Làm rõ nguyên nhân thi công cao tốc Hậu Giang - Cà Mau làm ảnh hưởng lúa của dân
Nhà thầu thi công cao tốc Bắc Nam, đoạn Hậu Giang - Cà Mau, qua địa bàn xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang đề nghị ngành chức năng làm rõ nguyên nhân đất nhiễm mặn làm ảnh hưởng lúa của nông dân.
Chưa bàn trách nhiệm, gỡ khó cho dân trước
Chiều 23/5, UBND huyện Vị Thủy, tỉnh Hậu Giang tổ chức cuộc họp với các ngành chức năng và các bên liên quan để làm rõ vấn đề quá trình thi công cao tốc Bắc - Nam (đoạn Hậu Giang - Cà Mau) khiến lúa của một số hộ dân gần công trình bị nhiễm mặn và chết.
Ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó chủ tịch UBND huyện Vị Thủy cho biết, về vấn đề này, các bên liên quan đã từng họp nhưng chưa thống nhất nhiều ý kiến.
"Chúng ta chưa nói đến nguyên nhân hay trách nhiệm thuộc về ai nhưng phải thống nhất để tháo gỡ, tránh tình trạng người dân trồng lúa bị thiệt hại thêm", ông Hiếu nói.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp huyện Vị Thủy, vào ngày 10/5, đoàn làm việc gồm Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh và các đơn vị liên quan đã khảo sát hiện trạng diện tích lúa hè thu bị ảnh hưởng bởi dự án cao tốc Hậu Giang - Cà Mau ở địa bàn ấp 9, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy.
Kết quả cho thấy, đối với diện tích lúa người dân phản ánh thiệt hại sau khi bơm cát thi công cao tốc: thực tế ghi nhận có một số diện tích bị thiệt hại trên 70%; một số diện tích bị thiệt hại từ 20 - 50%. Cụ thể, trong khu vực bị ảnh hưởng có 9 hộ; tổng diện tích 33.300m2, trong đó diện tích thiệt hại 10.700m2.
Tiến hành kiểm tra nồng độ mặn trong các diện tích lúa bị thiệt hại cho kết quả 6,6‰; kiểm tra trong khu vực đường cao tốc độ mặn đo được 0,5 - 1,8‰; đo kiểm chứng các khu vực xung quanh độ mặn đo được 0,1 - 0,2‰.
Ngành chức năng cho biết khu vực xã Vị Thắng lâu nay là khu vực an toàn không bị nhiễm mặn tự nhiên.
Tiến hành kiểm tra hiện trạng cây lúa nhận thấy, lúa bị chết, lá bị cháy, rễ bị thổi do ảnh hưởng của nồng độ mặn.
Theo nhận định của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, tình hình sinh vật gây hại tại thời điểm trên đối với xã Vị Thắng là không đáng kể, ở mức thấp dưới thống kê, không ảnh hưởng sinh trưởng và phát triển của lúa.
Cát thi công dự án lấy từ An Giang, Đồng Tháp
Ông Trần Hải Bắc, Giám đốc Ban điều hành Trường Sơn (Tổng công ty Xây dựng Trường Sơn, nhà thầu thi công dự án) cho biết, đơn vị thống nhất sẽ hỗ trợ cho 9 hộ dân bị ảnh hưởng.
Cho biết nguồn cát thi công cao tốc đoạn qua xã Vị Thắng được lấy từ An Giang và Đồng Tháp, ông Bắc cũng đề nghị ngành chức năng làm rõ vì sao độ mặn trong khu vực thi công cao tốc và ngoài ruộng lúa có sự chênh lệch như vậy.
"Nguồn cát này được các địa phương quản lý hàng ngày. Quá trình lấy cát tại mỏ cho đến khi về đến công trường đều được giám sát chặt chẽ", ông Bắc nói và cho biết: Đơn vị đã lấy mẫu cát ở công trường để kiểm định xem có phù hợp với các chỉ tiêu theo quy định hay không, khi có kết quả sẽ cung cấp thêm cho địa phương.
Trước mắt, ông Bắc đề xuất đào mương chạy dọc taluy đường để thoát nước ra kênh. Việc này sẽ giải quyết được vấn đề tích tụ nước trong ruộng, giúp cho các vụ lúa sau không bị ảnh hưởng.
Thống nhất với nhà thầu sẽ hỗ trợ cho 9 hộ dân bị ảnh hưởng sau khi địa phương có phương án, thống kê cụ thể, ông Nguyễn Quang Dũng, Phó giám đốc Ban điều hành dự án (Ban quản lý dự án Mỹ Thuận - chủ đầu tư) cho biết đã cùng địa phương khảo sát vị trí để đào mương thoát nước, khắc phục triệt để tình trạng này.
Cuối buổi làm việc, ông Trương Trần Trọng Hiếu, Phó chủ tịch UBND huyện Vị Thủy cho rằng, khi thi công dự án đã làm cho các thửa ruộng của người dân bị xé lẻ, đường nước nhiều đoạn bị lấp, hệ thống mới thì chưa hình thành.
"Huyện đã kiến nghị với tỉnh để có chủ trương đào những rãnh, đường nước mới phục vụ sản xuất. Việc này cũng đã được địa phương phối hợp khảo sát các vị trí, lập dự toán", ông Hiếu nói.
Theo ông, trước mắt nhà thầu cần nhanh chóng hỗ trợ cho bà con có diện tích lúa bị ảnh hưởng. Về lâu dài, nếu còn xảy ra tình trạng ruộng lúa nhiễm mặn thì huyện sẽ kiến nghị tỉnh có chủ trương tìm một đơn vị tư vấn độc lập để vào cuộc xem nguyên nhân xuất phát từ đâu.
Lãnh đạo huyện Vị Thủy cũng đề nghị trong thời gian tới, chủ đầu tư, nhà thầu cần có biện pháp thi công an toàn, tránh trường hợp rò rỉ các nguyên vật liệu ảnh hưởng đến việc sản xuất lúa của người dân.
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021-2025 đoạn Cần Thơ - Cà Mau (cao tốc Cần Thơ - Cà Mau) khởi công ngày 1/1/2023, có chiều dài hơn 110km, tổng mức đầu tư hơn 27.500 tỷ đồng.
Dự án được phân thành hai dự án thành phần gồm: dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang có chiều dài hơn 37km. Tổng mức đầu tư hơn 10.370 tỷ đồng.
Dự án thành phần đoạn Hậu Giang - Cà Mau có chiều dài hơn 73km, qua địa bàn tỉnh Hậu Giang, Bạc Liêu, Kiên Giang và Cà Mau. Tổng mức đầu tư hơn 17.152 tỷ đồng.