Làm rõ quy định về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích

Cơ bản đánh giá cao dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi) đã thể chế hóa chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế thị trường có sự điều tiết của Nhà nước trong hoạt động viễn thông, tạo nền tảng cho sự phát triển kinh tế số, xã hội số, nhiều ý kiến cho rằng, dự thảo Luật cần làm rõ hơn những nguyên tắc và nội dung trong sử dụng Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.

Còn chồng chéo nghĩa vụ của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian

Dự thảo Luật Viễn thông vừa được lấy ý kiến tại Hội thảo do Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường phối hợp với Viện Nghiên cứu lập pháp thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội tổ chức chiều 10.4 gồm 10 Chương, 73 Điều, trong đó có 1 điều quy định mang tính chuyển tiếp. Dự thảo Luật tập trung vào các nhóm chính sách lớn gồm: chính sách quản lý và điều tiết thị trường bán buôn; hoàn thiện các quy định về cấp phép viễn thông; chính sách về quản lý và phát triển dịch vụ viễn thông vệ tinh; chính sách về kinh doanh trung tâm dữ liệu và dịch vụ điện toán đám mây; chính sách quản lý dịch vụ ứng dụng internet trong viễn thông (OTT viễn thông).

PGS.TS. Đặng Văn Thanh, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế và Ngân sách đánh giá, dự thảo Luật đã quy định khá đầy đủ, có một Chương riêng quy định về kinh doanh viễn thông, về viễn thông công ích. Dự thảo Luật cũng đã tính tới xu thế phát triển dịch vụ vệ tinh chùm với các dịch vụ xuyên biên giới mang tính chất thu thập dữ liệu, mất an toàn mạng lưới, an ninh thông tin, ảnh hưởng đến bảo vệ dữ liệu cá nhân, quyền lợi của người sử dụng, đồng thời cạnh tranh trực tiếp với thị trường dịch vụ băng rộng cố định và di động mặt đất trong nước, đòi hỏi phải cụ thể hóa các cam kết quốc tế, các điều kiện, thủ tục, quy trình quản lý thị trường dịch vụ vệ tinh phù hợp.

Điểm mới đáng lưu ý của dự thảo Luật là mở rộng phạm vi điều chỉnh, đưa vào dịch vụ mới là quản lý về trung tâm dữ liệu và điện toán đám mây. Đại diện Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông phân tích, dựa trên phân loại mô hình cung cấp dịch vụ, dịch vụ điện toán đám mây có thể được coi là dịch vụ số được cung cấp thông qua internet. Trong bối cảnh khung khổ pháp luật Việt Nam hiện nay, cách tiếp cận của Việt Nam đối với việc quản lý dịch vụ điện toán đám mây nói riêng và dịch vụ số đang theo hướng Nhà nước trực tiếp quản lý, chưa cân nhắc đến khả năng thị trường tự điều tiết hay đồng điều chỉnh, trong khi đây vốn là đặc thù mới của các công nghệ mới. Hầu hết các loại dịch vụ số đang được xếp vào nhóm lĩnh vực thông tin và truyền thông, trừ dịch vụ trung gian mua sắm và trung gian thanh toán và Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan trực tiếp quản lý hoạt động của 12/14 loại dịch vụ số tại Việt Nam.

Toàn cảnh hội thảo góp ý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Ảnh: Minh Trang

Toàn cảnh hội thảo góp ý dự thảo Luật Viễn thông (sửa đổi). Ảnh: Minh Trang

Như vậy, chính sách và pháp luật sẽ tiếp cận theo từng lĩnh vực, từng vấn đề; mỗi loại dịch vụ số được sắp xếp vào từng lĩnh vực cụ thể như viễn thông, thương mại, ngân hàng, thanh toán… Chỉ một số vấn đề mang tính phổ quát đối với hoạt động kinh doanh như cạnh tranh, bảo vệ dữ liệu cá nhân, sở hữu trí tuệ… được quy định tại văn bản pháp luật riêng biệt. Điều này dẫn đến việc chồng chéo nghĩa vụ của các nhà cung cấp dịch vụ trung gian nói chung và nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây nói riêng trong nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác nhau, ảnh hưởng đến khả năng thực thi và hiệu quả của các quy định đang được đề xuất trong dự án Luật Viễn thông (sửa đổi).

