Làm rõ cơ sở khoa học, thực tiễn ban hành Luật Phòng thủ dân sự
Sáng 6/9, Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh (UBQPAN) chủ trì, phối hợp Bộ Quốc phòng và các cơ quan liên quan tổ chức Hội thảo về dự án Luật Phòng thủ dân sự. Thượng tướng Trần Quang Phương, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội dự và chỉ đạo hội thảo.
Thiếu tướng, TS Lê Tấn Tới, Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ nhiệm UBQPAN chủ trì hội thảo. Tham dự hội thảo có Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Tổng Tham mưu trưởng QĐND Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, Phó Trưởng ban Thường trực Ban soạn thảo dự án luật; đại diện lãnh đạo các bộ, ngành Trung ương và TP Hà Nội, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia, nhà khoa học...
Phát biểu khai mạc hội thảo, Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới cho biết, tại Phiên họp thứ 14 ngày 16/8/2022, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) đã nhất trí sự cần thiết ban hành dự án Luật Phòng thủ dân sự để tạo hành lang pháp lý thống nhất, đồng bộ trong hoạt động phòng chống, ứng phó, khắc phục hậu quả với các mối đe dọa, các thảm họa, sự cố, bảo đảm an ninh, an toàn cho nhân dân, đất nước khi có tình huống xảy ra, bảo đảm quyền con người, quyền công dân theo quy định của Hiến pháp. Tuy nhiên, đây là dự án luật có nội dung phức tạp, phạm vi rộng, liên quan nhiều lĩnh vực, nhiều văn bản quy phạm pháp luật nên UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, rà soát, bổ sung, hoàn chỉnh hồ sơ dự án luật báo cáo UBTVQH tại Phiên họp thứ 15 (tháng 9/2022).
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Thường trực UBQPAN phối hợp các cơ quan chức năng tổ chức hội thảo nhằm trao đổi, thảo luận về một số nội dung lớn của dự án luật để có thêm cơ sở khoa học, thực tiễn phục vụ việc chỉnh lý, thẩm tra dự án luật. Chủ nhiệm UBQPAN Lê Tấn Tới đề nghị các đại biểu tập trung thảo luận, phân tích về nội hàm khái niệm phòng thủ dân sự, quy định về thảm họa, sự cố; về hoạt động phòng thủ dân sự trong tình trạng khẩn cấp; cơ chế chỉ đạo, chỉ huy phòng thủ dân sự; chính sách của nhà nước về phòng thủ dân sự; quy định về công trình phòng thủ dân sự; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân về phòng thủ dân sự...
Bày tỏ đồng tình về sự cần thiết xây dựng và ban hành Luật Phòng thủ dân sự, Đại tá, PGS.TS Nguyễn Minh Khương, Phó Cục trưởng Cục Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ, Bộ Công an đề nghị dự thảo luật cần bổ sung, chỉnh lý để quy định, làm rõ hơn nội hàm của phạm vi điều chỉnh, xác định các dạng thảm họa, phân định cấp độ phòng thủ dân sự và rà soát, củng cố quy định về phân công nhiệm vụ ứng phó, trách nhiệm chỉ đạo, chỉ huy ứng phó để kích hoạt hoạt động phòng thủ dân sự bảo đảm kịp thời, hiệu quả và thống nhất, giải quyết vấn đề còn chồng chéo, phân tán giữa các luật và nghị định, thông tư chuyên ngành trong việc phòng, chống, ứng phó với các loại thảm họa.
Theo ThS. Đinh Ngọc Quang, Trưởng Phòng Pháp chế và Chính sách, Cục An toàn bức xạ và hạt nhân, Bộ Khoa học và Công nghệ, hoạt động phòng thủ dân sự khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố và hoạt động phòng thủ dân sự khi xảy ra thảm họa, sự cố cần phải là nội dung quan trọng của kế hoạch phòng thủ dân sự. Kế hoạch này cần được cụ thể hóa thành các kịch bản, mỗi kịch bản lại có một hoặc nhiều quy trình hành động khác nhau làm căn cứ để chuẩn bị nhân lực, trang thiết bị và diễn tập; để khi có nguy cơ xảy ra thảm họa, sự cố thì hệ thống ứng phó có thể kích hoạt được kịp thời, trơn tru.
Thiếu tướng Bùi Trọng Quỳnh, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội cho rằng, chính quyền địa phương có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong phòng thủ dân sự với phương châm "4 tại chỗ", chính quyền địa phương là nơi trực tiếp huy động lực lượng, phương tiện bước đầu xử lý các tình huống về phòng thủ dân sự, hạn chế thiệt hại về người và tài sản của nhân dân và Nhà nước. Trong đợt dịch COVID-19 vừa qua đã thể hiện rõ vị trí, vai trò quan trọng của chính quyền địa phương các cấp, góp phần quan trọng vào thành công của công tác phòng, chống dịch. Do đó, công tác cảnh báo, dự báo, xây dựng công trình gắn với phòng thủ dân sự tại địa phương là rất quan trọng, cần phải được chủ động hơn...
Đại diện Ban soạn thảo, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nguyễn Tân Cương cho biết, ngày 30/8/2022 Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 22 về phòng thủ dân sự đến năm 2030 và những năm tiếp theo, trong đó, giao Đảng đoàn Quốc hội lãnh đạo việc ban hành Luật Phòng thủ dân sự; rà soát, sửa đổi, bổ sung xây dựng các văn bản pháp luật có liên quan đến lĩnh vực quản lý nhà nước về phòng thủ dân sự, tạo cơ sở pháp lý thống nhất, đồng bộ cho việc thực hiện và giám sát việc thực hiện nghị quyết. Thay mặt Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Thứ trưởng Nguyễn Tân Cương trân trọng cảm ơn UBQPAN đã tổ chức hội thảo, làm cơ sở cho việc tiếp thu dự thảo luật, cảm ơn các đại biểu đã dành thời gian tham dự; đồng thời mong muốn tiếp tục nhận được các ý kiến góp ý để Ban soạn thảo tiếp tục nghiên cứu, hoàn chỉnh, bảo đảm khi luật ra đời có ý nghĩa thực tiễn và sức sống dài hạn.
Phát biểu chỉ đạo tại hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao việc tổ chức hội thảo của UBQPAN với tinh thần "3 chủ động": chủ động dự báo, đánh giá; chủ động vào cuộc từ sóm, từ xa; chủ động phối hợp chặt chẽ. Nhấn mạnh Nghị quyết số 22 của Bộ Chính trị đã khẳng định sự cần thiết phải ban hành dự án luật, Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu Ban soạn thảo và Cơ quan thẩm tra làm rõ cơ sở chính trị, pháp luật và thực tiễn để khi báo cáo ra Quốc hội bảo đảm thuyết phục, thỏa đáng.
Cho rằng các ý kiến thảo luận tâm huyết, trách nhiệm, có ý nghĩa tại hội thảo cần phải được tiếp thu một cách tối đa, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các đại biểu với tinh thần hết sức cầu thị, tôn trọng quy luật khách quan để tiến hành soạn thảo dự án luật; tiếp tục tham khảo kinh nghiệm quốc tế để làm rõ khái niệm, phạm vi điều chỉnh, từ đó đề xuất chính sách, thiết kế các điều luật cho phù hợp...; tiếp tục hoàn chỉnh dự án luật trình UBTVQH cho ý kiến lần hai vào phiên họp sắp tới...