Làm rõ các vấn đề y tế phát sinh trong đại dịch

Đó là hướng tháo gỡ, xử lý những bất cập, vướng mắc trong điều trị F0 tại nhà; chế độ chính sách cho đội ngũ nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch; giải pháp để kéo giảm tình trạng F0 tăng mạnh, giảm số ca nặng và tử vong vì Covid-19...

Nhân viên y tế và lực lượng tình nguyện viên lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trong các đợt tổng sàng lọc trong cộng đồng.

Nhân viên y tế và lực lượng tình nguyện viên lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 trong các đợt tổng sàng lọc trong cộng đồng.

Tại kỳ họp thứ hai HĐND tỉnh khóa X, nhiệm kỳ 2021-2026, đại biểu chất vấn lãnh đạo Sở Y tế về nhiều vấn đề y tế phát sinh trong đại dịch Covid-19. Đó là hướng tháo gỡ, xử lý những bất cập, vướng mắc trong điều trị F0 tại nhà; chế độ chính sách cho đội ngũ nhân viên y tế tham gia phòng, chống dịch; giải pháp để kéo giảm tình trạng F0 tăng mạnh, giảm số ca nặng và tử vong vì Covid-19...

Nỗ lực kéo giảm ca nặng và tử vong vì covid-19

Chất vấn Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Cường, đại biểu Nguyễn Hồng Sơn nêu: “Thực tế cho thấy nhân lực ngành Y tế rất mỏng, không đáp ứng đủ nhu cầu phục vụ công tác phòng, chống dịch, nhiều cơ sở thu dung, điều trị thiếu trang thiết bị, vật tư y tế, phương tiện phòng hộ; công tác cách ly, điều trị và xét nghiệm chưa kịp thời. Ngành có giải pháp gì trong thời gian tới để giải quyết những vấn đề này?”.

Đại biểu Nguyễn Việt Cường chất vấn về giải pháp của ngành Y tế để khắc phục những khó khăn, hạn chế của hệ thống y tế cơ sở và giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh cũng như công tác phòng, chống dịch.

Tại phiên chất vấn, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Cường cho biết: “Ở một đại dịch, tình hình luôn diễn biến phức tạp, khó dự báo và nhiều khó khăn. Ngay như Thành phố Hồ Chí Minh- địa phương có nguồn lực rất lớn nhưng giải quyết có lúc còn lúng túng.

Đối với Tây Ninh, khi chưa có dịch thì lực lượng y tế đã mỏng, việc thu hút y, bác sĩ, nhân viên y tế về làm việc hằng năm còn ít, việc đào tạo theo địa chỉ chỉ đáp ứng được một phần nhưng chưa đủ”.

Trả lời nội dung các câu hỏi, bác sĩ Nguyễn Văn Cường cho biết, về công tác xét nghiệm SARS-CoV-2, các đơn vị y tế tư nhân trên địa bàn tỉnh phần nào chia sẻ việc này. Trước đó, tỉnh ký hợp đồng dịch vụ công xét nghiệm với Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh và Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương. Trong thời gian tới, ngành Y tế sẽ tăng cường thêm xét nghiệm nội tỉnh, kết hợp với hai đơn vị trên để đẩy nhanh tốc độ xét nghiệm và trả kết quả xét nghiệm.

Về con người, thực hiện chỉ đạo của Thường trực Tỉnh ủy, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh của tỉnh, công tác phòng, chống dịch tới đây sẽ được phân công theo hướng “chia lửa” cho ngành Y tế.

Theo đó, có những công việc trực tiếp do y tế đảm nhiệm và có những phần việc, giải pháp do các địa phương thực hiện, tránh chồng chéo, từng bước giảm áp lực cho Y tế. “Trung bình mỗi trạm y tế chỉ có từ 4-5 biên chế nhưng một người làm rất nhiều việc, áp lực công việc lớn. Do đó, phải phân chia rõ trách nhiệm, “chia lửa” mới giảm áp lực cho nhân viên y tế”- bác sĩ Cường chia sẻ.

