Lẫm Phú Lâm - di tích kiến trúc nghệ thuật độc đáo

Múa siêu tại Lẫm Phú Lâm. Ảnh: HOÀI SƠN

Lẫm Phú Lâm là loại hình di tích mang tính đặc thù ở Phú Yên, chứa đựng các giá trị về lịch sử, văn hóa, trong đó nổi bật nhất là giá trị kiến trúc nghệ thuật. Từ năm 2016, lẫm Phú Lâm được Bộ VH-TT-DL xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia.

Kiến trúc cổ còn sót lại

Lẫm Phú Lâm tọa lạc tại khu phố 4, phường Phú Lâm, TP Tuy Hòa trong khuôn viên có diện tích khoảng 4.000m2. Trước đây, quần thể di tích này có nhiều tượng kỳ lân nên còn có tên gọi là khu miếu Kỳ Lân. Chức năng chính của lẫm là để chứa các loại nông sản thu hoạch trên phần diện tích đất do thôn quản lý, sở hữu. Cụ Huỳnh Sổ, bậc cao niên ở Phú Lâm cho biết: Lẫm có từ xa xưa. Trước năm 1945, thôn Phú Lâm có tới 30 mẫu ruộng trồng lúa, ngoài ra thôn còn quản lý một diện tích rộng lớn các bãi bồi ven sông Đà Rằng. Vì thế lẫm mới được xây dựng quy mô và kiên cố để chứa các loại nông sản khi đến mùa thu hoạch.

Lẫm Phú Lâm còn là nơi thờ cụ Huỳnh Đức Chiếu, tiền hiền của thôn Hoành Lâm, là người có công đầu trong việc khai phá tạo dựng nên vùng đất nay là Phú Lâm. Lẫm cũng là nơi làm việc của bộ máy quản lý thôn thời phong kiến gồm lý trưởng, phó lý và ngũ hương, đây còn là địa điểm hội họp bàn việc quan trọng của thôn. Từ sau năm 1945, do sự thay đổi hình thức sở hữu ruộng đất và hình thức quản lý chính quyền cấp thôn, xã nên một số chức năng của lẫm như chứa nông sản, hội họp dân làng không còn, tuy vậy chức năng thờ cúng tiền hiền vẫn được duy trì cho đến nay.

Lẫm Phú Lâm gồm 3 gian chính và 2 gian phụ ở 2 đầu, quay mặt về hướng nam, kiểu kiến trúc nhà lá mái. Lẫm có bộ khung gọi theo dân gian là giàn trò vững chắc bằng gỗ, kết cấu theo kiểu xiên trính hay còn gọi là chày cối. Các bộ phận kiến trúc ở nội thất được trang trí họa tiết hoa văn gồm nhiều mảng chạm khắc công phu. Đặc biệt, lẫm là kiểu nhà có 2 lớp mái, lớp mái thứ nhất nằm ngay phía trên đầu cột, phía dưới lót bằng nan tre đan, phía trên đắp bằng đất nện, có độ dày từ 20-30cm. Lớp mái thứ hai phủ lên lớp mái thứ nhất, lớp mái này lợp bằng lá tranh cách lớp mái thứ nhất ở phần nóc khoảng 1,2-1,5m, ở phần hiên khoảng từ 40-50cm. Mái kéo dài về phía sân tạo cho hiên nhà một không gian rất rộng.

Các bộ phận kiến trúc chính của lẫm có 26 cột, gồm 8 cột cái, 12 cột con và 6 cột hiên. Lẫm có 5 cửa ra vào tương ứng với 5 gian. Lẫm Phú Lâm trang trí nhiều họa tiết hoa văn, chủ yếu theo hình thức chạm lộng, tạo thành các mảng trang trí ở 2 vị trí chính, đó là các mảng trang trí dọc theo hàng cột cái phía trước án thờ và các mảng trang trí phía trên cửa ra vào. Hoa văn trang trí được chạm trổ công phu, hình thức thể hiện theo lối tả thực, có tính nghệ thuật cao. Đây là những tác phẩm mỹ thuật cổ góp phần tạo nên giá trị cho di tích.

Dọc theo hàng cột chính phía trước án thờ trang trí 3 mảng hoa văn tương ứng với 3 gian chính. Mỗi mảng trang trí gồm 6 ô, chia thành 2 hàng, mỗi hàng 3 ô. Mảng trang trí gian giữa: Hàng phía dưới ô chính giữa hình vuông. Trang trí chủ đề “song ba”, có nghĩa là cá chép vượt vũ môn. Ô phía trái và ô phía phải có hình chữ nhật, trang trí theo chủ đề “long thọ”, hình rồng cách điệu thành chữ thọ. Hàng phía trên các ô có kích thước tương ứng với hàng dưới, ô chính giữa trang trí chữ thọ có điểm hình hoa mai. Ô phía trái và ô phía phải trang trí hình chim phượng đang nhảy múa. Mảng trang trí gian phía phải hàng phía trên đã bị mất, chỉ còn lại hàng phía dưới. Trang trí các ô phía dưới: Ô chính giữa hình vuông, trang trí theo chủ đề “tùng lộc”, hình 2 con nai dạo chơi dưới gốc cây tùng. Ô phía trái hình chữ nhật, trang trí theo chủ đề “điểu mai”, 2 con chim đậu trên cành mai. Ô phía phải trang trí chủ đề “điểu trúc”, hình 2 con chim đậu trên cành trúc. Mảng trang trí phía trái có hình thức như mảng chính giữa, các ô cũng có kích thước tương tự, nhưng khác về chủ đề trang trí. Ô chính giữa hàng dưới trang trí theo chủ đề “tùng lộc”. Ô phía phải trang trí chủ đề “hoa cúc”. Ô thứ hai trang trí chủ đề “điểu mai”. Hàng phía trên: Ô chính giữa trang trí chủ đề “chữ thọ” kiểu hình tròn. Ô phía phải trang trí hình hồ lô. Ô phía trái trang trí hình tù và. Các mảng hoa văn trang trí trên cửa ra vào cũng được trang trí trong các ô vuông và ô hình chữ nhật. Hoa văn gồm hình rồng, hình hoa lá cách điệu và hoa văn kiểu con tiện. Tại các bộ phận khác ở lẫm Phú Lâm cũng chạm khắc các họa tiết hoa văn. Trong lẫm thiết 3 án thờ. Án thờ gian giữa thờ tiền hiền, hậu hiền của thôn Phú Lâm. Án thờ phía phải thờ Tả Văn, án thờ phía trái thờ Hữu Võ.

