Lam Phương với 'người tình' Đà Lạt
Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương (Phanbook & NXB Phụ Nữ, 2019) là tên của cuốn sách viết về cuộc đời, sáng tác của nhạc sĩ Lam Phương, tác giả Thành phố buồn - bản tình khúc bất hủ dành cho Đà Lạt. Cuốn sách về nhạc sĩ tài hoa này đang thu hút sự quan tâm của truyền thông, dư luận. Theo một nguồn tin khả tín, có thể một show nhạc Lam Phương sẽ được tổ chức tại Đà Lạt vào cuối tháng 12/2019.
Một Lam Phương hào hoa
Sách do tác giả Nguyễn Thanh Nhã chấp bút trên một đề cương nội dung chi tiết do Phanbook thiết kế và nhuận sắc. Xuyên suốt hơn 250 trang, với nhiều tư liệu và hình ảnh quý, tác phẩm như một biên khảo chân dung giá trị không chỉ làm sáng rõ những khúc quanh lớn trong cuộc đời người nhạc sĩ tài hoa, hào hoa bậc nhất của nền tân nhạc Việt Nam, mà còn cho thấy những bối cảnh văn hóa, thời cuộc mà nhân vật đi qua.
Độc giả có thể giải mã được vì sao Lam Phương viết quá nhiều những ca khúc sầu muộn khi đọc thấy phía sau mỗi ca khúc là một bước chuyển của đời sống tình cảm nhiều thăng trầm. Tình yêu không thành với danh ca Bạch Yến đã là chất xúc tác để ông sáng tác nhiều tình khúc hay: Tình bơ vơ, Thu sầu, Phút cuối, Chờ người, Xin thời gian qua mau... và sau này, khi gặp lại Bạch Yến tại Paris (lúc bấy giờ Bạch Yến đã lập gia đình với GS. Trần Quang Hải - con trai của GS. Trần Văn Khê), Lam Phương vẫn viết tặng cô thêm một ca khúc tuyệt vời với giai điệu mang phong cách nhạc Tây Ban Nha: Cho em quên tuổi ngọc.
Cuốn sách kể về giai đoạn thành danh của Lam Phương cũng nhiều chi tiết thú vị, trong đó có việc hai tờ nhạc Kiếp nghèo và Thành phố buồn bán chạy tới mức, không chỉ đưa tác giả của nó thoát nghèo, mà còn đạt tới đỉnh cao danh vọng và sự sung túc mà nhiều nhạc sĩ trẻ miền Nam thời bấy giờ mơ ước. Ông càng thành công hơn khi trở thành bạn đời của kịch sĩ Túy Hồng và cả hai cùng nhau xây dựng Ban kịch Sống. Nhạc của ông được diễn trên sân khấu kịch, được ấn hành dưới dạng tờ nhạc bán ở trên vỉa hè và trong các nhà sách, được các ca sĩ hàng đầu miền Nam nhận hát.
Có những khoảnh khắc hạnh phúc trong đời người nhạc sĩ, cũng đem lại những giai điệu vui tươi (như bản Thiên đàng ái ân, Ngày hạnh phúc) nhưng không nhiều. Sóng gió của những mối tình thoáng qua, cuộc hôn nhân với Túy Hồng tan vỡ trên đất Mỹ đã đưa ông đến một thời kỳ phiêu dạt và viết nên những ca khúc đau đớn: Say, Lầm, Điên... và những đổ vỡ với người đẹp Cẩm Hường ở Paris sau đó đã đẩy cuộc sống những năm cuối đời của ông đến trống vắng, cô độc. Và đó cũng là hoàn cảnh sáng tác bản Một mình đầy khắc khoải.
Với “người tình” Đà Lạt
Lam Phương có một sự gắn bó đặc biệt với thành phố Đà Lạt. Như nhiều nghệ sĩ miền Nam khác, ông xem Đà Lạt như một người tình. Ông đã đến và để lại cho Đà Lạt những ca khúc đẹp, sâu lắng.
