Lạm phát toàn cầu chưa hạ nhiệt
Một ngày trước khi Bộ Lao động Mỹ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) của quốc gia này trong tháng 11-2021, Tổng thống Joe Biden ngày 9-12 đã phát những tín hiệu cho thấy lạm phát tại nền kinh tế số 1 thế giới vẫn ở mức cao trong bài phát biểu dài bất thường.
Ông chủ Nhà Trắng trấn an người dân rằng giá năng lượng và các hàng hóa then chốt khác đang bắt đầu giảm xuống dù xu hướng này chưa được phản ánh trong dữ liệu của tháng 11.
Cùng ngày, Reuters dẫn một số nguồn tin cho biết CPI của Mỹ trong tháng 11-2021 có thể đã tăng 6,8% so với cùng kỳ năm ngoái, vượt mức tăng kỷ lục 6,2% trong tháng 10-2021, mức tăng theo năm nhanh chưa từng thấy kể từ tháng 11-1990.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Jerome Powell tuần rồi khẳng định FED cần chuẩn bị ứng phó với kịch bản lạm phát không suy giảm trong 6 tháng đầu năm 2022 như phần lớn dự đoán.
Tại Nhật Bản, chỉ số giá hàng hóa doanh nghiệp (CGPI) - được sử dụng để đo lường mức giá mà các công ty tính phí hàng hóa và dịch vụ của nhau - trong tháng 11-2021 đã tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là mức tăng theo năm cao chưa từng thấy kể từ khi Nhật Bản công bố dữ liệu này vào năm 1981, một dấu hiệu cho thấy khủng hoảng chuỗi cung ứng và chi phí nguyên liệu thô leo thang đang trút sức ép lên giá cả hàng hóa và dịch vụ bán lẻ.
Trong bối cảnh giá hàng hóa nhập khẩu gia tăng do đồng yen suy yếu, tình trạng trên đã "xát muối vào vết thương" của nền kinh tế lớn thứ 3 thế giới, vốn đang trong hành trình phục hồi từ đại dịch Covid-19.
"Nhật Bản nhập khẩu rất nhiều mặt hàng. Vì thế, giá cả có thể tăng ở hàng loạt sản phẩm. Điều này có thể khiến tiêu thụ sụt giảm" - chuyên gia kinh tế Takeshi Minami của Viện Nghiên cứu Norinchukin (Nhật Bản) khẳng định.
Trong khi đó, theo Văn phòng Thống kê quốc gia Anh (ONS) ngày 10-12, kinh tế của quốc gia này gần như không tăng trưởng trong tháng 10, ngay cả từ trước khi biến thể Omicron xuất hiện. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong tháng 10 của Anh chỉ tăng 0,1%, giảm mạnh so với mức tăng theo tháng 0,6% của tháng 9.
Khẳng định tỉ lệ lạm phát tăng nhanh cùng với sự xuất hiện của Omicron có thể khiến nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới suy thoái một lần nữa, chuyên gia Maike Currie của Công ty Fidelity International (Anh) dự đoán Ngân hàng Anh nhiều khả năng sẽ không nâng lãi suất vào tuần tới như dự đoán.
Kinh tế Anh phục hồi ấn tượng vào đầu năm nay sau khi suy giảm 10% vào năm 2020, thời điểm đại dịch Covid-19 bùng phát. Tuy nhiên, trong những tháng gần đây, tốc độ phục hồi đã chậm lại vì những nỗi lo liên quan đến chuỗi cung ứng và Omicron.
Omicron và thông tin tiêu cực về lạm phát Mỹ khiến các thị trường chứng khoán ở châu Á - Thái Bình Dương chìm trong sắc đỏ ở phiên giao dịch ngày 10-12.
Tại Nhật Bản, chỉ số Nikkei 225 giảm 1% trong khi chỉ số Topix giảm 0,77%. Mức giảm này ở các chỉ số chứng khoán Hàn Quốc Kospi và Kosdaq lần lượt là 0,64% và 1,1%.
Xu hướng tương tự xảy ra ở thị trường chứng khoán Trung Quốc với Shanghai Composite giảm 0,18% và Shenzhen Component giảm 0,24%. Tại Hồng Kông (Trung Quốc), chỉ số Hang Seng giảm 1,07%.
Các thị trường Singapore, Ấn Độ, New Zealand và các nước Đông Nam Á khác cũng đi xuống, theo đài CNBC. Thị trường chứng khoán phái sinh châu Âu cũng ghi nhận xu hướng giảm trong phiên giao dịch hôm 10-12, với hợp đồng tương lai của các chỉ số Euro Stoxx 50 và FTSE có thời điểm bốc hơi lần lượt 0,53% và 0,46%.
Giá thực phẩm Trung Quốc tăng liên tục
Giá rau tươi ở Trung Quốc trong tháng 11 vừa qua đã tăng 30,6% so với một năm trước đó. Dù nguồn cung cấp rau đã tăng trong tháng 11 song giá vẫn tăng 6,8% so với tháng 10.
Số liệu trên được Cục Thống kê quốc gia Trung Quốc công bố hôm 9-12. Nhìn chung, giá thực phẩm Trung Quốc trong tháng 11 tăng 1,6% so với một năm trước, chung đà tăng với thế giới. Tổ chức Lương Nông (FAO) của Liên Hiệp Quốc cho biết giá thực phẩm toàn cầu của tháng 11 tăng 27,3% so với một năm trước, lên mức cao nhất kể từ tháng 6-2011.
Tại Trung Quốc, giá trứng tháng 11 tăng vọt thêm 20,1%, cá nước ngọt tăng 18%. Riêng giá thịt heo tháng 11 tuy vẫn thấp hơn nhiều so với thời điểm giá cao ngất hồi năm ngoái nhưng đã tăng 12,2% so với tháng 10-2021. Theo Reuters, chỉ số giá tiêu dùng Trung Quốc, vốn rất nhạy cảm với giá thịt heo, đã tăng 2,3% trong tháng 11 vừa qua. Hiện các nhà đầu tư đang theo dõi xem liệu việc giá cả tăng tương đối nhanh và hoạt động kinh tế đình trệ có kéo tăng trưởng đi xuống hay không.
Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su-quoc-te/lam-phat-toan-cau-chua-ha-nhiet-20211210210932469.htm