Lạm phát tăng cao nhất trong gần 2 năm
CPI tháng 6 tăng 3,37% so với cùng kỳ năm trước, đánh dấu mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 7/2020.
Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 6 tăng 0,69% so với tháng trước, tăng 3,37% so với cuối năm 2021. Đây là mức tăng hàng năm lớn nhất kể từ tháng 7/2020 (3,39%).
Bình quân quý II, CPI tăng 2,96%. Tính chung 6 tháng, CPI tăng 2,44% so với cùng kỳ năm trước.
Theo Tổng cục Thống kê, đối với giá sản xuất, chỉ số giá nguyên - nhiên - vật liệu dùng cho sản xuất ghi nhận mức tăng mạnh trong nửa đầu năm so với cùng kỳ năm trước.
Cụ thể, chỉ số giá sản xuất sản phẩm nông, lâm nghiệp và thủy sản quý II tăng 1,84% so với quý trước và tăng 2,18% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số này tăng 1,38% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá sản xuất sản phẩm công nghiệp quý II tăng 5,11% so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng 4,75%. Chỉ số giá sản xuất dịch vụ 3,57% so với cùng kỳ năm trước.
Chỉ số giá nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu dùng cho sản xuất quý II tăng 2,23% so với quý trước và 6,38% so với cùng kỳ năm trước. 6 tháng đầu năm ghi nhận mức tăng mạnh là 6,04%.
Trong khi đó, chỉ số giá nhập khẩu cũng tăng mạnh trong nửa đầu năm. Chỉ số giá nhập khẩu hàng hóa tăng 11,43% so với cùng kỳ năm trước. Trong 6 tháng đầu năm, chỉ số giá nhập khẩu tăng 11,21% sau một năm.
Việt Nam cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tăng
Ngân hàng Thế giới
Chỉ số giá xuất khẩu hàng hóa đã tăng 8,56% so với cùng kỳ năm trước. Chỉ số giá vàng tăng 7,4% so với 2021.
Trong báo cáo trước đó, Ngân hàng Thế giới (WB) cho rằng Việt Nam cần thận trọng với rủi ro lạm phát liên quan đến xu hướng giá nhiên liệu và hàng hóa nhập khẩu tăng. Điều này có thể cản trở quá trình phục hồi tổng cầu trong nước.
Các chuyên gia cho rằng cần có những biện pháp hỗ trợ tạm thời, bao gồm hỗ trợ trực tiếp có mục tiêu để giúp các hộ nghèo chống chọi với giá nhiên liệu tăng.
Trong khi đó, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo sẽ có những rủi ro và sự bất định đáng kể đối với triển vọng kinh tế Việt Nam. Rủi ro đối với tăng trưởng nghiêng về phía tăng trưởng chậm lại, trong khi rủi ro đối với lạm phát nghiêng về phía tăng lạm phát.
Trong ngắn hạn, rủi ro bên ngoài trước mắt là sự gia tăng căng thẳng địa chính trị có thể ảnh hưởng tiêu cực đến hoạt động kinh tế và lạm phát do cầu bên ngoài yếu hơn, giá hàng hóa cao hơn và sự gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu kéo dài.
Nguồn Znews: https://zingnews.vn/lam-phat-tang-cao-nhat-trong-gan-2-nam-post1330853.html