TP.HCM phải làm gì để xử lý 13.000 tấn rác sinh hoạt mỗi ngày?

Nhằm tăng cường hiệu quả quản lý rác sinh hoạt, TP.HCM đã chủ động xây dựng và ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật bên cạnh các chương trình, kế hoạch, đề án, dự án, quy hoạch để thực hiện.

Theo Sở TN&MT TP.HCM, hiện khối lượng rác sinh hoạt trên địa bàn TP phát sinh trung bình vào khoảng 13.000 tấn/ngày. Trong đó, chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng được thu gom, xử lý bằng hình thức tái chế thông qua cơ chế thị trường khoảng 3.000 tấn/ngày; khối lượng rác còn lại được thu gom vận chuyển về các nhà máy xử lý của TP.

Ngày 16-9, UBND TP.HCM đã có văn bản báo cáo Bộ TN&MT công tác triển khai một số nội dung nhằm đẩy mạnh công tác quản lý rác sinh hoạt trên địa bàn TP để tổng hợp, trình Chính phủ theo quy định.

Cải tạo nâng cấp các trạm trung chuyển rác

Theo Sở TN&MT, UBND TP đã ban hành định hướng quy hoạch mạng lưới trạm trung chuyển trên địa bàn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2050 và giao cho UBND TP Thủ Đức, các quận, huyện giải tỏa các trạm gây ô nhiễm môi trường.

Đồng thời cải tạo, nâng cấp, xây dựng mới các trạm đảm bảo yêu cầu kỹ thuật để đến năm 2025 có 40 trạm, đến năm 2050 có 36 trạm trên địa bàn 16 quận, huyện.

 Từ năm 2025 trở về sau, khu vực tiếp nhận rác thải và khu vực đậu chờ phương tiện tại tất cả trạm trung chuyển rác của TP được thiết kế kín hoàn toàn. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Từ năm 2025 trở về sau, khu vực tiếp nhận rác thải và khu vực đậu chờ phương tiện tại tất cả trạm trung chuyển rác của TP được thiết kế kín hoàn toàn. Ảnh: NGUYỄN CHÂU

Về yêu cầu kỹ thuật, từ năm 2025 trở về sau, tất cả trạm trung chuyển của TP được xây dựng với khu vực tiếp nhận rác thải và khu vực đậu chờ phương tiện được thiết kế kín hoàn toàn, sử dụng công nghệ ép rác kín, trang bị đầy đủ hệ thống xử lý môi trường.

Đồng thời đảm bảo kết nối đồng bộ, tiếp nhận các loại phương tiện thu gom tại nguồn, có khả năng phục vụ, tiếp nhận rác sinh hoạt và các loại chất thải khác của hộ gia đình như chất thải rắn cồng kềnh, chất thải xây dựng, chất thải nguy hại... Các trạm được trang bị hệ thống hiện đại như cân, camera, phần mềm theo dõi khối lượng chất thải tiếp nhận tại trạm, chất lượng môi trường của trạm.

Hiện nay, UBND TP Thủ Đức và các quận, huyện như quận 4, 8, 12, Bình Tân, Bình Thạnh, Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè đang triển khai đầu tư 16 trạm trung chuyển.

Trong đó có ba trạm đã hoàn thành xây dựng, vận hành là trạm trung chuyển phường An Phú Đông (quận 12) vận hành tháng 4-2022; trạm trung chuyển phường Thạnh Xuân (quận 12) vận hành tháng 6-2024 và trạm trung chuyển Sở Gà (TP Thủ Đức) vận hành tháng 01-2023.

Hiện có một trạm đang thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư ở quận 4; một trạm đang thực hiện thủ tục thẩm định, phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi để đầu tư xây dựng tại quận Bình Thạnh.

