chồng chất này có thể trở thành một quả bom”.

Các yếu tố khác mà các quan chức tài chính và nhà kinh tế cho rằng có thể kéo nền kinh tế toàn cầu đi xuống, bao gồm cuộc xung đột ở Ukraine, sự đảo ngược quá trình toàn cầu hóa chia thế giới thành các khối hình thành xung quanh các nền dân chủ phương Tây và các quốc gia quân chủ, sự bùng phát của Covid-19 hoặc sự xuất hiện của một đại dịch mới.

Những cơn gió ngược

Nền kinh tế Trung Quốc mở cửa trở lại sau thời gian phong tỏa kéo dài đang thúc đẩy hoạt động kinh tế của châu Á và theo IMF, quốc gia này dự kiến sẽ chiếm 1/3 tăng trưởng toàn cầu trong năm nay. Tuy nhiên, tốc độ tăng trưởng sau đại dịch của Trung Quốc có thể gây thất vọng, do tốc độ tăng trưởng của nước này giảm trong những năm gần đây bởi những cơn gió ngược như dân số già đi nhanh chóng.

Albert Park - Kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển châu Á cho biết: “Tôi lo ngại rằng các chính sách công nghiệp do nhà nước thực thi đang góp phần vào việc tăng trưởng năng suất thiếu mạnh mẽ”. Theo đó, ADB dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay sau khi tăng trưởng 3% vào năm ngoái, nhưng sẽ giảm tốc xuống 4,5% vào năm 2024.

Masato Kanda - Thứ trưởng Bộ Tài chính Nhật Bản cho biết, ông lạc quan một cách thận trọng về triển vọng của nền kinh tế nước mình, với sự xuất hiện việc tăng lương sau một thời gian dài giá cả trì trệ và tăng trưởng chậm. Ông nói: “Cuối cùng có thể có một vòng tuần hoàn giữa tiền lương tăng vừa phải và lạm phát vừa phải, điều này sẽ mang lại cho chúng ta sự năng động trong nền kinh tế”.

ADB dự đoán nền kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng 5% trong năm nay sau khi tăng trưởng 3% vào năm ngoái, nhưng sẽ giảm tốc xuống 4,5% vào năm 2024.

Shehan Semasinghe - Bộ trưởng Tài chính Sri Lanka cho biết, đất nước của ông đang xoay chuyển tình thế sau khi rơi vào cuộc khủng hoảng kinh tế và chính trị vào năm ngoái. Gần đây, IMF đã thông qua gói cứu trợ trị giá 3 tỷ USD cho nước này sau khi nhận được cam kết từ các chủ nợ, bao gồm cả Trung Quốc, để tái cơ cấu nợ.

Các quan chức của IMF và WB cho biết các quốc gia thành viên đã đạt được tiến bộ trong các cuộc họp tuần trước, trong nỗ lực giảm bớt gánh nặng nợ công cho các quốc gia đang phát triển thông qua chia sẻ dữ liệu và thời gian biểu rõ ràng hơn.

Họ cho biết các thỏa thuận tái cơ cấu nợ có thể sớm được đưa ra đối với các quốc gia như Zambia và Ghana.

“Sẽ không thuận buồm xuôi gió. Sẽ có sự tăng trưởng chậm, nhưng cuối cùng, chúng tôi sẽ quản lý nó giống như cách chúng tôi đã vượt qua khủng hoảng” - ông Semasinghe nói

Hoàng Lê (theo The Wall Street Journal)

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/lam-phat-do-suc-khoe-kinh-te-toan-cau-hau-covid-19-va-ukraine-125876.html