Làm rõ nguyên nhân sập cầu dân sinh bất ngờ đội vốn ở Kiên Giang

Lãnh đạo UBND huyện Tân Hiệp xác định, nguyên nhân chính dẫn đến sập cầu dân sinh bắc qua Kênh Xáng Chưn Bầu (xã Thạnh Đông, huyện Tân Hiệp) là do đơn vị thi công đổi cọc BTCT dài 21m thành cọc khoan nhồi D500, dài 17m; tăng số dầm cầu và diện tích mặt cầu…

 Công trình cầu Chưn Bầu bắc qua kênh Xáng bị sụp lún và kéo sập nhịp chính cầu vào ngày 26.5 vừa qua

Công trình cầu Chưn Bầu bắc qua kênh Xáng bị sụp lún và kéo sập nhịp chính cầu vào ngày 26.5 vừa qua

Mới đây, UBND huyện Tân Hiệp vừa thông tin đến Phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân về nguyên nhân sự cố sụp lún 2 trụ Cầu ngang Kênh Xáng Chưn Bầu, (đoạn cuối kênh 9) xảy ra vào ngày 26.5.2024 vừa qua.

Theo đó, cầu ngang Kênh Xáng Chưn Bầu (cầu Chưn Bầu) thuộc hạng mục xây mới, được UBND huyện phê duyệt chủ trương đầu tư, đối ứng nguồn vốn theo Nghị định số 35/2025/NĐ-CP và Nghị định số 62/2019/NĐ-CP, kế hoạch vốn năm 2022, kinh phí ngân sách Nhà nước là 900 triệu đồng, giao UBND xã Thạnh Đông làm chủ đầu tư.

Đến ngày 24.5.2022, UBND xã Thạnh Đông phê duyệt báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng công trình cầu Chưn Bầu với tổng mức dự toán đầu tư hơn 1,8 tỷ đồng, trong đó: vốn ngân sách hơn 855 triệu đồng, vốn vận động đóng góp hơn 909 triệu đồng. Trong ngày, UBND xã Thạnh Đông ban hành quyết định phê duyệt dự toán xây cầu.

 Phần trụ cầu bờ Nam bị sụp lún hơn 2,2m

Phần trụ cầu bờ Nam bị sụp lún hơn 2,2m

Trên cơ sở đó, 2 ngày sau, UBND xã Thạnh Đông là chủ đầu tư công trình chỉ định Công ty TNHH Xây dựng Phúc Ý thực hiện gói thi công xây lắp, giá gói thầu hơn 855 triệu đồng, thời gian thi công là 120 ngày. Cầu có chiều dài 49,9m, rộng 4m (4 trụ, 2 mố cầu), cao hơn 5,1m.

Tiếp đó, đến ngày 5.12.2022, chủ đầu tư tự ban hành quyết định nâng số tiền ngân sách đối ứng cung cấp vật tư và chi phí xây dựng lên 900 triệu đồng. Đồng thời, chủ đầu tư tiếp tục ra quyết định điều chỉnh nội dung giá dự toán gói thầu số 2 từ “thi công xây lắp thành cung cấp vật liệu”. Không dừng lại ở đó, trong ngày chủ đầu tư tiếp tục ký phụ lục hợp đồng, để sửa đổi một số nội dung. Cụ thể, từ thi công xây lắp sang cung cấp vật liệu; giá trị thanh toán từng phần theo khối lượng hoàn thành sang thanh toán 100%. Trên cơ sở đó, khi cầu đang xây dựng, Công ty TNHH Xây dựng Phúc Ý đã được thanh toán tiền.

Tuy nhiên, đơn vị xây cầu do Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo xã Tân Hội do ông Nguyễn Văn Sơ – Trưởng Ban trị sự và ông Nguyễn Văn Luông – đội trưởng đội xây cầu từ thiện, trực tiếp tổ chức việc xây cầu.

 Nguyên nhân chính sụp lún trụ cầu là do chủ đầu tư và đơn vị thi công tự thay đổi thiết kế móng cọc, dầm và diện tích mặt cầu

Nguyên nhân chính sụp lún trụ cầu là do chủ đầu tư và đơn vị thi công tự thay đổi thiết kế móng cọc, dầm và diện tích mặt cầu

Trong quá trình xây dựng, đơn vị giám sát là Ban giám sát đầu tư cộng đồng do Ủy ban Mặt trận xã Thạnh Đông thành lập. Ngoài ra, không có đơn vị giám sát kỹ thuật chuyên biệt nào giám sát thi công cầu.

