Làm rõ nguyên nhân của nạn 'bom' hàng

Bên cạnh việc nhận hàng kém chất lượng khiến người mua từ chối nhận thì vẫn có một số người mua đặt hàng theo cảm xúc và sau đó không muốn sở hữu hàng đó nữa.

Đây là những nguyên nhân chính của tình trạng “bom” hàng trên thương mại điện tử hiện nay.

Thực tế, nhiều người mua hàng qua sàn thương mại điện tử đã từng có lần mua phải hàng giả, hàng kém chất lượng. Sau nhiều lần như vậy, niềm tin của người tiêu dùng sẽ dần mất đi. Từ đó, khi mua các sản phẩm trên thương mại điện tử, họ chủ động lựa chọn trả tiền mặt khi nhận hàng để có thể kiểm tra sản phẩm có đúng như đã được quảng cáo trên sàn hay không sau đó mới trả tiền. Nếu không, họ sẽ từ chối nhận hàng.

Bên cạnh đó, cũng có những trường hợp rủi ro khác như: Mạng internet hoạt động không ổn định khiến giao dịch bị gián đoạn hoặc gặp sự cố đã trừ tiền nhưng lại thông báo lỗi khiến khách hàng thực hiện đặt hàng, trả tiền 2 lần... Khi nhận hàng có đến 2 đơn, người mua sẽ chỉ nhận 1.

Ngày càng nhiều người lựa chọn mua hàng online

Ngày càng nhiều người lựa chọn mua hàng online

Tuy nhiên, vẫn có một số trường hợp người mua đặt hàng theo cảm xúc nhất thời và sau đó không còn muốn sở hữu hàng hóa đó nữa mặc dù đã đặt hàng và hàng đã được giao, điều này không những không đẹp về mặt đạo đức, gây thiệt hại cho người bán mà còn không đúng về mặt luật pháp, ảnh hưởng đến những người bán hàng chân chính.

Theo thống kê của TikTok Shop, tỷ lệ “bùng” hàng, “bom” hàng của các cửa hàng trên TikTok Shop hiện đang từ 20% đến 30% tùy theo ngành hàng. Điều này dẫn đến sự lãng phí về chi phí vận chuyển, kho bãi, ảnh hưởng xấu đến tình hình kinh doanh và thậm chí là cả chất lượng của sản phẩm bị từ chối hoặc hoàn trả.

Điều 76 Nghị định 52/2013/NĐ-CP nêu rõ tranh chấp giữa thương nhân, tổ chức, cá nhân bán hàng hóa và cung ứng dịch vụ với khách hàng trong quá trình thực hiện hợp đồng phải được giải quyết trên cơ sở các điều khoản của hợp đồng công bố tại website vào thời điểm giao kết hợp đồng và quy định của pháp luật có liên quan. Việc giải quyết tranh chấp phải thông qua thương lượng giữa các bên, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án theo các thủ tục, quy định hiện hành về giải quyết tranh chấp nên rất khó xử lý.

Nhằm tạo một môi trường lành mạnh cho cả người mua và người bán trên môi trường số, giảm tối đa các rủi ro cho người mua và người bán nhờ vào các chính sách hỗ trợ và bảo vệ người dùng, Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, đang nghiên cứu triển khai các giải pháp, hạ tầng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt giảm tỷ lệ COD cũng như tỷ lệ “bom” hàng, “bùng” hàng, đồng thời giảm thiểu tình trạng người bán kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, sai quảng cáo.

Trong đó, có giải pháp Escrow giúp bảo vệ khoản tiền của người mua trả trước và chỉ thanh toán cho người bán sau khi sản phẩm đã được xác nhận đồng ý về chất lượng từ người mua. Điều này không những góp phần giúp các giao dịch mua bán trên thương mại điện tử được thuận lợi và dễ dàng hơn, mà còn giúp người mua thanh toán tiền trước, thoát khỏi nỗi lo lắng về việc nhận phải hàng kém chất lượng và không được hoàn lại tiền.

Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số đang nghiên cứu triển khai các giải pháp, hạ tầng để thúc đẩy thanh toán không dùng tiền mặt giảm tỷ lệ COD cũng như tỷ lệ “bom” hàng, “bùng” hàng, đồng thời giảm thiểu tình trạng người bán kinh doanh các sản phẩm kém chất lượng, sai quảng cáo.

Ngọc Linh

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/lam-ro-nguyen-nhan-cua-nan-bom-hang-282112.html