Trong công tác điều trị Covid-19, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Cường cho biết, khó khăn là thiếu nhân lực y tế ở tầng 3- tầng điều trị bệnh nhân nặng. Hiện tại, lực lượng bác sĩ, điều dưỡng do Bệnh viện E và thành phố Hải Phòng hỗ trợ tỉnh được điều phối để tăng cường cho tầng 3.

Để đáp ứng yêu cầu tăng thêm 100 giường điều trị tầng 3, tỉnh tiếp tục đề nghị Bộ Y tế, Bệnh viện E hỗ trợ thêm nhân lực. Ngành sẽ đánh giá toàn diện trang thiết bị, vật tư y tế, nhân lực ở các tầng điều trị để tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh.

Về trang thiết bị, Sở Y tế sẽ mua theo chỉ đạo của tỉnh, kết hợp với hỗ trợ của Bệnh viện E để từng bước đáp ứng yêu cầu. Việc đòi hỏi mỗi trạm y tế lưu động phải có bác sĩ trong thời điểm này là chưa đáp ứng được, chủ trương của tỉnh là trạm y tế lưu động có nhiều thành phần, trong đó nòng cốt là y tế.

Bác sĩ Nguyễn Văn Cường cho rằng, quan tâm của đại biểu là đúng, vấn đề cốt lõi để hạn chế ca tử vong là phải tập trung giải quyết tốt việc điều trị ở tầng 2, tầng 1, hạn chế chuyển tầng, riêng tầng 3 giải quyết tốt hồi sức.

Trong chiến lược sắp tới, đối với số người chưa tiêm vaccine phòng Covid-19, ông đề nghị các địa phương nắm từng trường hợp cụ thể, khuyến khích người dân tiêm chủng đầy đủ; quản lý chặt đối tượng nguy cơ cao (người cao tuổi, người có bệnh nền), có thể khuyến cáo những người này hạn chế đi ra ngoài.

Giải pháp nào để “giữ chân” bác sĩ, nhân viên y tế?

Vấn đề chế độ, chính sách cho cán bộ, nhân viên y tế được các đại biểu HĐND tỉnh rất quan tâm và đặt câu hỏi cho lãnh đạo Sở Y tế. Trong phần chất vấn, đại biểu Nguyễn Thị Kim Quyên chia sẻ với những khó khăn, áp lực mà ngành Y đang đối mặt trong đại dịch Covid-19 và nêu vấn đề: thời gian qua, có tình trạng bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc do chế độ chính sách, phụ cấp ưu đãi nghề, phụ cấp độc hại chưa kịp thời, trong khi áp lực công việc rất lớn. Ngành Y tế có giải pháp căn cơ gì để kịp thời động viên và “giữ chân” lực lượng này hay không?

Trả lời vấn đề đại biểu nêu, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Cường thẳng thắn nhận trách nhiệm về mình vì có sự chậm trễ trong việc này. Ông cho biết Sở đang tham mưu, trình Ban Chỉ đạo tỉnh ban hành chính sách đặc thù của tỉnh để hỗ trợ nhân viên y tế trực tiếp phòng, chống dịch.

Tuy nhiên, ông Cường cho rằng: “Nếu khẳng định bác sĩ, nhân viên y tế nghỉ việc do chính sách chưa kịp thời thì cần xem xét thấu đáo là có đúng như vậy hay không? Trong đại dịch, hầu hết cán bộ, nhân viên y tế đã và đang duy trì cường độ làm việc cao, kéo theo đó là những căng thẳng tâm lý, mất ngủ…”.

Ông Cường cũng nêu các con số cụ thể về số lượng nhân viên y tế, bác sĩ trên địa bàn tỉnh nghỉ việc, bỏ việc trong 11 tháng năm 2021 và cho biết, qua tìm hiểu của ngành, thực trạng này xuất phát từ nhiều nguyên nhân chứ không phải chỉ do mỗi vấn đề chính sách.