Ngoài ra, TP.HCM có 11 trạm đang thực hiện điều chỉnh, bổ sung quy hoạch, thủ tục giao đất, đăng ký vốn đầu tư công trung hạn để thực hiện đầu tư xây dựng theo quy định như ở quận 8, 12, Bình Tân; huyện Bình Chánh, Củ Chi, Hóc Môn và Nhà Bè.

Chuyển đổi công nghệ xử lý rác

Để đảm bảo chỉ tiêu đến năm 2025, tỉ lệ xử lý rác sinh hoạt bằng công nghệ đốt phát điện và tái chế đạt ít nhất 80%, hướng tới năm 2030 đạt 100%, TP phố giao Sở TN&MT chủ động, phối hợp cùng các sở, ngành liên quan tham mưu triển khai hai nhóm giải pháp.

Thứ nhất là tiến hành chuyển đổi công nghệ xử lý của các đơn vị xử lý rác sinh hoạt hiện hữu trên địa bàn TP.

Hiện nay, TP đang có năm công ty, đơn vị xử lý đã ký hợp đồng cung ứng dịch vụ xử lý rác sinh hoạt bao gồm Công ty Cổ phần Vietstar, Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa, Công ty TNHH Xử lý chất thải Việt Nam, Công ty Cổ phần Tasco và Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TP.

Trong đó Công ty Cổ phần Đầu tư Phát triển Tâm Sinh Nghĩa đã được cấp giấy phép xây dựng. Công ty Cổ phần Vietstar đã trình Bộ Xây dựng thẩm định báo cáo nghiên cứu khả thi dự án. Công ty Cổ phần Tasco đã nộp hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư cho Sở KH&ĐT.

Hai công ty còn lại là Công ty TNHH Xử lý Chất thải Việt Nam và Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TP hiện chưa nộp hồ sơ điều chỉnh chủ trương đầu tư cho Sở KH&ĐT.

Nhóm giải pháp thứ hai là thực hiện kêu gọi nhà đầu tư thực hiện dự án xử lý rác sinh hoạt mới theo phương thức đối tác công tư (PPP)-Dự án REE. Hiện hội đồng thẩm định cấp cơ sở đang tổ chức thẩm định báo cáo nghiên cứu tiền khả thi dự án lần 3 để trình UBND TP xem xét, trình HĐND TP ra quyết định chủ trương đầu tư dự án.

Sau đó, TP sẽ tổ chức đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án theo đúng quy định pháp luật hiện hành.

Sớm triển khai phân loại rác tại nguồn

Trước đó ngày 4-5-2021, UBND TP đã ban hành quyết định liên quan quản lý rác sinh hoạt trên địa bàn TP. Theo đó, rác sinh hoạt trên địa bàn TP được phân loại thành hai nhóm chính là nhóm chất thải có thể tái chế và nhóm chất thải còn lại.

Đối với nhóm chất thải có khả năng tái chế, tái sử dụng, người dân đã trực tiếp bán, cho lực lượng ve chai. Đối với nhóm chất thải còn lại thì người dân chuyển giao cho lực lượng thu gom tại nguồn để chuyển giao cho đơn vị thu gom, vận chuyển đưa về các nhà máy xử lý tập trung của TP.

Đối với nhóm chất thải nguy hại phát sinh từ hộ gia đình thì hộ gia đình lưu giữ tại chỗ và định kỳ mang đến các điểm thu gom chất thải nguy hại hộ gia đình do địa phương thiết lập theo chương trình riêng. Khối lượng chất thải nguy hại thu gom, xử lý từ hộ gia đình năm 2023 là 13.948,52 kg.

Thực hiện theo Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, TP đang xây dựng và hoàn thiện nội dung đề án phân loại rác sinh hoạt tại nguồn trên địa bàn, chia thành ba nhóm. Dự kiến triển khai theo đúng thời gian yêu cầu của Luật, chậm nhất ngày 31-12-2024.

NGUYỄN CHÂU

Nguồn PLO: https://plo.vn/tphcm-phai-lam-gi-de-xu-ly-13000-tan-rac-sinh-hoat-moi-ngay-post810454.html