Khi đơn vị thi công hoàn thành 80% khối lượng công trình (chỉ còn đổ bê tông mặt cầu, đường dẫn), trong lúc đổ bê tông mặt cầu phía bờ Nam, trụ I và II bị sụt lún khoảng 2,2m dẫn đến kéo sập nhịp chính cầu vào hôm 26.5.2024.

Sau khi sự cố xảy ra, UBND huyện Tân Hiệp thành lập Tổ giám định do Trưởng Phòng Kinh tế và Hạ tầng làm tổ trưởng.

 Do công trình ngưng thi công, hiện các vỉ sắt trên mặt cầu bị rỉ sét

Do công trình ngưng thi công, hiện các vỉ sắt trên mặt cầu bị rỉ sét

UBND huyện Tân Hiệp thống nhất kết quả giám định và cho biết, nguyên nhân chính dẫn đến sự cố nêu trên là do chủ đầu tư và đơn vị thi công tự điều chỉnh quy mô, kết cấu tăng khối lượng, xử lý giảm chiều dài cọc so với bản thiết kế (giảm hơn 4m) và tăng một dầm bê tông tại 5 nhịp, mở rộng mặt cầu từ 4,4m lên 5m. Sự thay đổi này sai với bản thiết kế được duyệt và không được cơ quan chức năng thẩm định theo quy định.

Từ sự thay đổi trên và việc thi công móng cọc không đảm bảo quy trình, không đóng cọc thử và thí nghiệm chịu tải, từ đó dẫn đến sụt lún trụ cầu I,II phía bờ Nam. Còn trụ cầu tại bờ Bắc, tuy không sụp lún nhưng không đảm bảo chịu lực, do đó, chủ đầu tư và đơn vị thi công cần có giải pháp kỹ thuật thay thế các trụ cầu theo đúng thiết kế được ngành chức năng phê duyệt.

 Đội trưởng đội thi công cầu từ thiện Nguyễn Văn Luông thừa nhận thay đổi cọc bê tông thành cọc khoan nhồi và khi thi công không tổ chức khoan thăm dò địa chất

Đội trưởng đội thi công cầu từ thiện Nguyễn Văn Luông thừa nhận thay đổi cọc bê tông thành cọc khoan nhồi và khi thi công không tổ chức khoan thăm dò địa chất

Trao đổi với phóng viên Báo Đại biểu Nhân dân, Đội trưởng đội thi công cầu từ thiện Nguyễn Văn Luông nhận trách nhiệm sự cố sụp trụ cầu là do đơn vị thi công của ông. Hiện ông chờ kết luận của UBND huyện về phương án khắc phục sự cố, nếu huyện thống nhất, đơn vị của ông Luông sẽ vận động tiền làm lại 2 trụ cầu mới theo đúng thiết kế, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện qua lại Kênh Xáng.

Hiện nhiều cử tri huyện Tân Hiệp băn khoăn về cách làm của chủ đầu tư khi tự thay đổi nội dung hợp đồng và thanh toán tiền 100% cho đơn vị được chỉ định thầu là Công ty TNHH Phúc Ý khi cầu đang thi công. Hơn nữa, doanh nghiệp này thực hiện gói thầu xây lắp, tuy nhiên, thực tế thì đội từ thiện xây cầu của Ban trị sự Phật giáo Hòa Hảo đảm nhận.

Ngoài ra, dư luận còn quan tâm đến việc địa phương sử dụng 50 triệu đồng, tiền mua quà tết cho hộ nghèo xã Thạnh Đông, góp vào xây cầu có đúng theo quy định pháp luật?

Hiện Thanh tra UBND huyện Tân Hiệp đang hoàn thiện kết luận thanh về việc tổ chức, quản lý xây dựng cầu Chưn Bầu do UBND xã Thạnh Đông làm chủ đầu tư.

Nguyễn Hành

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/lam-ro-nguyen-nhan-sap-cau-dan-sinh-bat-ngo-doi-von-o-kien-giang-post389857.html