Lạm phát tại Mỹ tăng ủng hộ sự thận trọng của FED về cắt giảm lãi suất
Lạm phát của Mỹ bất ngờ tăng lên 3,2% trong tháng trước, làm gia tăng thách thức mà Cục Dự trữ Liên bang (FED) phải đối mặt trong 'dặm cuối' của cuộc chiến chống giá cả tăng cao. Trọng tâm tại cuộc họp tiếp theo của FED sẽ là liệu hầu hết các quan chức có tiếp tục ủng hộ kế hoạch 3 lần cắt giảm lãi suất trong năm nay hay không, hoặc ít hơn.
Lạm phát “nóng” hơn so với dự kiến
Số liệu chỉ số giá tiêu dùng từ Cục Thống kê Lao động Mỹ công bố ngày 12/3 cho thấy, lạm phát cơ bản của tháng 2/2023, không bao gồm những thay đổi về chi phí thực phẩm và năng lượng, ở mức 3,8% so với mức 3,9% trong tháng 1. Các nhà kinh tế đã dự kiến chỉ số này, được coi là thước đo tốt hơn về áp lực giá cơ bản, sẽ giảm xuống còn 3,7%.
Chỉ số này mặc dù giảm đáng kể so với mức cao 9,1% vào năm 2022, nhưng vẫn nhanh hơn mức bình thường khoảng 2% trước đại dịch. Theo đó, chỉ số giá hàng tháng đã tăng từ 0,3% trong tháng 1 lên 0,4% vào tháng trước.
FED nhắm tới một thước đo lạm phát thay thế - chi tiêu tiêu dùng cá nhân. Tuy nhiên, với việc số liệu PCE tháng 2 chỉ được công bố sau cuộc bỏ phiếu ngày 20/3, dữ liệu CPI dự kiến sẽ ảnh hưởng đến sự cân nhắc của những người ấn định lãi suất.
Các quan chức FED sẽ họp vào ngày 19-20/3 và được nhiều người dự đoán sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp đó. Họ sẽ công bố một bộ dự báo kinh tế mới sau cuộc họp, trong đó sẽ cho thấy họ dự kiến sẽ giảm lãi suất bao nhiêu vào năm 2024.
Theo ước tính cuối cùng của FED, được công bố vào tháng 12/2023, các quan chức đã dự kiến sẽ thực hiện ba lần cắt giảm lãi suất trong năm nay.
Dữ liệu mới cũng nhấn mạnh việc đưa lạm phát trở lại mức bình thường có thể là một quá trình khó khăn - ủng hộ quyết định của FED về việc tiến hành cẩn thận khi các quan chức xem xét thời điểm và mức độ giảm lãi suất.
“Dữ liệu mới sẽ nhấn mạnh sự thận trọng của FED đối với triển vọng lạm phát” - Kathy Bostjancic - Kinh tế trưởng tại Nationwide Mutual cho biết.
Đến nay, lạm phát tại Mỹ đã giảm đều đặn và tương đối dễ dàng: Tỷ lệ thất nghiệp tiếp tục dao động dưới 4% và tăng trưởng năm 2023 mạnh bất ngờ, mặc dù FED đã tăng lãi suất lên mức cao nhất trong hơn hai thập kỷ.
Các quan chức FED đang tranh luận về việc họ cần duy trì lãi suất ở mức hiện tại, khoảng 5,3% trong bao lâu. Chi phí đi vay tăng cao khiến mọi người phải vay tiền để mua nhà hoặc mở rộng kinh doanh trở nên đắt đỏ hơn và điều đó có thể đè nặng lên nền kinh tế theo thời gian. FED đã cố gắng giảm bớt nhu cầu đủ để kiểm soát lạm phát, nhưng các quan chức muốn tránh tăng trưởng quá chậm đến mức dẫn đến mất việc làm trên diện rộng hoặc suy thoái kinh tế.
Một số nhà kinh tế lo ngại, việc giảm lạm phát trong thời gian còn lại có thể khó hơn so với việc đạt được tiến bộ cho đến nay. Các quan chức FED muốn tránh hạ lãi suất quá sớm để rồi phát hiện ra rằng, lạm phát vẫn chưa được dập tắt hoàn toàn.
FED đặt mục tiêu lạm phát 2% hàng năm, mục tiêu đó được xác định mục tiêu bằng cách sử dụng chỉ số lạm phát riêng biệt nhưng có liên quan, thước đo Chi tiêu tiêu dùng cá nhân (PCE). Chỉ số đó kết hợp một số dữ liệu từ số liệu PCI, nhưng xuất hiện muộn hơn.
Một số nhà kinh tế đã đặt câu hỏi liệu việc tăng giá có tiếp tục giảm dần theo hướng mục tiêu của ngân hàng trung ương hay không. Nếu lạm phát dịch vụ - những thứ như nhà ở và bảo hiểm, tỏ ra cứng đầu hơn dự kiến, thì điều đó có thể khiến việc tăng giá tổng thể trở nên khó dập tắt hoàn toàn.