Trả lời nội dung đại biểu Kim Thị Hạnh chất vấn về vấn đề tiền lương cho cán bộ, nhân viên y tế của 4 đơn vị y tế tự chủ tài chính, Phó Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Văn Cường cho biết, Sở đã hướng dẫn các đơn vị bảo đảm nguồn trả lương cho nhân viên, không để thiếu lương. Tới thời điểm này (ngày 9.12- PV), Sở Y tế kiểm tra thì các đơn vị đã hoàn tất việc trả lương cho nhân viên. Đối với phụ cấp phòng, chống dịch, đã cấp 3 đợt (đầu năm, tháng 6 và cuối tháng 10), nếu chậm cũng chỉ chậm cục bộ ở một vài nơi do vướng khâu thủ tục.

Phương Thúy

Bốn giải pháp quan trọng để khống chế, đẩy lùi dịch bệnh trong trạng thái “bình thường mới”:

Đẩy nhanh quá trình tiêm mũi vaccine tăng cường (mũi 3) cho 100% người dân từ 12 tuổi trở lên từ nay đến hết quý I.2022 để nâng cao hệ miễn dịch cộng đồng. Đây là yếu quan trọng trong phòng, chống lây lan và kéo giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, tử vong.

Hoàn thiện và nâng cao năng lực điều trị người nhiễm Covid-19 tại các tầng điều trị; mở rộng, nâng cao hiệu quả thích ứng của hệ thống y tế cơ sở trong công tác quản lý, hướng dẫn, theo dõi, hỗ trợ điều trị F0 tại nhà, không để quá tải các tầng điều trị, phấn đấu kéo giảm tỷ lệ tử vong ở mức thấp nhất.

Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác phòng, chống dịch bệnh.

Nâng cao ý thức trách nhiệm cộng đồng, người dân trong thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch- nhất là tự giác tuân thủ 5K. Ý thức, trách nhiệm của người dân là yếu tố quan trọng, quyết định kéo giảm, ngăn chặn hiệu quả sự lây lan dịch bệnh.

(Theo Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Thanh Ngọc)

Theo quy định hiện hành, ngoài lương hằng tháng, các viên chức y tế, người lao động đang công tác làm việc tại các đơn vị y tế công lập được hưởng các phụ cấp như:

+ Phụ cấp ưu đãi nghề (theo quy định tại Nghị định 56/2011/NĐ-CP, ngày 4.7.2011 của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại cơ sở y tế công lập và Thông tư 02/2012/TTLT-BYT-BNV-BTC, ngày 19.1.2012 của Bộ Y tế- Bộ Nội vụ - Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện Nghị định 56/2011/NĐ-CP);

+ Phụ cấp độc hại (theo quy định tại Thông tư số 07/2005/TT-BNV ngày 5.1.2005 của Bộ Nội vụ hướng dẫn thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, công chức, viên chức và Công văn số 6088/BYT-TCCB, ngày 22.8.2005 của Bộ Y tế về việc thực hiện chế độ phụ cấp độc hại, nguy hiểm đối với cán bộ, viên chức ngành Y tế).

Viên chức và người lao động tham gia phòng, chống dịch Covid-19 sẽ được hưởng phụ cấp phòng, chống dịch theo các mức và vị trí công việc làm (thực hiện theo Nghị quyết số 16/NQ-CP ngày 8.2.2021 của Chính phủ về chi phí cách ly y tế, khám, chữa bệnh và một số chế độ đặc thù trong phòng, chống dịch Covid-19).

Ngoài các chế độ của viên chức, người lao động đang hưởng theo quy định hiện hành của Nhà nước (bao gồm phụ cấp phòng, chống dịch), Sở Y tế đang xin ý kiến thống nhất của các sở liên quan, tham mưu UBND tỉnh cho chủ trương xây dựng chính sách đặc thù hỗ trợ thêm hằng tháng cho các lực lượng tham gia phòng, chống dịch Covid-19, nhất là đối với lực lượng làm nhiệm vụ tại tuyến đầu. Đây là chính sách của tỉnh nhằm động viên, hỗ trợ thêm cho lực lượng tham gia phòng, chống dịch.

Nguồn Tây Ninh: https://baotayninh.vn/la-m-ro-cac-va-n-de-y-te-pha-t-sinh-trong-da-i-di-ch-a140152.html