Lạm phát ở Nhật lập mức kỷ lục mới trong hơn 40 năm
Tỷ lệ lạm phát của Nhật Bản đã tăng lên mức cao mới trong 41 năm do các doanh nghiệp đẩy chi phí cao hơn trong sản xuất sang cho khách hàng của họ.
Giá tiêu dùng cốt lõi trong tháng trước đã tăng 4% so với một năm trước đó, gấp đôi mức mục tiêu kiềm giá của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ).
Nó gây thêm áp lực buộc ngân hàng trung ương phải tăng lãi suất để giúp giảm bớt chi phí sinh hoạt ngày càng tăng.
Tuần này, BOJ đã khiến các nhà đầu tư ngạc nhiên khi thông báo rằng họ sẽ giữ lãi suất gần bằng 0, bất chấp chi phí của mọi thứ từ thực phẩm đến nhiên liệu ngày càng tăng.
"Giá sản xuất đã tăng với tốc độ nhanh hơn nhiều so với giá tiêu dùng trong một thời gian, nhưng giờ đây các công ty đang chuyển những chi phí này sang người tiêu dùng" - Damian Thong, người đứng đầu bộ phận nghiên cứu vốn chủ sở hữu Nhật Bản tại Tập đoàn Macquarie nói với BBC.
“Chúng tôi tin rằng BOJ cuối cùng sẽ chấm dứt chính sách lãi suất âm” - ông nói thêm.
Giá sản xuất là thước đo lạm phát ở cấp độ bán buôn, trong khi giá tiêu dùng phản ánh số tiền mà các hộ gia đình phải trả cho hàng hóa và dịch vụ.
Dữ liệu chính thức được công bố vào ngày 20-1 cho thấy lạm phát ở mức cao nhất kể từ năm 1981, tháng thứ chín liên tiếp lạm phát cao hơn mục tiêu 2% của ngân hàng trung ương.
Ngay cả sau khi giá cả tăng vọt, Nhật Bản vẫn là một trong những quốc gia có tỷ lệ lạm phát thấp nhất thế giới.
Kết quả là nền kinh tế lớn thứ ba thế giới đã đi ngược lại xu hướng tăng lãi suất mạnh mẽ của nhiều quốc gia khác trong năm qua.
BOJ đã giữ lãi suất gần bằng 0, điều này đã khiến đồng yên giảm giá trị so với các loại tiền tệ chính khác.
Nhiều chuyên gia đã kỳ vọng ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu loại bỏ dần chương trình kích thích kinh tế trong nỗ lực kiềm chế giá cả tăng cao.
Các số liệu chính thức mới nhất cho thấy lạm phát ở Mỹ ở mức 6,5% trong tháng 12, trong khi ở khu vực đồng euro là 9,2% và ở Anh là 10,5%.