Lạm phát ở Argentina: Áp giá trần hàng hóa liệu có hiệu quả?
Các nhà kinh tế học nghi ngờ chính sách áp giá trần một số loại hàng hóa sẽ không thể giải quyết được vấn nạn lạm phát kéo dài của Argentina.
Tại một siêu thị ở thủ đô Buenos Aires, các tấm biển báo “giá phải chăng” được gắn vào một số hàng hóa, để báo cho người dân rằng nơi bán lẻ này tuân thủ biện pháp nhằm kéo giảm giá các mặt hàng.
Biện pháp này là cách để chính phủ Tổng thống Alberto Fernandez kiểm soát vấn nạn lạm phát kéo dài, theo đó giá bán của một số mặt hàng chọn lọc chỉ có thể tối đa 3,2%/tháng, kể từ ngày 1.2 đến 30.6 tới.
Riêng trong tháng 12.2022, mức lạm phát ở Argentina đã tăng lên 94,8% so với cùng kỳ năm 2021, khiến cuộc khủng hoảng chi tiêu hàng ngày càng thêm nặng nề.
Trước khi tung ra biện pháp giá trần, chính phủ cánh tả ở Argentina nhấn mạnh chính sách này là “một giải pháp cho cuộc khủng hoảng kinh tế”. Các tổ chức tình nguyện thuộc chính phủ đảm nhận khâu giám sát việc các cửa hàng bán lẻ, siêu thị áp giá trần... Khi phát động chính sách này hồi năm 2022, Tổng thống Fernandez tuyên bố: “Đây là một chương trình giảm kéo giảm lạm phát và ổn định về giá, nhằm phục hồi sức mua sắm của người dân”.
Tuy nhiên, việc kiểm soát giá này có hậu quả là “gây rối loạn thị trường”, theo lời Lars-Andre Richter của Quỹ Friedrich Naumann (Đức) và là người theo dõi tác dụng của chính sách áp giá trần ở Argentina.
Ông nói với báo Deutsche Welle (DW): “Chính phủ nước này muốn chống lạm phát, nhưng cách đó giống như lấy vài viên đá xây đập chắn một con sông dữ. Chính thức mà nói, phải quy trách nhiệm gây ra mức lạm phát cao cho những nhà sản xuất cùng các xu hướng đầu cơ của họ”.
Richter cũng chỉ trích việc chính phủ Argentina liên tục in tiền gây ra lạm phát cao, vì ngân hàng trung ương đang in peso "hầu như suốt ngày đêm". Hơn nữa, việc chính phủ gán nhãn hiệu cho chính sách là đảm bảo "giá cả hợp lý" cũng gây hiểu nhầm và là "sự phóng đại về mặt đạo đức của một chính sách kinh tế sai lầm", ông nói.
Vấn nạn lạm phát kéo dài của Argentina tác động rất xấu tại những khu ngoại ô nghèo của Buenos Aires, nơi mà người dân rất thiếu những điều kiện sống cơ bản như nước uống sạch.
Linh mục Paco Oliveira là người lo đáp ứng các nhu cầu cơ bản của người nghèo, nói với DW rằng chương trình hạ giá bán bắt buộc của chính phủ chưa đủ: “Giá phải chăng là một thỏa thuận với các công ty để họ không tăng giá bán một số sản phẩm qua khỏi mức đã thỏa thuận. Nhưng điều đó vẫn chưa đủ. Mọi người phải nhận được mức lương cao hơn mức lạm phát”.
Agustin Etchebarne của trung tâm nghiên cứu chính sách Tự do và Tiến bộ cũng chỉ trích các giải pháp của chính phủ Argentina, và cho rằng việc kiểm soát giá bán là không thể đạt hiệu quả.
Ông nói với DW: “Nếu giá bán thấp hơn giá thị trường tự do, thì bạn đã và phải kêu gọi các nhà sản xuất ngưng sản xuất, và kêu gọi người tiêu dùng chi tiêu nhiều thêm. Biện pháp áp mức giá trần sẽ dẫn đến việc thiếu hụt hàng hóa và các kệ hàng siêu thị sẽ trống không”.
Etchebarne còn nói một khi giá bán được thả nổi trở lại, ông sợ rằng những thứ tăng nhiều nhất tất nhiên sẽ là "những thứ bị kiểm soát". Hậu quả là người ta cho rằng chiến lược "giá phải chăng" sẽ thất bại, giống như nhiều nỗ lực khác đã được thực hiện "trên khắp thế giới trong 4.000 năm qua".
Ông nói Argentina sẽ không ngoại lệ, chỉ có điều ở đây chúng sẽ "luôn kết thúc trong tình trạng bất ổn xã hội và siêu lạm phát".