Lạm phát làm thay đổi thói quen tiêu dùng tại Mỹ

Sau nhiều năm đối mặt với giá cả leo thang và lãi suất tăng cao, người tiêu dùng Mỹ đang thay đổi thói quen mua sắm, với việc chuyển hướng sang các chuỗi cửa hàng giảm giá như Target và Walmart, trong khi giảm chi tiêu tại các cửa hàng Macy's và Lowe's.

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Millbrae, Mỹ, ngày 13/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Người dân mua sắm tại siêu thị ở Millbrae, Mỹ, ngày 13/2/2024. Ảnh: THX/TTXVN

Trong quý vừa qua, doanh số bán hàng tại các cửa hàng Target mở cửa từ một năm trở lên đã tăng 2%, lợi nhuận công ty tăng mạnh 36%, nhờ chiến lược giảm giá. Công ty này đã hạ giá bán hơn 5.000 mặt hàng thường được mua tại các cửa hàng nhằm thu hút khách hàng. Chiến lược này đã phát huy hiệu quả, lượng khách ghé thăm các cửa hàng Target tăng 3% trong quý vừa qua, và khách hàng cũng chi tiêu nhiều hơn cho các sản phẩm không thiết yếu như quần áo.

Nhà phân tích Joseph Feldman tại công ty tư vấn đầu tư Telsey Advisory Group, nhận định người tiêu dùng đang tập trung vào các nhu yếu phẩm, đồng thời chỉ chi tiêu chọn lọc cho các mặt hàng không thiết yếu.

Bất chấp thành công trên, Target vẫn tỏ ra thận trọng về dự báo kinh doanh trong phần còn lại của năm, với nhận định người tiêu dùng sẽ tiếp tục chi tiêu cẩn trọng. Dù Target dự đoán doanh số sẽ tăng 2% trong năm nay, công ty này cũng lưu ý rằng mức tăng có thể thấp hơn kỳ vọng.

Lạm phát và lãi suất cao đã gây sức ép lớn lên người tiêu dùng, khiến họ phải chi tiêu có chọn lọc hơn so với giai đoạn đầu đại dịch và tập trung vào các cửa hàng giảm giá. Ngoài Target, người tiêu dùng cũng đang chi tiêu nhiều tại Walmart. Doanh số bán hàng của Walmart tại các cửa hàng ở Mỹ mở cửa từ một năm trở lên đã tăng 4,2% trong quý vừa qua.

Sự gia tăng doanh thu của Target trong quý vừa qua đã chấm dứt chuỗi bốn quý liên tiếp giảm trước đó. Doanh thu và lợi nhuận của Target từng tăng vọt trong giai đoạn cao điểm của đại dịch COVID-19 vào năm 2020 và tiếp tục duy trì đà tăng đến năm 2023. Tuy nhiên, Target đã gặp nhiều khó khăn trong năm vừa qua, do cơ cấu hàng hóa và giá cả cao hơn so với các đối thủ như Walmart.

Hơn một nửa số hàng hóa của Target là những mặt hàng không thiết yếu. Mặc dù Target đã bổ sung thực phẩm và nhu yếu phẩm vào các cửa hàng trong những năm gần đây, nhưng vẫn tụt hậu so với Walmart, nơi có khoảng một nửa doanh số đến từ thực phẩm.

TJX, công ty mẹ của các chuỗi cửa hàng quần áo giảm giá TJ Maxx và Marshalls, cũng ghi nhận kết quả kinh doanh khả quan trong quý vừa qua. Doanh số bán hàng tại các cửa hàng mở cửa từ một năm trở lên đã tăng 4%. TJX đã nâng dự báo doanh số bán cho cả năm.

Trong khi người tiêu dùng đổ tiền vào Walmart, Target và TJ Maxx, họ lại cắt giảm chi tiêu ở những nơi khác.

Starbucks và McDonald’s đang gặp khó khăn khi người tiêu dùng quay lưng do đà tăng của giá đồ ăn nhanh và chọn các bữa ăn tự nấu tại nhà. Home Depot và Lowe’s cũng chứng kiến doanh số giảm do người Mỹ thực hiện ít các dự án cải tạo nhà cửa lớn.

Macy’s cũng bị ảnh hưởng khi người tiêu dùng chuyển sang các chuỗi cửa hàng giảm giá. Doanh số bán hàng của Macy’s tại các cửa hàng mở cửa từ một năm trở lên đã giảm 4%.

Trà My (TTXVN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/lam-phat-lam-thay-doi-thoi-quen-tieu-dung-tai-my-20240822102404988.htm