Lạm phát năm 2022 của Indonesia dự báo cao hơn mức mục tiêu
Ngày 21/7, Thống đốc Ngân hàng Indonesia (BI) Perry Warjiyo dự báo chỉ số giá tiêu dùng (CPI) năm 2022 của Indonesia sẽ lên tới 4,5-4,6%, vượt mức mục tiêu 2-4% được cơ quan này đưa ra hồi đầu năm.
Phát biểu họp báo, Thống đốc Perry cho hay lạm phát cao là do giá cả thực phẩm và năng lượng không được trợ cấp tăng. Áp lực nguồn cung cộng với sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu cũng khiến giá cả ngày càng tăng cao.
Chỉ số CPI tháng 6/2022 đã tăng 0,61% so với tháng trước. So với cùng kỳ năm trước, CPI tăng 4,35%, cao hơn mức 3,55% vào tháng 5.
Tuy nhiên, lạm phát lõi vẫn được duy trì ở mức 2,63% so với cùng kỳ năm ngoái, được hỗ trợ bởi chính sách nhất quán của BI trong việc duy trì kỳ vọng lạm phát.
Trong khi đó, lạm phát lương thực cũng tăng mạnh, chịu ảnh hưởng chủ yếu từ sự tăng giá lương thực toàn cầu cũng như sự gián đoạn nguồn cung do các yếu tố thời tiết.
Ông Perry cho biết thêm rằng tỷ lệ lạm phát của nhóm hàng hóa và dịch vụ do chính phủ quy định hoặc điều hành vẫn ở mức cao, chủ yếu do sự tăng giá các dịch vụ vận tải hàng không và năng lượng.
Tuy lạm phát năm 2022 được dự báo sẽ vượt giới hạn trên của mức mục tiêu, song ông Perry cho rằng nó có khả năng quay trở lại trong phạm vi mục tiêu 2-4% vào năm tới.
Theo ông Perry, ngân hàng trung ương Indonesia sẽ tiếp tục tăng cường phối hợp chính sách với chính phủ thông qua các nhóm kiểm soát lạm phát trung ương và địa phương (TPIP và TPID)./.