Làm rõ dư luận về công tác quản lý đất rừng tại huyện Sóc Sơn
Công tác quản lý đất rừng tại huyện Sóc Sơn những năm qua được thực hiện ra sao; liệu có việc chính quyền buông lỏng quản lý, gây ra tình trạng vi phạm xây dựng tràn lan trên đất rừng, hay việc xử lý vi phạm đất rừng đang được địa phương thực hiện như thế nào?…
Để rộng đường dư luận, Báo Kinh tế & Đô thị triển khai loạt bài để làm rõ về thực trạng này.
Bài 1: Trong rừng có quy hoạch các khu chức năng
Huyện Sóc Sơn là một trong 7 huyện, thị xã trên địa bàn Hà Nội có rừng. Rừng được giao cho nhiều tổ chức cùng quản lý, khai thác. Trong rừng cũng được quy hoạch các khu chức năng phát triển rừng kết hợp với du lịch, dịch vụ và nghỉ ngơi cuối tuần.
Nhiều đơn vị cùng được giao rừng
Theo tài liệu phóng viên thu thập được, giai đoạn trước năm 1993, huyện Sóc Sơn chỉ có 234ha rừng thông và bạch đàn, còn lại là đất trống, đồi núi trọc để hoang hóa. Thực hiện các chương trình trồng rừng phủ xanh đất trống, đồi núi trọc (PAM từ năm 1989, Chương trình 327 năm 1992), diện tích rừng của huyện Sóc Sơn đã được tăng lên đáng kể.
Ngày 29/5/2008, UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 2100/QĐ-UB về điều chỉnh Quy hoạch rừng phòng hộ, đặc dụng huyện Sóc Sơn thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Theo đó, Hà Nội quy hoạch toàn bộ 4.557ha đất thành rừng phòng hộ bảo vệ môi trường.
Tuy nhiên, tại Quyết định số 2346/QĐ-UBND ngày 20/4/2023 của UBND TP về việc công bố hiện trạng rừng trên địa bàn Hà Nội năm 2022 thì tổng diện tích có rừng của huyện Sóc Sơn là 3.266,12ha; còn lại là đất khác như: đất quốc phòng, an ninh, đất được Nhà nước giao cho các tổ chức thuê, đất tôn giáo tín ngưỡng, đường giao thông, đất ở và đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (có trong bản đồ đất khu dân cư tỷ lệ 1/1000 đo đạc năm 1993).
Đáng chú ý, trong những diện tích rừng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, có bao gồm quy hoạch các khu chức năng phát triển rừng kết hợp với du lịch, dịch vụ và nghỉ ngơi cuối tuần. Tổng diện tích được quy hoạch để phục vụ phát triển các khu chức năng là 968,1ha.
Trong số này có nhiều dự án lớn như: Khu du lịch văn hóa kết hợp với nghỉ dưỡng cuối tuần Đền Sóc; Khu vui chơi, giải trí, du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cuối tuần hồ Đồng Đò (xã Minh Trí); Làng sinh thái, du lịch và nghỉ dưỡng cuối tuần thuộc xã Minh Phú; Khu du lịch sinh thái và nghỉ dưỡng cuối tuần hồ Hoa Sơn - hồ Hàm Lợn (xã Nam Sơn); Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội (xã Tiên Dược)…
Còn hạn chế trong phát triển rừng
Sau khi có Quy hoạch rừng năm 2008, Lâm trường Sóc Sơn (nay là Ban Quản lý rừng Phòng hộ - đặc dụng Hà Nội - đơn vị trực thuộc Sở NN&PTNT Hà Nội) có chức năng quản lý 2.095ha. Đến năm 2022, Ban Quản lý rừng Phòng hộ - đặc dụng huyện Sóc Sơn sáp nhập với Ban Quản lý rừng Phòng hộ - đặc dụng Hà Nội.
Trưởng phòng Kinh tế huyện Sóc Sơn Hoàng Thị Hà cho biết, thực hiện phân cấp quản lý theo chỉ đạo của UBND TP Hà Nội, UBND huyện Sóc Sơn đã tiến hành bàn giao 1.147,1ha rừng được khoán. Như vậy, tổng diện tích rừng do Ban Quản lý rừng Phòng hộ - đặc dụng Hà Nội quản lý hiện nay là 3.242,1ha (chiếm hơn 71% tổng diện tích quy hoạch và gần như toàn bộ diện tích rừng hiện có trên địa bàn huyện Sóc Sơn).
UBND các xã, các đơn vị quốc phòng, an ninh, tổ chức được Nhà nước giao đất, cho thuê đất, hộ gia đình cá nhân (có trong bản đồ đất khu dân cư tỷ lệ 1/1000 đo đạc năm 1993) quản lý, sử dụng 1.314,9ha (chiếm khoảng 29% tổng diện tích theo quy hoạch rừng tại huyện Sóc Sơn).
Theo UBND huyện Sóc Sơn, trong quy hoạch rừng hiện có nhiều hơn 9 dự án đã được triển khai, thực hiện. Trong số này có thể kể tới Dự án khu I, II, III thuộc Khu du lịch sinh thái Sóc Sơn; Trung tâm cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội; Sân Golf xã Minh Trí; Trung tâm chăm sóc người cao tuổi Ngọc Hà; Khu du lịch Thung lũng xanh - Hồ Kèo Cà; Khu liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn; Khu bảo tồn thuộc khu IV khu du lịch văn hóa Sóc Sơn…
Liên quan đến một số tồn tại, hạn chế trong công tác quản lý và phát triển rừng, Phó Chủ tịch UBND huyện Sóc Sơn Phạm Quang Ngọc cho biết, hiện nay Nhà nước chưa thực hiện thu hồi đất của các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân để thực hiện quy hoạch rừng; chưa thực hiện công tác giao đất, giao rừng cho các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân; đồng thời cũng chưa thực hiện dự án cải tạo, nâng cấp, làm giàu rừng phòng hộ bảo vệ môi trường. Đây là những vấn đề đã được chính quyền địa phương nhận biết, và sẽ tiếp tục chỉ đạo triển khai rốt ráo trong thời gian tới.
(Còn nữa)