Lạm phát tại Pháp tăng trở lại sau ba tháng giảm liên tiếp
Theo nhật báo kinh tế La Tribune ngày 28/10, tâm lý thất vọng lại xuất hiện trở lại với người Pháp khi tỷ lệ lạm phát của nước này đã tăng lên mức 6,2% vào tháng 10/2022.
Theo nhật báo kinh tế La Tribune ngày 28/10, tâm lý thất vọng lại xuất hiện trở lại với người Pháp khi tỷ lệ lạm phát của nước này đã tăng lên mức 6,2% vào tháng 10/2022, sau khi tỷ lệ này đã có xu hướng giảm từ 6,1% trong tháng 7/2022 xuống 5,6% vào tháng 9/2022.
Nguyên nhân gây ra tình hình này vẫn là những yếu tố quen thuộc như giá năng lượng tăng vọt kéo theo sự tăng giá của các mặt hàng thực phẩm và các sản phẩm chế tạo.
Đánh giá chính thức về tình hình kinh tế - xã hội Pháp sẽ được Viện thống kê và nghiên cứu kinh tế quốc gia Pháp (INSEE) công bố vào giữa tháng 11, nhưng những số liệu sơ bộ này cũng đủ để nói lên một điều rằng đây là một tin xấu đối với nước Pháp.
Trước đó, trong một số liệu được đưa ra hồi đầu tháng, INSEE dự kiến lạm phát tại Pháp sẽ giảm nhẹ vào tháng 10/2022 trước khi tăng trở lại vào tháng 11 và tháng 12/2022, khi chính phủ nước này kết thúc chương trình trợ giá nhiên liệu cho người dân.
Theo số liệu của INSEE, giá lương thực và thực phẩm tại Pháp đang tăng mạnh. Cụ thể, giá thực phẩm, tức là những mặt hàng mà các hộ gia đình khiêm tốn nhất phải dành phần lớn thu nhập để có được, đã tăng rất mạnh vào tháng 10, ở mức 11,8% trong hơn một năm và thậm chí 16,9% đối với các sản phẩm tươi sống.
Là một trong những nhân tố góp phần đẩy nhanh tốc độ lạm phát kể từ khi xảy ra xung đột ở Ukraine, giá năng lượng tại Pháp đã tăng 19,2% so với mức 17,9% của tháng Chín bất chấp việc chương trình trợ giá nhiên liệu được Chính phủ nước này gia hạn đến cuối năm.
Cuối cùng, nhóm hàng chế tạo ghi nhận mức tăng 4,2% trong khi giá dịch vụ (+3,2%) vẫn giữ tốc độ tăng so với tháng 9/2022.
Như vậy trong một tháng, giá năng lượng đã tăng vọt trở lại theo sự tăng giá của các sản phẩm dầu mỏ; giá các dịch vụ ổn định hơn, trong khi giá lương thực tăng nhanh và giá các mặt hàng chế tạo chỉ tăng nhẹ.
Tính trong một năm, chỉ số giá tiêu dùng hài hòa (HICP), cung cấp nền tảng thống kế để so sánh ở cấp độ châu Âu về lạm phát giá tiêu dùng, sẽ tăng 7,1%, sau khi tăng 6,2% vào tháng 9/2022. Trong một tháng, chỉ số này đã tăng trở lại ở mức 1,3%, sau khi giảm 0,5% vào tháng trước.
Công bố của INSEE được đưa ra chỉ một ngày sau thời điểm Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) thông báo quyết định tăng tỷ lệ lãi suất thêm 75 điểm cơ bản.
Một mức tăng bằng với mức tăng lần thứ hai diễn ra trong tháng 9/2022, trong khi lần tăng đầu tiên mà ECB thông báo là vào tháng Bảy, với 50 điểm cơ bản.
Thông cáo báo chí ngày 27/10 của ECB cho biết từ ngày 2/11/2022, lãi suất tái cấp vốn do đó sẽ được thiết lập ở mức 2%, lãi suất cho vay cận biên là 2,25% và lãi suất tiền gửi là 1,5%.
Mục tiêu lặp đi lặp lại của ECB là cố gắng kiềm chế và giảm lạm phát vốn đã lên tới 10% trong hơn một năm vào tháng 9/2022 ở Khu vực đồng euro so với 9,1% vào tháng 8/2022, theo số liệu từ Eurostat.
Quyết định điều chỉnh lãi suất lần thứ ba của ECB được giải thích ở sự tăng giá cao hơn của năng lượng cũng như thực phẩm.
Tuy nhiên, lãi suất cao hơn rất có thể sẽ ảnh hưởng đến các nhu cầu thiết yếu của người dân, ví dụ về nhà ở, các mặt hàng tiêu dùng hoặc các dịch vụ.
ECB cho biết dự kiến sẽ có thêm các đợt tăng lãi suất để đảm bảo lạm phát kịp thởi trở lại mục tiêu trung hạn 2%.
Cùng ngày 28/10, Viện Thống kê Tây Ban Nha (INE) cũng công bố các số liệu về kinh tế trong tháng 10/2022.
Theo đó, lạm phát tại nước này tăng chậm lại trong tháng thứ ba liên tiếp với tỷ lệ 7,3% trong một năm nhờ giá năng lượng giảm. Tỷ lệ này thấp hơn so với mức 8,9% trong tháng 9/2022 (8,9%) và 10,8% trong tháng 7/2022./.
Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lam-phat-tai-phap-tang-tro-lai-sau-ba-thang-giam-lien-tiep/263713.html