Lạm phát tại các nền kinh tế lớn châu Âu giảm xuống mức thấp trong nhiều năm
Phóng viên TTXVN tại Đức dẫn số liệu sơ bộ của Cơ quan Thống kê liên bang Đức (Destatis) cho biết lạm phát tại nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong ba năm qua.
Theo Destatis, trong tháng 3/2024, lạm phát tại Đức tiếp tục giảm, xuống 2,2%, mức thấp nhất kể từ tháng 4/2021. Lạm phát lõi (không bao gồm giá thực phẩm và năng lượng) ở mức 3,3%. Trước đó, trong tháng 1 và tháng 2/2024, lạm phát lần lượt ở mức 2,9% và 2,5%.
Chuyên gia kinh tế Timo Wollmershäuser của Viện nghiên cứu kinh tế Ifo tại thành phố Munich (München) nhận định, lạm phát tại Đức đang tiếp tục giảm và có khả năng giảm xuống dưới mức 2% trong mùa Hè tới. Ngân hàng Trung ương châu Âu được kỳ vọng sẽ sớm hạ lãi suất, tạo điều kiện tốt hơn cho hoạt động đầu tư, kinh doanh của các doanh nghiệp.
Ngày càng ít doanh nghiệp có kế hoạch tăng giá hàng hóa, đặc biệt trong các lĩnh vực như bán lẻ, ẩm thực, xây dựng. Các nhà nghiên cứu của Viện Ifo cho biết nhiều công ty thậm chí muốn giảm giá hàng hóa để kích cầu tiêu dùng. Trong lĩnh vực sản xuất, chỉ có một phần nhỏ số doanh nghiệp được khảo sát muốn tăng giá.
Lạm phát giảm góp phần thúc đẩy lòng tin tiêu dùng của người dân Đức. Theo Viện nghiên cứu Handelsblatt, chỉ số lòng tin tiêu dùng đầu tháng 4/2024 đã tăng lên mức 96,09 điểm, cao hơn gần nửa điểm so với tháng trước. Đây là lần tăng thứ ba liên tiếp trong những tháng qua, chủ yếu nhờ kỳ vọng về thu nhập của người dân Đức tăng lên đáng kể, trong khi những lo ngại về việc tăng giá đã giảm bớt.
Trong khi đó, cũng tại châu Âu, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Anh đã giảm xuống mức thấp nhất trong hơn 2 năm qua, sau khi các nhà bán lẻ giảm giá thực phẩm, quần áo và đồ điện, trong bối cảnh người tiêu dùng nước này thắt chặt chi tiêu do khủng hoảng chi phí sinh hoạt.
Phóng viên TTXVN tại London số liệu do Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRC) công bố ngày 2/4 cho biết CPI của nước này trong tháng 3/2024 tăng 1,3% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn mức tăng 2,5% trong tháng 2/2024. Đây cũng là mức tăng thấp nhất kể từ tháng 12/2021, khi CPI tăng 0,8%, đồng thời là lần đầu tiên trong hơn hai năm chỉ số này tăng ở mức dưới 2%.
Số liệu cập nhật cũng cho thấy lạm phát phi thực phẩm giảm từ mức 1,3% trong tháng 2 xuống còn 0,2% trong tháng 3, trong khi lạm phát thực phẩm giảm từ 5% xuống 3,7%.
Đáng chú ý, chỉ số giá thực phẩm vẫn tiếp tục tăng cao hơn các danh mục hàng hóa tiêu dùng khác, nhưng ghi nhận mức thấp nhất kể từ tháng 4/2022 và thấp hơn nhiều so với mức kỷ lục 15,7% ghi nhận hồi tháng 4/2023.
Giám đốc điều hành BRC Helen Dickinson cho biết lạm phát đã giảm trong bối cảnh cạnh tranh khốc liệt giữa các nhà bán lẻ nhằm thu hút chi tiêu của người tiêu dùng, khi các hộ gia đình gặp khó khăn phải cắt giảm chi tiêu.
Hiện ngày càng có nhiều hy vọng rằng đợt lạm phát mạnh nhất trong 40 năm đã qua và dự đoán Ngân hàng trung ương Anh (BoE) có thể bắt đầu triển khai cắt giảm lãi suất trong vòng vài tháng để giảm bớt áp lực đối với các hộ gia đình.
Thị trường tài chính Anh đang kỳ vọng BoE sẽ cắt giảm lãi suất ngay từ tháng Năm hoặc tháng Sáu tới sau khi lạm phát trong tháng Tư này được dự báo sẽ giảm xuống dưới mức mục tiêu 2% của BoE.
Tuy nhiên, bà Dickinson cảnh báo việc tăng lương tối thiểu từ 10,42 bảng (13,09 USD)/giờ lên 11,44 bảng/giờ bắt đầu áp dụng từ ngày 1/4, cùng với việc tăng thuế lên mức 6,7% áp dụng với nhiều doanh nghiệp và nhiều quy định mới về vật liệu tái chế cũng như các biện pháp kiểm soát biên giới bổ sung liên quan việc Anh rời Liên minh châu Âu có thể khiến tiến trình giảm lạm phát gặp rủi ro.