Lãm phố Phái, thưởng chuyện xưa

Đôi lúc, sống giữa phố thị chật hẹp lại muốn tìm về với 'phố Phái' vẹo xiêu, trầm tư của một thời vang bóng. Đôi lúc, đứng giữa Mã Mây nhộn nhịp du khách người qua kẻ lại, lại thèm nghe giọng rao bán hàng rong hay tiếng đài phát thanh thủ đô mỗi sáng. Con người thật lạ, càng sống lại càng nhớ nhiều, mộng nhiều, tưởng nhiều về quá vãng xa xăm.

"Phố Hàng Mắm" tranh của Bùi Xuân Phái

Một ngày cuối tháng 6 của 36 năm trước, Bùi Xuân Phái từ giã trần thế, thôi chẳng còn nghe, chẳng còn nhìn và chẳng còn vẽ…

May thay, trong những năm tháng gửi thân nơi “cõi tạm”, Bùi Xuân Phái kịp ép phẳng tài hoa lên mặt toan, lưu lại một gia tài tranh vô giá. Lục tìm trong ấy, ta sẽ thấy cả một tiềm thức phố rất sâu và rộng, như một tình yêu phố thổn thức và day dứt.

“Phố Phái” là những mảng ký ức Hà Nội chắp vá, thấp thoáng những tất tả nhân sinh trong hoài cảm. Bùi Xuân Phái ưa đưa những gam màu trầm vào tranh phố của ông. Có thời nâu, có thời xám và có thời xanh. Nhưng thảng hoặc vẫn bắt gặp trong đó những nét cọ vàng sậm, cam nhạt hay đỏ quạnh của mái ngói, cửa sơn hay bờ tường..., giả như ấy là chút phồn hoa phố thị của một thời còn vang bóng.

Những nếp nhà cổ nho nhỏ, xiêu xiêu; bầu trời trong vắt đầy những mây, hoặc vàng ệch chẳng biết là hoàng hôn hay ánh đèn; ngả đường ngang dọc và cột điện đứng sững im lìm nơi góc phố. Hình bóng con người hoặc không xuất hiện, hoặc thấp thoáng một góc tranh, ẩn hiện trong những ngõ nhỏ bộn bề.

Có người nói phố của Phái hiu hắt và u hoài nhưng tôi thường nghĩ những mặt người được ông kéo lên mặt tranh kỳ thực là chút tia hy vọng man mác với thế thời, tựa như tâm hồn dịu dàng của người họa sỹ vậy.

Ngắm ảnh Bùi Xuân Phái lúc sinh thời, giả chăng một đôi mắt cười hiền hậu như vậy khó có thể có phút giây nào ngừng yêu cuộc đời này? Người nghệ sỹ tài hoa thời ấy mảnh khảnh và xơ xác, nhưng tay cầm cọ, tay pha màu thoăn thoắt và mắt thì sáng như sao. Bùi Xuân Phái vẽ phố cổ hàng chục năm trời, nhưng từ ngõ phố tăm tối cho đến nếp phố trầm tư chưa bao giờ mất đi nét cổ kính và kinh kỳ trong hồn cốt. Khi ông nằm xuống, lẽ nào phố cổ Hà Nội mất đi một ký giả tri âm…

Được sự cho phép của gia đình họa sĩ Bùi Thanh Phương - Cẩm Vinh, con trai và con dâu của cố họa sĩ Bùi Xuân Phái, xin trích dẫn tại đây một vài câu chuyện về cụ Phái lúc sinh thời.

"Phố cổ Hà Nội" tranh của Bùi Xuân Phái

"Phố cổ Hà Nội" tranh của Bùi Xuân Phái

Cây cột điện trong tranh Phái

Trong một lần “trà dư tửu hậu” với bạn bè, Bùi Xuân Phái kể chuyện ông đứng vẽ ở một góc phố cổ Hà Nội thì có mấy bà là cư dân ở khu phố đó đứng quan sát đằng sau và lặng lẽ theo dõi từng nét vẽ của ông.

Khi ông vẽ đến cái cột điện thì một bà bèn lên tiếng: Ngay từ đầu tôi đã ngờ ông này là người của Sở điện mà.

Thế là các bà quây lấy Bùi Xuân Phái, than phiền về tình hình điện đóm dạo này phập phù, chập chờn quá.

Bùi Xuân Phái bối rối và vội vàng giải thích: Tôi chỉ là một họa sĩ thôi. Việc điện đóm chẳng liên quan gì đến tôi cả.

Các bà lại hỏi: Thế ông vẽ sơ đồ cái cột điện để làm gì?

Mọi người cười ồ khi nghe Bùi Xuân Phái kể đến đó và ông nói thêm: Trong cuộc sống, nhiều khi có những câu hỏi làm mình chịu chết không biết trả lời như thế nào!

