Làm phát thanh thời tách tỉnh
Đã tròn chẵn 25 năm kể từ ngày tỉnh Nghĩa Bình được tách ra thành hai tỉnh Quảng Ngãi và Bình Định. Còn nhớ vào đầu tháng 7.1989, sau khi chia tay vài thân hữu làm báo ở Quy Nhơn, tôi lên chuyến xe đò khá chật chội về Quảng Ngãi.Về quê lần này khác những lần trước, chẳng háo hức mà buồn vui lẫn lộn. Buồn vì xa những con đường, góc phố, quán cóc, gương mặt đã quá gần gũi, thân quen sau 7 năm công tác. Vui vì từ đây chắc sẽ 'đoạn tuyệt' với cảnh chen chúc, chật chội trong khu nhà tập thể điện đóm chập chờn.Về Quảng Ngãi công việc đầu tiên của chúng tôi là chuẩn bị cho buổi phát sóng đầu tiên. Khối nội dung ban đầu chỉ có 6 anh em làm phóng viên, biên tập phải ôm nhiều việc. Máy móc thiếu thốn, cả phòng phóng viên chỉ có 2 chiếc ghi âm R7 của Hungary từ Đài Phát thanh Nghĩa Bình chia ra. Phương tiện tác nghiệp chủ yếu là xe đạp, thỉnh thoảng được đi nhờ ô tô của các sở, ngành xuống cơ sở. Thiếu thốn mọi thứ nhưng chẳng ai kêu ca, phàn nàn. Ngày ấy, cánh phóng viên, biên tập chúng tôi làm việc không kể giờ giấc, thứ bảy hay chủ nhật, không đòi hỏi thù lao hay tiền ngoài giờ. Đói thì gói mì tôm, ổ bánh mì hay tô bún bình dân. Mệt thì kê tạm vài chiếc ghế, xếp báo làm gối rồi chợp mắt. Chẳng cần phải hô hào, động viên gì nhiều, mỗi người đều hết sức tự nguyện hoàn thành công việc của mình.
Cán bộ kỹ thuật của Đài PTTH Quảng Ngãi xử lý hậu kỳ một chương trình phát sóng. Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Suốt một tuần chuẩn bị, vào đúng 5 giờ 30 sáng ngày mùng 8.7.1989, nhân ngày khai mạc kỳ họp thứ nhất của Hội đồng nhân dân tỉnh, Đài Phát thanh Quảng Ngãi đã phát chương trình đầu tiên với hai giọng phát thanh viên quen thuộc là Nguyễn Tăng Thêu và Võ Thị Thuấn. Nghe lời xướng “Đây là Đài phát thanh Quảng Ngãi” trên nền nhạc bài Du kích Ba Tơ của nhạc sĩ Dương Minh Viên, nhiều người xúc động đến trào nước mắt.
Là chương trình phát thanh đặc biệt nên nội dung chúng tôi chuẩn bị khá kỹ lưỡng. Đầu tiên là phát biểu của Bí thư Tỉnh ủy Đỗ Quang Thắng nói về quyết định chia tỉnh đúng đắn của Bộ Chính trị; đồng thời nêu rõ các nhiệm vụ cấp bách, trước mắt sau ngày tái lập tỉnh. Chương trình còn có tùy bút, phản ánh của phóng viên, những bài hát hay về Quảng Ngãi. Ngày ấy truyền hình chưa phủ sóng khắp tỉnh, báo in phát hành số lượng ít nên người nghe phát thanh nhiều. Riêng chương trình đầu tiên, theo yêu cầu bạn nghe đài chúng tôi phải phát lại đến ba lần nhưng cũng chưa thỏa mãn yêu cầu.
Đúng 5 giờ 30 sáng ngày mùng 8.7.1989, Đài Phát thanh Quảng Ngãi đã phát chương trình đầu tiên. Nghe lời xướng “Đây là Đài phát thanh Quảng Ngãi” trên nền nhạc bài Du kích Ba Tơ của nhạc sĩ Dương Minh Viên, nhiều người xúc động đến trào nước mắt.
Phát sóng chương trình đầu tiên như thế là suôn sẻ, Đài quyết định mỗi ngày phát ba chương trình phát thanh sáng trưa và tối (riêng buổi sáng phát lại vào buổi trưa có bổ sung tin mới). Sáu con người chia làm hai khối kinh tế và văn hóa - xã hội, cứ thế anh em phóng viên làm việc quần quật hơn cả nông dân mùa gặt. Sáng đi trưa viết, chiều đi tối viết để có tin bài phát. Thời ấy hai máy đánh chữ của cơ quan mới mua hầu như không ngừng nghỉ, tiếng gõ lách cách có khi đến tận khuya.
Với chừng ấy con người, máy móc thiết bị lại cũ kỹ, công nghệ thu in lạc hậu, nhưng mỗi ngày chúng tôi vẫn đảm nhận phát ba chương trình thời sự, ca nhạc, có cả các chuyên mục an ninh - quốc phòng , nông nghiệp, thiếu nhi, tiếp chuyện bạn nghe đài, khoa học và đời sống... Phóng viên thiếu nên hầu hết tin tức từ các địa phương là do cộng tác viên đảm nhận. Thời ấy cộng tác viên rất quý Đài vì được tin cậy và giao nhiệm vụ. Có người cứ vài ba ngày lại ghé Đài để biết bài viết của mình có được sắp lịch phát sóng không và... cũng thăm dò về mấy đồng nhuận bút.
Làm báo phát thanh thời trước khá vất vả và cực nhọc. Thế mới có chuyện có anh phóng viên văn nghệ mới hợp đồng thử việc, trong lúc nhân viên kỹ thuật đang thu chương trình ca nhạc thì bỗng dưng biến mất. Không thấy nhân vật chính, mọi người dáo dác đi tìm thì bắt gặp anh ta đang đánh giấc ngon lành trong một góc phòng. Hỏi ra mới biết, suốt tối qua anh ta thức lo soạn chương trình cho ngày hôm sau.
Lại có chuyện một phát thanh viên nam do làm việc quá nhiều, đầu óc hơi căng nên “xả stress” bằng cách hát to lên bài Quốc ca trong phòng thu. Số là sắp đến kỷ niệm ngày Quốc khánh 2.9 nên bộ phận làm chương trình lấy một bài viết trên báo Tiền Phong nói về hoàn cảnh ra đời của bài hát Tiến quân ca cho phát thanh viên đọc. Đọc xong phần đầu bài viết, thấy có bài hát liền bên dưới, anh ta bỗng dâng trào khí thế cách mạng hát Quốc ca say sưa làm mọi người một phen hoảng hốt. Chờ anh hát xong, kỹ thuật phòng thu mới xóa băng thu lại. Thời ấy làm phát thanh không trực tiếp như bây giờ nên cũng không gây ra “sự cố” nghề nghiệp.
Đã một phần tư thế kỷ trôi qua, nhắc lại chuyện cũ để thấy, có một thời anh em làm báo phát thanh thật say nghề mà cũng rất hồn nhiên.
Nguồn Quảng Ngãi: http://baoquangngai.vn/channel/2028/201407/lam-phat-thanh-thoi-tach-tinh-2323589/