Lạm phát leo thang, nghiệp đoàn Pháp kêu gọi đình công; Đức nói lệnh trừng phạt khiến Nga thiệt hại hơn EU

Các nghiệp đoàn lớn của Pháp gồm Sud Rail, CGT và CFDT ngày 24/6 cùng nhau kêu gọi các nhân viên ngành đường sắt quốc gia đình công ngày 6/7 yêu cầu tăng lương trong bối cảnh lạm phát leo thang.

Lạm phát leo thang, nghiệp đoàn Pháp kêu gọi đình công. CGT có kế hoạch dừng giao hàng bằng xe tải, tàu hỏa và đường ống, với dòng chảy tối thiểu cho các đơn vị sản xuất tại 3 nhà máy lọc dầu của Total và 2 kho hàng. (Ảnh: Laura Ojea)

Lạm phát leo thang, nghiệp đoàn Pháp kêu gọi đình công. CGT có kế hoạch dừng giao hàng bằng xe tải, tàu hỏa và đường ống, với dòng chảy tối thiểu cho các đơn vị sản xuất tại 3 nhà máy lọc dầu của Total và 2 kho hàng. (Ảnh: Laura Ojea)

Tập đoàn năng lượng Total Energies của Pháp ngày 24/6 cho biết đã áp dụng các biện pháp logistics để đảm bảo mạng lưới các trạm xăng dầu và khách hàng của tập đoàn sẽ được cung cấp đủ cho đến hết tuần này trong bối cảnh một cuộc đình công tại các nhà máy lọc dầu của Pháp diễn ra cùng ngày.

Tổng nghiệp đoàn Pháp, CGT đã kêu gọi một cuộc đình công 24 giờ sau khi đàm phán thất bại với Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Total, Patrick Pouyanne về yêu cầu tăng lương ngay lập tức để bù đắp lạm phát gia tăng.

CGT có kế hoạch dừng giao hàng bằng xe tải, tàu hỏa và đường ống, với dòng chảy tối thiểu cho các đơn vị sản xuất tại 3 nhà máy lọc dầu của Total và 2 kho hàng.

CGT cho biết, các nhà máy lọc dầu bị ảnh hưởng gồm nhà máy Gonfreville công suất 240.000 thùng/ngày và nhà máy Feyzin công suất 119.000 thùng/ngày và nhà máy lọc sinh học La Mede. Các kho chứa nhiên liệu tại La Mede và Flanders cũng có thể bị ảnh hưởng.

Các nghiệp đoàn lớn của Pháp gồm Sud Rail, CGT và CFDT ngày 24/6 cùng nhau kêu gọi các nhân viên ngành đường sắt quốc gia đình công ngày 6/7 yêu cầu tăng lương, trong bối cảnh lạm phát leo thang.

Lạm phát tăng phi mã tại các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt tác động tới giá năng lượng, một phần do ảnh hưởng từ cuộc xung đột địa chính trị tại Đông Âu, trong đó, nhằm hạn chế Nga về mặt kinh tế, châu Âu đã liên tục tung ra 6 lệnh trừng phạt khắc nghiệt nhằm vào Moscow.

Một người phát ngôn của chính phủ Đức ngày 24/6 cho biết, các biện pháp trừng phạt của EU nhắm vào Nga vì tấn công quân sự Ukraine đang mang lại hiệu quả như mong muốn. Quan chức này cũng cho rằng, lạm phát cao đang tác động mạnh hơn tới nền kinh tế Nga so với nền kinh tế phương Tây.

Phát biểu họp báo thường kỳ ở thủ đô Berlin ngày 24/6, người phát ngôn này nói: "Hiệu quả của các biện pháp trừng phạt đang tăng lên theo thời gian".

(theo Reuters, TTXVN)

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/lam-phat-leo-thang-nghiep-doan-phap-keu-goi-dinh-cong-duc-noi-lenh-trung-phat-khien-nga-thiet-hai-hon-eu-188327.html