Lạm phát năm 2017 có đáng lo?

Theo số liệu mới được Tổng cục Thống kê công bố, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 12-2016 đã tăng 4,74% so với tháng 12-2015. Như vậy, mức lạm phát của năm nay gần bằng so với mức mục tiêu 5% Quốc hội đề ra.

Năm 2016 giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng 77,57%.

Năm 2016 giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng 77,57%.

Tuy nhiên, mức lạm phát 4,74% nói trên không phản ánh thực chất những diễn biến về giá cả trên thị trường trong suốt một năm qua, bởi phần lớn mức tăng của chỉ số CPI trong năm 2016 chịu tác động từ các biện pháp hành chính. Cụ thể, trong năm 2016 giá dịch vụ y tế được điều chỉnh tăng 77,57% và giá dịch vụ giáo dục cũng được điều chỉnh tăng 12,5%. Nếu loại trừ các yếu tố làm tăng CPI mang tính chủ quan này, lạm phát năm 2016 chỉ ở mức hơn 1%.

Trên thực tế, lạm phát cơ bản (lạm phát sau khi loại trừ giá lương thực-thực phẩm, giá năng lượng và giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý bao gồm dịch vụ y tế và dịch vụ giáo dục) trong năm 2016 chỉ ở mức 1,87%, trong đó có nhiều tháng tăng dưới 0,1%/tháng. Một thước đo khác là lạm phát GDP cũng chỉ ở mức 1,1%, bởi năm 2016 trong khi GDP thực tăng 6,21%, thì GDP danh nghĩa cũng chỉ tăng 7,3%.

Nhìn về tương lai gần, có lý do để dự báo rằng, xu hướng lạm phát thấp như hiện nay sẽ tiếp tục trong năm 2017. Tình hình tăng trưởng kinh tế hiện nay chưa có nhiều dấu hiệu khởi sắc. Tốc độ tăng GDP 6,21% trong năm 2016 thấp hơn tương đối nhiều so với mục tiêu 6,7%, thậm chí thấp hơn cả so với mức dự báo gần đây nhất là 6,3-6,5%. Mặc dù có những nguyên nhân mang tính khách quan như thời tiết không thuận lợi dẫn đến ngành nông nghiệp tăng trưởng chậm với mức 1,36% và ngành khai khoảng sụt giảm 4% do giá nguyên liệu trên thế giới ở mức thấp, nhưng nguyên nhân chính vẫn là do tổng cầu thấp.

Thứ nhất, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm 2016 sau khi loại trừ yếu tố giá chỉ tăng 7,8%, thấp hơn mức tăng 8,5% của năm 2015. Với mức lãi suất huy động cao như hiện nay (6-7%), người dân đã, đang và sẽ tiếp tục giảm chi tiêu, tăng tiết kiệm. Việc huy động vốn của các tổ chức tín dụng năm 2016 tăng tới 16,88%, cao hơn nhiều mức tăng GDP danh nghĩa 7,3% là minh chứng thuyết phục.

Thứ hai, bên cạnh chi tiêu dùng thấp, tình hình nợ công, nợ xấu và lãi suất ở mức cao sẽ tiếp tục là rào cản đối với đầu tư công cũng như đầu tư tư nhân. Trong khi đó, tốc độ tăng đầu tư trực tiếp nước ngoài có thể sẽ chững lại do triển vọng không mấy sáng sủa của Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Thứ ba, khu vực xuất khẩu có thể tiếp tục bị ảnh hưởng tiêu cực bởi tình trạng giá hàng hóa trên thế giới tiếp tục duy trì ở mức thấp, khi Fed thắt chặt tiền tệ và đồng USD tăng giá.

Tóm lại, có thể nhận định rằng, bối cảnh kinh tế trong nước và thế giới hiện nay không có nhiều thuận lợi cho triển vọng đạt mục tiêu tăng trưởng 6,7% trong năm 2017. Khi tăng trưởng kinh tế gặp nhiều thách thức, lạm phát cao sẽ chưa thể xảy ra.

Mục tiêu lạm phát 4% của Quốc hội, do vậy, hoàn toàn có thể đạt được trong năm 2017.

Tiến sĩ NGUYỄN ĐỨC ĐỘ

Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính

Nguồn Nhân Dân: http://www.nhandan.com.vn/kinhte/nhan-dinh/item/31712702-lam-phat-nam-2017-co-dang-lo.html