Lạm phát và đô la Mỹ siêu mạnh khiến khối nợ các nước mới nổi phình to
Chi tiêu tài khóa để bù đắp tác động của lạm phát toàn cầu sẽ làm tăng mức nợ ở các nước châu Á mới nổi. Nợ khu vực công và tư nhân trong khu vực đã tăng lần đầu tiên trong bốn quí từ quí 2 vừa rồi và dự kiến sẽ tiếp tục tăng trong suốt năm 2022, theo dữ liệu của Viện Tài chính quốc tế (IFF).
Đồng đô la siêu mạnh cộng thêm các đợt tăng lãi suất ở Mỹ và triển vọng lãi suất tiếp tục tăng trong năm 2023 khiến các nước mới nổi gặp các căng thẳng tài chính, đối diện nguy cơ vỡ nợ.
Vay cũng khó, trả nợ càng khó
Theo IFF, nợ của nhóm nước mới nổi chiếm 252,4% GDP, tăng từ 250,2% của một năm trước đó. Nợ nhà nước ở Singapore đã tăng lên 176,2% GDP, từ 147,6% và ở Trung Quốc tăng lên 76,2%, từ 69,9%.
Nợ của khu vực tư nhân cũng đang tăng lên. Ở Việt Nam, nợ doanh nghiệp tư tăng từ 100,6% lên 107,9% GDP, trong khi ở Hồng Kông, nợ hộ gia đình tăng từ 92,1% lên 94,5%.
Trên toàn cầu, nợ công và nợ tư nhân đã lên tới 349% GDP trong quí 2 vừa rồi, mức tăng đầu tiên trong năm quí. Báo cáo của IFF viết: Khối nợ ngày càng tăng ở các nền kinh tế mới nổi phản ánh “tác động của sự suy giảm mạnh trong tăng trưởng ở các nước này”.
“Những lo ngại về tốc độ tăng trưởng chậm lại, đặc biệt là ở Trung Quốc và châu Âu, và căng thẳng xã hội gia tăng do giá năng lượng và lương thực cao hơn, có thể sẽ thúc đẩy các chính phủ vay nhiều hơn”, báo cáo viết. IFF dự đoán tỷ lệ nợ trên GDP toàn cầu sẽ đạt 352% vào cuối năm 2022.
Việc vay vốn đang trở nên khó khăn hơn đối với các nền kinh tế mới nổi do đồng đô la Mỹ tăng giá mạnh. Báo cáo cho biết, số tiền mà chính phủ các nền kinh tế mới nổi huy động được thông qua phát hành trái phiếu ngoại tệ đã giảm xuống còn 60 tỉ đô la Mỹ trong nửa đầu năm 2022, từ hơn 105 tỉ đô la Mỹ của một năm trước.
Báo cáo cho rằng việc phát hành trái phiếu nói chung đã yếu do chi phí tài trợ cao hơn, ảnh hưởng đến sự thèm muốn của người đi vay để khai thác thị trường trái phiếu quốc tế. Các lỗ hổng nợ gia tăng đã buộc một số công ty phát hành có lãi suất cao phải tìm kiếm sự hỗ trợ của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), bao gồm Sri Lanka và Ghana.
Đồng đô la Mỹ đang đạt đến mức cao chưa từng thấy kể từ năm 1985 khi Quỹ Dự trữ liên bang (Fed) tăng lãi suất để chống lại lạm phát lịch sử, ép các nền kinh tế mới nổi phải đối mặt với chi phí tăng cao để trả các khoản nợ bằng đồng đô la Mỹ của họ.
Nguy cơ vỡ nợ, khủng hoảng tài chính hiện dần
Dịch Covid đã khiến tình trạng nợ của khối nước mới nổi thêm trầm trọng. Sau khi các ngân hàng trung ương trên toàn thế giới nới lỏng chính sách tiền tệ để thúc đẩy hoạt động kinh tế trong bối cảnh đại dịch, các nhà đầu tư đã đổ xô đến các quốc gia mới nổi để tìm kiếm lợi suất cao hơn. Một phần tư nợ chính phủ ở các nền kinh tế mới nổi chính là bằng ngoại tệ trong năm 2020, tăng so với mức 15% trong năm 2009.
Trong lịch sử, đồng tiền xanh mạnh đã gây ra rắc rối cho các nền kinh tế mới nổi. Khi Mỹ đương đầu với lạm phát phi mã vào những năm 1980, Chủ tịch Fed lúc đó là Paul Volcker đã siết chặt chính sách tiền tệ, khiến lãi suất và giá trị đồng đô la tăng vọt.
Dòng lũ tiền mặt đã chảy tràn khắp thế giới năm 1971 trong cái gọi là “cú sốc Nixon” khi Tổng thống đương nhiệm Richard Nixon tách đồng đô la Mỹ khỏi bản vị vàng. Các quốc gia dầu mỏ giàu có đổ hết tiền họ kiếm được vào các ngân hàng Mỹ khi giá dầu gia tăng, để rồi dòng vốn này sau đó đã tạo nên cơn sốt đầu tư ở Trung và Nam Mỹ dưới hình thức cho vay hợp vốn.
Hơn một nửa số nợ nước ngoài mà các quốc gia Trung và Nam Mỹ nắm giữ vào thời điểm đó được cho là bằng đô la Mỹ. Nhiều người phải vật lộn để trả nợ khi đồng đô la Mỹ mạnh lên và lãi suất của Mỹ tăng, ngay cả khi nền kinh tế của họ suy yếu và giá hàng hóa giảm.
Các đợt tăng lãi suất lớn của Mỹ vào giữa những năm 1990 dưới thời Chủ tịch Fed khi đó là Alan Greenspan đã mở đường cho một cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Mexico. Cuộc khủng hoảng tài chính châu Á diễn ra sau đó vào năm 1997 sau khi các nhà đầu tư bắt đầu bán tháo đồng baht Thái Lan và các loại tiền tệ neo giá vào đồng tiền xanh. Nhà đầu tư bỏ chạy bởi họ cho rằng các đồng tiền này được định giá quá cao.
Nhiều nền kinh tế mới nổi kể từ đó nỗ lực cải thiện cán cân thanh toán và tăng cường dự trữ ngoại hối để tự bảo vệ mình tốt hơn trước khủng hoảng. Một số quốc gia mới nổi đã tăng lãi suất trước Mỹ đang chứng kiến đồng tiền của họ vẫn ổn định.
Tuy nhiên, một số quốc gia đã bắt đầu chùn bước và ngã gục. Sri Lanka đã vỡ nợ nước ngoài vào đầu năm nay, trong khi Bangladesh và Pakistan đang tìm kiếm sự hỗ trợ từ IMF.
Lạm phát tiếp tục kết hợp với đồng đô la Mỹ mạnh có thể đẩy nhiều quốc gia vào tình trạng vỡ nợ.
“Với nợ cao và thâm hụt tài khoản vãng lai khá lớn ở các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển, nguy cơ căng thẳng tài chính sẽ có thể xuất hiện ở các nền kinh tế này và tiếp tục kìm hãm sự phục hồi của họ sau đại dịch”, Ngân hàng Thế giới (WB) viết trong một khuyến cáo hồi tháng 6-2022.
Ricky Hồ