Lạm phát Mỹ hạ nhiệt

Dữ liệu mới công bố cho thấy lạm phát tại Mỹ đã hạ nhiệt rõ rệt trong tháng Ba, phản ánh sức mạnh và khả năng chống chịu bền bỉ của nền kinh tế, ngay trước thềm loạt biện pháp thương mại cứng rắn mà Tổng thống Donald Trump chuẩn bị thực thi.

Thông tin này hẳn sẽ thắp lên hy vọng rằng chi phí sinh hoạt của người dân Mỹ không còn tiếp tục leo thang. Tuy nhiên, báo cáo Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) vừa được công bố có lẽ là một ví dụ nữa về “những gì có thể đã xảy ra” đối với nền kinh tế Mỹ.

Lạm phát Mỹ giảm mạnh

Lạm phát Mỹ giảm mạnh

Cụ thể, CPI tháng Ba cho thấy lạm phát tại Mỹ đã xuống mức 2,4% so với cùng kỳ năm ngoái, từ 2,8% trong tháng Hai, đúng vào thời điểm các nền kinh tế, doanh nghiệp, thị trường và người tiêu dùng toàn cầu đang căng mình chuẩn bị ứng phó với đợt tăng thuế nhập khẩu mạnh nhất của Mỹ trong hơn 100 năm qua.

Nhiều chuyên gia kinh tế cảnh báo rằng, dữ liệu CPI lần này có thể là mức đáy của lạm phát trong năm nay, khi các đợt áp thuế quy mô lớn và toàn diện của chính quyền Trump đe dọa làm đảo lộn trật tự thương mại toàn cầu, khiến hàng nhập khẩu tăng chi phí và kéo theo giá sản phẩm tiêu dùng tăng mạnh.

“Nếu xem tình hình hiện tại như một bức ảnh chụp trước và sau, thì đây chính là khoảnh khắc trước”, Robert Frick, chuyên gia kinh tế tại Navy Federal Credit Union, chia sẻ với CNN và nói thêm: “Chúng ta có thể đang tự trấn an, trong khi thực tế cho thấy chi phí sẽ còn tăng cao”.

Theo dữ liệu từ Cục Thống kê Lao động Mỹ, CPI tháng Ba đã giảm 0,1% so với tháng trước, mức giảm hàng tháng đầu tiên kể từ tháng 5/2020, trái ngược với mức tăng 0,2% ghi nhận trong tháng Hai.

Các chuyên gia dự đoán rằng giá năng lượng giảm sẽ kéo chỉ số CPI toàn phần xuống mức tăng 0,1% theo tháng và 2,6% theo năm, theo dữ liệu từ FactSet.

Giá năng lượng giảm là yếu tố chính kéo CPI xuống. Trong khi đó, CPI lõi - loại trừ thực phẩm và năng lượng - cũng ghi nhận mức hạ nhiệt rõ rệt hơn kỳ vọng.

Dù vậy, theo ông Frick, xu hướng giảm của CPI trong tháng Ba không phải là chỉ dấu cho thấy giá cả sẽ tiếp tục hạ nhiệt trong thời gian tới.

“Lạm phát đã có xu hướng tự điều chỉnh. Chúng ta dường như thực sự đang trên lộ trình trở lại mức lạm phát thấp hơn. Tuy nhiên, điều đó giờ đây khó còn đúng”, ông nhân định và cảnh báo rằng: “Điều nguy hiểm là nếu không nhìn thẳng vào thực tế thì sẽ rất dễ chủ quan trước những rủi ro về giá cả đang cận kề”.

Mô hình dự báo CPI mới nhất từ EY-Parthenon - sau khi ông Trump tuyên bố tạm ngưng áp thuế “có qua, có lại” trong 90 ngày đối với nhiều quốc gia, song song với việc áp thuế 10% trên toàn bộ hàng nhập khẩu và tăng thuế đối với hàng Trung Quốc lên 125% - cho thấy chỉ số CPI có thể tăng thêm 0,8 điểm phần trăm trong năm nay.

