Làm rõ hơn các lĩnh vực đầu tư
Cơ bản nhất trí với việc thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột, các đại biểu Quốc hội cho rằng, cần rà soát kỹ và cụ thể hơn nữa các lĩnh vực đầu tư; nếu có thu hút ngành sản xuất, chế biến cà phê phải kèm theo điều kiện về công nghệ, độ lớn, nguồn vốn đầu tư và tính mới của sản phẩm để bảo đảm công bằng với các tỉnh trong khu vực.
Các cơ chế được đề xuất đồng bộ, trọng tâm
Sáng nay, 7.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Đức Hải, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về dự thảo Nghị quyết về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk.
Các đại biểu Quốc hội cơ bản đồng tình với sự cần thiết ban hành Nghị quyết và những nhóm chính sách đặc thù được đề xuất; đánh giá bố cục Nghị quyết ngắn gọn, hợp lý, hồ sơ dự thảo Nghị quyết đủ điều kiện để Quốc hội xem xét, thông qua theo quy trình 1 Kỳ họp.
ĐBQH Nguyễn Thị Lệ Thủy (Bến Tre) cho biết, đến nay, đã đầy đủ cơ sở chính trị cho việc ban hành Nghị quyết của Quốc hội về cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố Buôn Ma Thuột. Cùng với đó là căn cứ pháp lý đầy đủ và các cơ chế được đề xuất khá đồng bộ, trọng tâm, bảo đảm hợp lý với 5 nhóm chính sách tập trung vào 3 vấn đề là tiền, thời gian và con người.
Trong đó, nhất trí với cơ chế tài chính để giúp thành phố Buôn Ma Thuột một mặt tăng đầu tư từ ngân sách nhà nước, mặt khác huy động được nguồn lực xã hội đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng thông qua các chính sách ưu đãi đầu tư, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy cho rằng, với cơ chế này thì không chỉ thành phố Buôn Ma Thuột mà cả tỉnh Đắk Lắk cũng được hưởng lợi. Hội đồng Nhân dân tỉnh sẽ quyết định và giám sát theo danh mục những dự án đầu tư cụ thể, đúng quy hoạch và có phương án, khả năng cân đối ngân sách trả nợ. Tuy nhiên, để tăng tính hiệu quả của cơ chế, đại biểu đề nghị tiếp tục rà soát danh mục các dự án, bảo đảm tính kết nối, có tác dụng lan tỏa tới các tỉnh trong vùng như tinh thần Kết luận số 67-KL/TW ngày 16.12.2019 của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển thành phố Buôn Ma Thuột, tỉnh Đắk Lắk đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; làm nền tảng cho các cơ chế còn lại của Nghị quyết và thúc đẩy thành phố phát triển, các dự án phải sẵn sàng để khi có cơ chế tài chính thì có thể triển khai được ngay.
Đồng tình với cơ chế ủy quyền của địa phương điều chỉnh quy hoạch đô thị cục bộ để khắc phục những vướng mắc, bất cập về quy hoạch, giúp địa phương tiết kiệm thời gian, tận dụng cơ hội thu hút đầu tư và khai thác hiệu quả hạ tầng, cơ sở, tuy nhiên đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy đề nghị cần khống chế việc điều chỉnh cục bộ đến mức không làm phá vỡ cảnh quan quy hoạch lâu dài của thành phố.
Cần phát triển các sản phẩm phụ trợ cho cà phê
Cũng nhất trí với cơ chế ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp đối với các lĩnh vực đầu tư và mức ưu đãi đầu tư như Tờ trình của Chính phủ có bám sát Kết luận 67, tuy nhiên, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy phân tích rõ, lĩnh vực đầu tư trong Kết luận 67 thì rất nhiều còn dự thảo Nghị quyết chỉ đề xuất chính sách ưu đãi thuế thu nhập doanh nghiệp trong khi hạ tầng công nghiệp, kỹ thuật của thành phố chưa hoàn thiện thì không kỳ vọng thu hút được nhiều dự án. Do đó, đại biểu đề nghị cần rà soát kỹ và cụ thể hơn nữa các lĩnh vực đầu tư; nếu có thu hút ngành sản xuất, chế biến cà phê phải kèm theo điều kiện về công nghệ, độ lớn, nguồn vốn đầu tư và tính mới của sản phẩm để bảo đảm công bằng với các tỉnh trong khu vực. Đồng thời, có thể thu hút đầu tư dự án xây dựng và vận hành Bảo tàng cà phê thế giới tại thành phố Buôn Ma Thuột. Bổ sung cơ chế tăng tỷ lệ trích lập quỹ phát triển khoa học công nghệ của doanh nghiệp chế biến cà phê trong toàn tỉnh Đắk Lắk hoặc mở rộng cho cả vùng Tây Nguyên.
Theo ĐBQH Lý Tiết Hạnh (Bình Định), dự thảo Nghị quyết đã xác định các dự án đầu tư trên lĩnh vực du lịch, văn hóa, du lịch cộng đồng và du lịch sinh thái; đầu tư sản xuất, chế biến cà phê trên địa bàn thành phố Buôn Ma Thuột góp phần trở thành thành phố cà phê của thế giới. Đây là những lĩnh vực thực sự có tiềm năng và đang cần có cơ chế của Nhà nước để phát triển.
Nhấn mạnh ngành cà phê không thể phát triển đơn độc, đại biểu Lý Tiết Hạnh cho rằng, bên cạnh việc phát triển vùng nguyên liệu cà phê thì rất cần phát triển các nguyên liệu khác có thể trở thành sản phẩm sau cà phê, sản phẩm phụ trợ cho cà phê. Nếu chủ động trong việc xây dựng vùng nguyên liệu đủ mạnh, đủ hấp dẫn và bảo đảm trong tất cả mọi tình huống thì chính sách về phát triển cà phê sẽ an toàn hơn. Việc tập trung vào một địa bàn, địa giới hành chính là chưa đủ mạnh, do đó cần phải mở rộng các vùng phụ cận, rộng hơn nữa là các vùng nguyên liệu của Tây Nguyên và trong nước. Song hành với đó là chính sách việc làm, thu nhập cho người lao động ở trên các lĩnh vực cà phê và nguyên liệu nói chung.
Về cơ chế, chính sách thu hút chuyên gia, nhà khoa học có tài năng đặc biệt, các đại biểu Quốc hội đề nghị cần chú trọng đến cơ chế và môi trường làm việc, đồng thời cần xác định rõ, minh bạch và lượng hóa được các tiêu chí xác định thế nào là tài năng đặc biệt để tránh tác dụng ngược của cơ chế. Bên cạnh đó, cần có các cơ chế đặt hàng, giải thưởng bản quyền để khuyến khích việc nghiên cứu khoa học theo các lĩnh vực mà thành phố cần.