Chỉ số giá thuê nhà ở chính của tháng 2 đã tăng nhanh hơn một chút, ở mức 0,5% so với 0,4% trong tháng 1. Giá hàng hóa gần đây đã giảm bớt, nhưng vẫn có một số trường hợp ngoại lệ trong tháng 2. Ví dụ, giá quần áo gần đây đã giảm so với tháng trước nhưng lại tăng vào tháng 2.
Thách thức “dặm cuối” đối với FED
Tại phiên điều trần trước Ủy ban Dịch vụ tài chính Hạ viện Mỹ vào tuần trước, Chủ tịch FED Jerome H. Powell cho rằng, ngân hàng trung ương sẽ bắt đầu giảm chi phí đi vay vào năm 2024 nhưng các nhà hoạch định chính sách vẫn cần có “niềm tin lớn hơn” rằng lạm phát đã được khắc phục trước khi thực hiện động thái đó.
Ông nói, FED đang thận trọng. Nhưng ông Powell cũng cho biết khi FED tin tưởng rằng lạm phát đã giảm đủ, “và chúng ta không còn xa mức đó”, thì việc giảm lãi suất sẽ là điều phù hợp.
Eswar Prasad - giáo sư tại Đại học Cornell, cho biết: “Những con số lạm phát này báo trước một thời kỳ khó khăn hơn đối với FED. Mặc dù nền kinh tế Mỹ cho đến nay vẫn tăng trưởng tốt, nhưng có nguy cơ lạm phát dai dẳng và phản ứng của FED đối với lạm phát có thể biến kịch bản hạ cánh mềm thành lạm phát đình trệ nhẹ”.
Số liệu hôm thứ ba sẽ đóng một vai trò quan trọng trong suy nghĩ của FED khi cơ quan này công bố các dự báo mới vào tuần tới về số lần cắt giảm dự kiến cho năm 2024. Cuộc họp ngày 20/3 cũng dự kiến sẽ giữ lãi suất ở mức từ 5,25 đến 5,5%.
Diane Swonk - Kinh tế trưởng tại KPMG US, cho rằng dữ liệu lạm phát sẽ củng cố quyết tâm của những người có quan điểm “diều hâu” tại ngân hàng trung ương, những người muốn giữ lãi suất cao hơn trong thời gian dài hơn để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%. “Đây sẽ là một cuộc họp tháng 3 rất sôi nổi” - Swonk nói.
Các nhà đầu tư cho rằng FED có thể bắt đầu hạ lãi suất vào tháng 6, muộn hơn họ dự đoán vào đầu năm nay.
Các nhà kinh tế tại Capital Economics cho biết trong một báo cáo: “Chúng tôi vẫn tin rằng có rất nhiều áp lực giảm phát phải vượt qua”. Tuy nhiên họ vẫn cho rằng FED sẽ bắt đầu cắt giảm lãi suất vào tháng 6, “khi đó sẽ có nhiều bằng chứng hơn” về việc hạ nhiệt thêm nữa.
Hiện tại, ngân hàng trung ương có kế hoạch giảm lãi suất 3 lần trong năm nay. Thị trường kỳ vọng sẽ có 3 hoặc 4 đợt cắt giảm trong năm nay, bắt đầu vào tháng 6 hoặc tháng 7. Chuyên gia kinh tế Andrew Hollenhorst của Citi cho biết: “FED có lẽ vẫn đang trên đà cắt giảm vào tháng 6”, đồng thời nói thêm “dữ liệu lạm phát trong hai tháng qua cho thấy khó khăn trong việc đưa lạm phát về mục tiêu”.
Diễn biến lãi suất và lạm phát cũng là mối quan ngại lớn đối với Tổng thống Joe Biden, người đang tìm cách biến vai trò quản lý nền kinh tế của mình thành trọng tâm trong chiến dịch tranh cử chống lại cựu Tổng thống Donald Trump, người mà ông đang tụt lại phía sau trong các cuộc thăm dò trước cuộc bầu cử vào tháng 11.
Giá trái phiếu chính phủ giảm nhẹ khi các nhà đầu tư điều chỉnh đặt cược vào thời điểm FED cắt giảm lãi suất. Lợi suất trái phiếu kho bạc kỳ hạn hai năm, thường theo dõi kỳ vọng lãi suất và tỷ lệ nghịch với giá, tăng 0,06 điểm phần trăm lên 4,59%. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn 10 năm chuẩn cũng tăng thêm 0,05 điểm phần trăm lên 4,15%. Chỉ số theo dõi đồng Đô la so với rổ 6 loại tiền tệ khác tăng 0,2% trong ngày.
Chứng khoán Mỹ kết thúc cao hơn vào thứ ba, với S&P 500 của Phố Wall tăng 1,1% lên mức cao kỷ lục và chỉ số Nasdaq Composite thiên về công nghệ tăng 1,5%.