“Yên bình trước bão”?

Việc báo cáo CPI tháng Ba không phản ánh đầy đủ tác động của các chính sách thuế mới được dự báo từ trước, vì phần lớn các biện pháp mới chỉ bắt đầu có hiệu lực từ đầu tháng Tư.

Dù vậy, dữ liệu lần này vẫn cung cấp cái nhìn ban đầu về cách mà chính sách thương mại của Tổng thống Trump cùng loạt thuế đầu tiên đang ảnh hưởng đến giá cả hàng hóa và dịch vụ.

Chính quyền Mỹ coi việc giá dầu và xăng giảm là bằng chứng cho thấy chính sách “khoan dầu mạnh mẽ” đang phát huy hiệu quả. Tuy nhiên, theo các nhà kinh tế của Wells Fargo, giá dầu giảm chủ yếu là do mất cân bằng cung - cầu và lo ngại tăng trưởng toàn cầu đè nặng lên thị trường dầu thô.

Cùng với đó, giá vé máy bay trong tháng Ba giảm 5,3%, giá các mặt hàng giải trí cũng ghi nhận mức giảm hiếm hoi 0,1%, dấu hiệu cho thấy “chi tiêu không thiết yếu đang chững lại, các ngành vui chơi và giải trí bắt đầu phản ứng”, theo James Knightley, chuyên gia kinh tế trưởng quốc tế tại ING.

Một khi giá cả leo thang, nguy cơ xảy ra hiệu ứng dây chuyền là hoàn toàn có thật: thu nhập khả dụng của các hộ gia đình bị xói mòn, chi tiêu tiêu dùng giảm, đầu tư doanh nghiệp sụt giảm, tăng trưởng GDP thực chuyển sang âm (mức độ phụ thuộc vào diễn biến leo thang của chiến tranh thương mại), và cuối cùng là tỷ lệ thất nghiệp gia tăng.

Trong khi giá hàng hóa không bao gồm thực phẩm và năng lượng tăng 0,2% trong tháng, nhóm hàng may mặc (phụ thuộc nhiều vào nhập khẩu) ghi nhận mức tăng 0,7%.

Dù giá năng lượng và thực phẩm thường biến động, báo cáo lần này cho thấy lạm phát cơ bản hạ nhiệt mạnh hơn nhiều so với dự đoán.

CPI lõi chỉ tăng 0,1% trong tháng Ba, đưa mức tăng theo năm xuống còn 2,8%, thấp hơn đáng kể so với mức 3,1% trong tháng Hai và là mức thấp nhất kể từ gần 4 năm qua.

“Việc CPI lõi giảm trong tháng Ba sẽ được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đón nhận tích cực, đặc biệt khi xu hướng giảm hiện diện ở cả nhóm hàng hóa và dịch vụ”, Brian Coulton, chuyên gia kinh tế trưởng của Fitch Ratings, nhận định và thêm rằng: “Tuy nhiên, cần nhớ rằng doanh nghiệp đã tranh thủ nhập khẩu lượng lớn hàng hóa trong tháng Một và Hai để tránh thuế, nên cú sốc giá từ các mức thuế mới chưa phản ánh rõ trong dữ liệu hiện tại”.

Tổng thể, dù báo cáo CPI tháng Ba là một tín hiệu tích cực đối với Fed, nhưng nếu lạm phát quay đầu tăng trở lại trong khi tăng trưởng kinh tế suy yếu, Fed sẽ rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.

“Fed đang ở trong tình thế khó xử: một bên là chiến tranh thương mại khiến lãi suất cần được xem xét để nới lỏng, bên kia là sức ép từ lạm phát leo thang…”, chiến lược gia trưởng tại Morgan Stanley Wealth Management, Ellen Zentner nói.

Đại Hùng

Nguồn TBNH: https://thoibaonganhang.vn/lam-phat-my-ha-nhiet-162603.html