Tác giả Nguyễn Thanh Nhã viết: “Thành phố buồn của Lam Phương ra đời năm 1970, khi nhạc sĩ theo đoàn văn nghệ đi trình diễn ở Đà Lạt. Bài hát không có từ nào nhắc đến Đà Lạt mà chỉ bằng hình ảnh lãng đãng khói sương, đường quanh co quyện gốc thông già, hay con đường ngày xưa lá đổ... mà khói sương Đà Lạt được gọi về thật nhiều trong tâm tưởng người nghe.
Tất cả hình ảnh đó được dùng để kể câu chuyện đúng phong cách Lam Phương: lồng vào một chuyện tình tan vỡ (motif nhạc tình buồn của dòng bolero bình dân thịnh hành thời điểm này)!
Người ta bắt gặp sự đồng cảm khi nghe Thành phố buồn có lẽ vì khung cảnh Đà Lạt là thiên đường cho tình yêu, là tìm chốn êm đềm. Để rồi cũng chính đô thị khói sương ấy lại khắc khoải buồn trong bức tranh tiễn biệt.
Có nhiều dị bản của Thành phố buồn mà tựu trung ở ca từ “trốn” hay “chốn” cho một vế tiếp theo đầy ngậm ngùi “... phong ba, em làm dâu nhà người”. Các ca sĩ khi hát thường phải sử dụng ngữ âm miền Bắc nên phụ âm “tr” thành “ch”. Đây là một điểm sai lầm so với nguyên bản của tác giả. Tờ nhạc Thành phố buồn in năm 1970 do Sống giữ bản quyền, được Lam Phương viết là “trốn phong ba”. Tức là, người con gái trong ca khúc né tránh cơn bão lòng, lánh xa giông bão tình yêu, để chọn một bến đỗ có bề an phận”.
Ngoài ca khúc rất thành công này, Lam Phương còn có một bản viết về Đà Lạt đó là Đà Lạt cô liêu với giai điệu và ca từ nhuốm buồn, xa vắng bâng khuâng: “Chiều lên/ Cho đây khóc đó/ Nắng lên khi mình mất nhau/ Mây ơi trôi đến phương nào?/ Dừng chân chia bớt cơn sầu/ Giọt buồn long lanh phiến đá/ Vỡ tan trong lòng nước xanh/ Người đi cho mắt thâm sâu/ Có ai quên thuở ban đầu...”.
Lam Phương là tác giả của 217 ca khúc. Tên tuổi của ông được kể như tiêu biểu của một giai đoạn âm nhạc phát triển rực rỡ, cùng với Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Anh Bằng... Tên thật của ông là Lâm Đình Phùng; sinh năm 1937, tại Rạch Giá, Kiên Giang. Năm 1947, ông đến Sài Gòn đi học và theo đuổi đam mê âm nhạc. 15 tuổi, ông công bố ca khúc đầu tay (Chiều thu ấy) và ngay sau đó, nhanh chóng được công chúng biết đến. Ông trở thành một hiện tượng ăn khách nhất của sân khấu, âm nhạc miền Nam trong thập niên 1960 đến đầu thập niên 1970. Từ năm 1975, ông sang định cư tại Mỹ và tiếp tục sáng tác. Từ năm 1996 đến 1998, sống tại Pháp, Mỹ và đi lưu diễn ở nhiều nước châu Âu. Từ năm 1999, ông bị tai biến mạch máu não và trải qua nhiều đợt điều trị. Hiện ông đang sống cùng em gái ruột tại Mỹ.
Chương trình ra mắt cuốn sách Lam Phương - Trăm nhớ ngàn thương (Phanbook & NXB Phụ Nữ, 2019) sẽ diễn ra vào sáng 30/11 tới tại Đường sách Nguyễn Văn Bình, TP Hồ Chí Minh. Theo một nguồn tin khác, có thể một show nhạc Lam Phương sẽ được tổ chức tại Đà Lạt vào cuối tháng 12/2019.
Nguồn Lâm Đồng: http://baolamdong.vn/vhnt/201911/lam-phuong-voi-nguoi-tinh-da-lat-2976037/