Khi nói về đặc trưng của tranh Phố Phái, ai cũng biết là mái ngói thâm nâu, những ô cửa sổ mở ra, khép vào ngẩn ngơ như những chiếc bì thư... Nhưng để tạo nên hồn phách của của tranh Phố Phái lại chính là cái cột điện. Cái cột điện nghiêng nghiêng, liêu xiêu trên phố trong tranh Phái như chính cuộc đời và thân phận họa sĩ vậy!

Nhiều người đã hỏi tôi (Họa sĩ Bùi Thanh Phương) những câu hỏi thú vị như: Tại sao Bùi Xuân Phái thường vẽ cột điện mà không bao giờ thấy có dây điện? Tại sao trên cột điện trong tranh ông thường có gắn biển cấm đường một chiều?...

Tôi cho rằng, chỉ Bùi Xuân Phái mới có câu trả lời thỏa đáng về những điều đó.

"Phố Chợ Gạo" tranh của Bùi Xuân Phái

"Phố Chợ Gạo" tranh của Bùi Xuân Phái

Bộ phim “Phố của Phái”

Từ năm 1983, các nhà làm phim Ukraine (Liên Xô cũ) đã làm bộ phim “Phố của Phái” giới thiệu về sự nghiệp và cuộc sống của họa sĩ Bùi Xuân Phái. Trong phim có kể ra rất nhiều tác phẩm cùng đời sống của họa sĩ, hoàn cảnh sáng tác qua các thời kỳ của họa sĩ.

Không mấy ai ở Hà Nội được xem bộ phim quý giá này. Người duy nhất trong gia đình họa sĩ được xem là Bùi Ngọc Trâm, con gái họa sĩ. Vào năm 1983, Trâm đang làm việc tại Nga, và đã được xem trên Đài truyền hình của Nga. Trâm rất xúc động và tự hào vì lần đầu tiên thấy bố mẹ được phát sóng trên tivi trong một chương trình Văn hóa Nghệ thuật của Liên Xô.

Bùi Xuân Phái cũng không có dịp được xem mình “đóng” phim như thế nào. Có vài lần ông than phiền và nói vui với bạn hữu về vụ tham gia “đóng vai chính” trong phim này: Họ làm xong là chạy mất tăm. Mình chẳng được cái gì lại thiệt hại là hỏng cả cái gác xép.

Cái gác xép mà ông kêu bị hỏng là do hai vị làm phim người Ukraine khá to lớn, nặng cân cùng trèo lên. Sàn gỗ của căn gác vốn được tận dụng từ ván đóng thùng đã không chịu nổi sức nặng quá mức cho phép nên đã khiến căn gác sập.

Lần đó, may mắn là không ai bị thương, nhưng mọi người đã được phen thất kinh hồn vía vì tiếng động dữ dội cùng với tiếng la hét của mấy vị làm phim.

Hiện nay, tôi (họa sĩ Bùi Thanh Phương) cùng với bạn Trần Hậu Tuấn đang nỗ lực tìm cách liên hệ với nhà sản xuất Ukraine ngỏ ý muốn mua bộ phim này.

Chợ hoa ngày Tết

Nhà Bùi Xuân Phái ở cách chợ hoa Hàng Lược có vài bước chân, nên mỗi khi chợ hoa được tổ chức để đón Xuân về thì trong một ngày Bùi Xuân Phái đi dạo chơi chợ hoa vài lần là thường.

Vì nhà có cái sân trời khá rộng nên các bạn ông trước khi vào chợ hoa thường tạt vào chơi nhà ông trước đã, phần vì họ muốn gửi xe đạp ở sân là chính sau nữa là xin ông cái thiếp Chúc Mừng Năm Mới để chơi. Bùi Xuân Phái luôn phải từ chối mỗi khi các bạn rủ ông cùng vào chợ: “Tôi vừa mới ở đó về, ngày hôm nay tôi đi tới đi lui trong chợ mấy lần rồi”.

"Chợ hoa Hàng Lược" tranh của Bùi Xuân Phái

"Chợ hoa Hàng Lược" tranh của Bùi Xuân Phái

Bùi Xuân Phái cảm thấy thoải mái nhất vẫn là đi dạo chợ hoa một mình. Lần nào vào chợ hoa, ông thường mang theo một cuốn sổ nhỏ và cây bút vẽ. Đây là dịp để ông ghi chép lại hình ảnh, dáng đứng, dáng ngồi của những người bán và mua cành đào, cây quất mà chỉ những ngày năm hết Tết đến họ mới xuất hiện.

Với cố họa sĩ, đó là những dáng mẫu để vẽ rất sống động, cùng với quang cảnh và không khí chợ Hàng Lược những ngày cuối năm của một Hà Nội trong thời bao cấp nghèo khó nhưng ai cũng đầy hào hứng với niềm tin, hy vọng vào một năm mới sẽ mang lại nhiều an lành, tốt đẹp.

KIỀU CHINH

Nguồn Mekong Asean: https://mekongasean.vn/lam-pho-phai-thuong-chuyen-xua-37927.html