Cần có cơ chế bảo đảm kinh phí của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích

Một trong những nội dung các đại biểu quan tâm đối với dự thảo Luật là quy định về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích. Góp ý cụ thể, PGS.TS. Đặng Văn Thanh nêu rõ, Điều 34 dự thảo Luật quy định về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích, trong đó quy định cụ thể, Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích là quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách Nhà nước, hoạt động không vì mục đích lợi nhuận để hỗ trợ thực hiện chính sách của Nhà nước về cung cấp dịch vụ viễn thông công ích.

Theo PGS.TS. Đặng Văn Thanh, dự thảo Luật cần làm rõ hơn việc Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích là quỹ tài chính ngoài ngân sách Nhà nước nhưng việc quản lý và sử dụng quỹ phải tuân thủ quy định của Luật Ngân sách Nhà nước. Đồng thời, đây là quỹ hoạt động không vì mục đích lợi nhuận nhưng không chỉ hỗ trợ thực hiện chính sách Nhà nước về cung cấp dịch vụ công ích mà là để thực hiện cung cấp dịch vụ công ích theo chính sách của Nhà nước về dịch vụ viễn thông phổ cập và dịch vụ viễn thông bắt buộc (quy định tại Điều 32). Trường hợp thực hiện nhiệm vụ viễn thông công ích do Nhà nước giao thì do ngân sách Nhà nước bảo đảm kinh phí (quy định tại mục 3 Điều 32).

Một số ý kiến cũng đề nghị, về nguồn hình thành Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích ngoài 3 nguồn quy định tại Điều 34 là đóng góp theo tỷ lệ doanh thu dịch vụ viễn thông của các doanh nghiệp viễn thông, tiền viện trợ, tài trợ, đóng góp tự nguyện… cần xem xét quy định thêm nguồn sinh lời từ Quỹ; quy định thêm về nguyên tắc và nội dung sử dụng Quỹ, đồng thời cần quy định về quản lý tài chính, về kiểm toán báo cáo tài chính hàng năm của Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích.

Cùng quan điểm, Cục trưởng Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật, Bộ Tư pháp Hồ Quang Huy cho rằng, trong trường hợp giữ quy định về Quỹ Dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam thì cần nghiên cứu, đánh giá để xác định cụ thể những vấn đề cần quy định tại dự thảo Luật, những vấn đề có thể giao Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các Bộ quy định. Một số vấn đề liên quan đến thẩm quyền cần được làm rõ, ví dụ: thẩm quyền dừng thu quỹ khi số thu vào quỹ đã phù hợp với mức kinh phí được phê duyệt.

Bên cạnh đó, Quỹ được xây dựng chủ yếu từ nguồn đóng góp của doanh nghiệp viễn thông, ngân sách nhà nước không hỗ trợ kinh phí hoạt động cho Quỹ, do đó, cần có quy định trong dự thảo Luật về cơ chế bảo đảm kinh phí của Quỹ chỉ để thực hiện những hoạt động, nhiệm vụ, chương trình theo đúng mục tiêu hình thành của Quỹ.

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường Nguyễn Phương Tuấn ghi nhận các ý kiến tại hội thảo là nguồn thông tin khoa học quý báu, là tài liệu để các đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét khi cho ý kiến đối với dự thảo Luật. Qua đó đề nghị, cơ quan chủ trì soạn thảo tập trung nghiên cứu, tiếp thu đầy đủ ý kiến của các đại biểu để hoàn thiện dự thảo Luật với chất lượng cao nhất. Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường sẽ phối hợp với cơ quan chủ trì soạn thảo và các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng báo cáo thẩm tra sơ bộ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội tại phiên họp tháng 4 này.

Minh Trang

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/lam-ro-quy-dinh-ve-quy-dich-vu-vien-thong-cong-ich-i323195/