Làm ra thịt nhân tạo từ phòng thí nghiệm

Singapore và Mỹ là hai quốc gia chấp nhận lưu hành thịt nhân tạo trong khi loại thịt trong phòng thí nghiệm này vẫn còn rất lạ lẫm với người tiêu dùng nước ta.

Việt Nam đứng thứ 6 về mức tiêu thụ thịt lợn. Cụ thể theo tính toán của Cục Chăn nuôi, năm 2023 mỗi người Việt ăn 33,8kg thịt lợn. Ngoài ra, mức tiêu thụ thịt bò là khoảng 7-8kg/người/năm, thịt gà – 11,5kg/người/năm… Nhìn vào những con số này để thấy thịt đang là nhóm thực phẩm chính trong mâm cơm gia đình người Việt.

PGS.TS Trương Hồng Sơn, Viện trưởng Viện Y học ứng dụng, cho biết: các nghiên cứu đều chỉ ra rằng người Việt hiện đang ăn quá nhiều thịt. Trung bình là 134 gram/người/ngày, con số này lớn hơn ở khu vực thành thị là 154 gram/người/ngày. Trong khi đó khuyến nghị của Tổ chức Y tế thế giới và Hiệp hội ung thư đưa ra là 70 gram/người/ngày. Tình trạng ăn quá nhiều thịt có nguyên nhân từ thói quen gia đình.

"Viện Y học ứng dụng có tham gia xây dựng bữa ăn học đường, thầy cô đều có ý kiến là trẻ con thích ăn thịt vì chế biến đơn giản và lành… Như vậy, luôn luôn từ bé chúng ta đã quen kiểu ăn lượng thịt cao", PGS.TS Trương Hồng Sơn dẫn chứng.

Một thói quen ăn quá nhiều thịt và kéo dài chính là hệ quả của những vấn đề về sức khỏe trong tương lai. Ví dụ như tình trạng tăng cân, có liên quan đến các bệnh ung thư và tạo ra những vấn đề về mỡ máu, các bệnh tim mạch.

Không chỉ là vấn đề dinh dưỡng, sức khỏe mà việc tiêu thụ quá nhiều thịt hiện nay còn đang tạo áp lực về môi trường. Theo các nhà nghiên cứu, lượng khí thải từ chăn nuôi còn cao hơn khí thải từ phương tiện giao thông đường bộ. Thậm chí, còn có một chiến dịch với tên gọi “Ăn ít thịt để cứu trái đất”.

Đây cũng là một trong số những lý do để các nhà nghiên cứu cho ra đời các dòng sản phẩm của công nghệ như thịt thực vật hay thịt nhân tạo. Nếu như thịt thực vật được hiểu như là một sản phẩm chay có chứa hàm lượng như thịt động vật, thì thịt nhân tạo được xem là bước đột phá rất mới.

Ths Ngô Xuân Dũng, chuyên gia lĩnh vực công nghệ thực phẩm, cho biết: thịt nhân tạo là thịt nuôi cấy từ thế bào gốc của động vật ở trong phòng thí nghiệm. Những tế bào gốc này được nuôi từ chất dinh dưỡng trong buồng nuôi cấy gọi là lò phản ứng sinh học vô trùng.

Năm 1907 đã có những nghiên cứu về thịt nhân tạo tuy nhiên đến năm 2013 một nhà dược học người Hà Lan thực hiện chiếc bánh hamburger kẹp thịt nuôi cấy đã gây sự chú ý.

Theo đánh giá của Ths Ngô Xuân Dũng, ưu điểm của thịt nhân tạo là có thành phần dinh dưỡng giống như các loại thịt chăn nuôi, trong khi lại được cho là an toàn toàn không sử dụng khán sinh chăn nuôi hay thuốc tăng trọng.

Thịt nhân tạo cũng góp phần khôi phục đa dạng sinh học, quyền của động vật bởi hiện nay có đến 70 tỷ động vật trên cạn bị giết thịt.

Các công ty sản xuất thịt nhân tạo đang nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh minh họa. Nguồn: verywellhealth.com

Các công ty sản xuất thịt nhân tạo đang nỗ lực mở rộng quy mô sản xuất. Ảnh minh họa. Nguồn: verywellhealth.com

Về tác động môi trường, thịt nhân tạo cũng làm giảm những tác động về ô nhiễm nước ngọt, nước mặt, xả ít khí thải hơn so với chăn nuôi.

Tuy nhiên, cũng phải nói thêm là chi phí công nghệ sản xuất thịt nhân tạo vô cùng đắt đỏ. Theo tính toán là đắt gấp 8 lần. Và lượng điện tiêu thụ cho những lò phản ứng sinh học có thể tạo ra khí thải gấp 5 lần so với chăn nuôi.

Hiện nay, Singapore và Mỹ là hai quốc gia chấp nhận lưu hành thịt nhân tạo. Để đưa ra quyết định này họ đều dựa trên những cuộc kiểm tra về mức độ an toàn, phù hợp và các tác động môi trường.

Theo Ths Ngô Xuân Dũng, thực tế cho thấy tiềm năng của ngành sản xuất thịt nhân tạo và điều này cũng đồng nghĩa với các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng cần phải tính toán để có những chính sách phù hợp trong việc nhập khẩu các sản phẩm có thịt nhân tạo.

Thanh Phượng/VOV2

Nguồn VOV: https://vov.vn/suc-khoe/lam-ra-thit-nhan-tao-tu-phong-thi-nghiem-post1128780.vov