Những giá trị lịch sử, văn hóa nổi bật

Phú Yên là một vùng đất khắc nghiệt về thời tiết, hơn nữa trong suốt chiều dài lịch sử đã trải qua nhiều cuộc chiến tranh ác liệt, phần lớn các di tích lịch sử văn hóa và kiến trúc nghệ thuật bị hư hại nặng nề, nhất là các di tích kiến trúc bằng gỗ. Trong bối cảnh đó, lẫm Phú Lâm là công trình kiến trúc bằng gỗ còn tương đối nguyên vẹn, vẫn tồn tại qua mấy trăm năm đến ngày nay là trường hợp quý hiếm. Khảo sát tại hai tỉnh Khánh Hòa và Bình Định cho thấy loại hình di tích lẫm hiện nay đã hoàn toàn biến mất.

Khi vùng đất Phú Lâm bắt đầu được khai khẩn vào cuối thế kỷ XVI thì các công trình kiến trúc phục vụ sinh hoạt cộng đồng và tín ngưỡng tâm linh như lẫm, đình, miếu thờ Thành hoàng, miếu thờ Thiên Y A Na cũng được xây dựng. Di tích lẫm Phú Lâm trải qua nhiều thời kỳ chiến tranh ác liệt, do vậy các di vật cổ có trong di tích đã bị thất lạc hết. Di sản còn lại có giá trị nổi bật nhất chính là kiến trúc nghệ thuật của lẫm. Lẫm được xây dựng theo kiểu nhà lá mái, đây là loại hình kiến trúc truyền thống mang tính đặc thù ở Phú Yên nói riêng và ở Nam Trung Bộ nói chung. Kiểu kiến trúc này phù hợp với điều kiện khí hậu nắng lắm mưa nhiều. Hiện nay, kiểu nhà lá mái mai một dần và có thể biến mất trong một thời gian không xa, vì thế lẫm Phú Lâm là di tích quan trọng để nghiên cứu, tìm hiểu loại hình kiến trúc truyền thống này.

Lẫm Phú Lâm còn nhiều tác phẩm điêu khắc, thể hiện theo các đề tài truyền thống. Đây là những tác phẩm mỹ thuật cổ có giá trị thẩm mỹ cao, còn rất ít trên các di tích lịch sử văn hóa ở Phú Yên. Lẫm Phú Lâm phản ánh chế độ sở hữu đất đai dưới thời phong kiến. Đây là bằng chứng để góp phần nghiên cứu các hình thức sở hữu ruộng đất ở Phú Yên trong tiến trình lịch sử. Trong khuôn viên lẫm có các di tích đình, miếu thờ Thành hoàng Lương Văn Chánh, miếu thờ Thiên Y A Na, tạo thành một quần thể di tích tiêu biểu về mặt văn hóa, tín ngưỡng, tâm linh, đáp ứng nhu cầu sinh hoạt cộng đồng dân cư ở cấp thôn, xã trên vùng đất này trong quá khứ. Miếu thờ Thành hoàng trong khuôn viên lẫm còn lưu giữ 5 đạo sắc phong: Tự Đức thứ 5 (1852), Tự Đức thứ 33 (1881), Đồng Khánh thứ 2 (1887), Duy Tân thứ 3 (1910), Khải Định thứ 9 (1923). Đây là những di sản Hán Nôm chứa đựng nhiều giá trị về lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ... Đặc biệt, sắc phong chứa đựng nhiều thông tin, bằng chứng xác thực về quá trình hình thành và phát triển cộng đồng dân cư, dòng tộc, văn hóa xã hội ở vùng đất Phú Lâm hơn 400 năm qua.

Việc lẫm Phú Lâm được xếp hạng di tích kiến trúc nghệ thuật quốc gia đã khẳng định giá trị lịch sử, văn hóa của di sản, đồng thời là cơ sở pháp lý để đầu tư tôn tạo di tích phục vụ đời sống tinh thần của người dân địa phương. Quần thể di tích lẫm Phú Lâm nằm trong nội thị Tuy Hòa, đường đi lại thuận tiện, trong khuôn viên lẫm có nhiều công trình kiến trúc tín ngưỡng, tâm linh có giá trị như: đình, miếu thờ Thành hoàng Lương Văn Chánh và miếu thờ Thiên Y A Na. Đây là địa chỉ văn hóa được đông đảo người dân và khách du lịch đến sinh hoạt, tham quan trong dịp lễ, tết. Đồng thời, lẫm Phú Lâm thu hút sự quan tâm của giới chuyên môn đến tìm hiểu nghiên cứu nét kiến trúc độc đáo của di tích này.

NGUYỄN HOÀI SƠN

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/94/276162/lam-phu-lam-di-tich-kien-truc-nghe-thuat-doc-dao.html