Lạm phát và mức lương giảm đang làm gia tăng căng thẳng xã hội ở Argentina

Có tới 100.000 người đã tham gia cuộc biểu tình đòi việc làm, mức lương công bằng và chống đói nghèo ở trung tâm thủ đô Buenos Aires của Argentina trong những ngày cuối tuần này.

Vào tháng 4, tỷ lệ lạm phát hàng tháng của Argentina là 6,7% và con số cho đến nay là 23,1%, theo cơ quan thống kê quốc gia INDEC.

Người dân xuống đường biểu tình ở Argentina. Ảnh: DW

Bài liên quan

Tỉ lệ lạm phát của Nga tăng cao nhất kể từ năm 2002

Muốn kiểm soát lạm phát, Bộ Tài chính cần tính lại thuế, phí liên quan tới xăng dầu

Năm 2023, lạm phát có thể vượt qua ngưỡng trên 5,5%

Venezuela: Lạm phát và đô-la hóa làm tăng khoảng cách giữa nhân viên nhà nước và tư nhân

Argentina, quốc gia đã phải vật lộn với lạm phát cao trong nhiều năm, sẽ chứng kiến lạm phát ít nhất là 60% vào cuối năm 2022. Tỷ lệ nghèo đói đã tăng hơn 43% kể từ đầu năm - theo một báo cáo của Trung tâm quan sát Nợ của Đại học Công giáo Giáo hoàng Argentina.

"Các tổ chức xã hội kêu gọi cuộc biểu tình này đang yêu cầu nhà nước phải đưa ra câu trả lời cho tình trạng khốn cùng của xã hội", bà Silvia Saravia, điều phối viên quốc gia của phong trào lao động, sức khỏe và công lý Barrios de Pie cho hay.

Saravia nói: "Các câu trả lời được đề xuất cho đến nay là không đủ. Chúng tôi cần thức ăn và sự giúp đỡ để bắt đầu kinh doanh và kiếm thu nhập". Bà cho biết, các biện pháp chia khẩu phần và phiếu ăn, được chính phủ công bố sau các cuộc biểu tình gần đây, là không đủ.

Nhà kinh tế học Jorge Neyro nói rằng lạm phát là vấn đề cơ bản. “Có rất nhiều bất bình về kinh tế và xã hội trong nhiều lĩnh vực của xã hội, không chỉ ở những lĩnh vực thu nhập thấp", ông nói.

"Nhìn chung, thị trường lao động ở Argentina đã phục hồi ở một mức độ nào đó kể từ sau đại dịch. Nhưng bây giờ có hiện tượng người lao động nghèo. Nhiều người nhận được thu nhập nhưng vẫn không đủ chi phí cho một giỏ lương thực cơ bản. Vấn đề chủ yếu là do lạm phát cao", ông chia sẻ.

Neyro cho biết lạm phát đã diễn ra trong nhiều năm và xu hướng tiêu cực đang gia tăng. Ông nói: “Rõ ràng là tình hình quốc tế đã làm trầm trọng thêm các vấn đề của Argentina".

Sự gia tăng giá nhiên liệu trên toàn cầu cũng sẽ tác động mạnh đến Argentina, đặc biệt là khi Quỹ Tiền tệ Quốc tế đang gây áp lực buộc nước này phải giảm trợ cấp năng lượng. Bộ Kinh tế cũng đã công bố mức tăng 16,5% đối với giá năng lượng, có hiệu lực vào tháng 6.

Giá thực phẩm cũng đã tăng đáng kể. INDEC ghi nhận mức tăng 6% trong tháng 3. Bà Saravia nói rằng điều này khó có thể chấp nhận được vì Argentina là "một quốc gia chủ yếu sản xuất thực phẩm."

"Người ta ước tính rằng đất nước chúng tôi sản xuất lương thực cho khoảng 400 triệu người. Trong khi đó dân số của đất nước chỉ có 45 triệu người. Chúng tôi đề xuất thiết lập một hạn ngạch để nuôi đất nước trước khi xuất khẩu ra nước ngoài", bà nói.

Ông Neyro cho biết chính phủ của Tổng thống Alberto Fernandez đang cố gắng thiết lập "sự cân bằng" giữa các yêu cầu khác nhau nhưng điều này "không dễ dàng và không hiệu quả." Ông nói rằng nền kinh tế đã đẩy chính phủ vào "góc tường".

Trung Anh (Theo DW)

Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/lam-phat-va-muc-luong-giam-dang-lam-gia-tang-cang-thang-xa-hoi-o-argentina-post194732.html