Làm rõ quy định về quyền đứng tên trên tác phẩm, được nêu tên khi tác phẩm được công bố

Bộ Khoa học và công nghệ đang xây dựng Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Sở hữu trí tuệ.

Theo Tờ trình Dự luật, qua thực tiễn hơn 15 năm thi hành, cùng với việc hội nhập quốc tế sâu rộng của Việt Nam trong thời gian qua cho thấy Luật Sở hữu trí tuệ còn tồn tại một số vướng mắc, bất cập cần sửa đổi.

Dự luật đã sửa đổi, bổ sung 83 điều, tập trung vào 7 nhóm nội dung chính trong các chính sách. Theo đó, Dự luật đã bổ sung các từ ngữ “tác giả”, “tiền bản quyền”, “biện pháp công nghệ bảo vệ quyền”, “thông tin quản lý quyền” và “truyền đạt tới công chúng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình”; sửa đổi, bổ sung nội dung từ ngữ “tác phẩm phái sinh”, “sao chép”, “phát sóng”; Bổ sung khoản 12a để giải thích khái niệm “sáng chế mật” nhằm tạo cơ sở cho việc xây dựng và thi hành quy định về sáng chế mật và kiểm soát an ninh đối với sáng chế.

Ảnh minh họa (ảnh: internet)

Ảnh minh họa (ảnh: internet)

Đáng quan tâm, về phần Quyền tác giả, quyền liên quan, Dự luật đã sửa đổi quy định về nhãn hiệu nổi tiếng nhằm xác định rõ phạm vi đánh giá nhãn hiệu nổi tiếng là trên cơ sở “người tiêu dùng liên quan” để phù hợp với tiêu chí xác định nhãn hiệu nổi tiếng; sửa đổi quy định về chỉ dẫn địa lý nhằm bảo đảm sự hợp lý về cách diễn đạt mà không thay đổi nội hàm về chỉ dẫn địa lý, đồng thời bổ sung khái niệm chỉ dẫn địa lý đồng âm.

Về quyền nhân thân, Dự luật làm rõ nội dung các quyền đứng tên trên tác phẩm, được nêu tên khi tác phẩm được công bố, sử dụng trừ trường hợp bắt buộc do cách thức sử dụng tác phẩm và bảo vệ toàn vẹn của tác phẩm bằng quyền phản đối mọi xuyên tạc, cắt xén hoặc sửa đổi tác phẩm gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả. Đồng thời, bổ sung quy định tác giả có quyền từ bỏ hoặc chuyển giao một số quyền nhân thân và phải thể hiện bằng văn bản. Bổ sung quy định về nguyên tắc ưu tiên áp dụng Bộ luật Dân sự đối với trường hợp sử dụng hình ảnh cá nhân trong tác phẩm nhiếp ảnh để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo thực thi cam kết quốc tế.

Dự luật cũng làm rõ nội dung các quyền biểu diễn; quyền sao chép và trường hợp không áp dụng quyền sao chép; quyền phát sóng, truyền đạt; quyền phân phối, nhập khẩu để phân phối và trường hợp không áp dụng quyền phân phối; quyền cho thuê để đáp ứng yêu cầu thực tiễn và đảm bảo thực thi cam kết quốc tế.

Bên cạnh đó, sửa đổi quy định về quyền tác giả đối với tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu, theo đó quy định rõ từng nhóm người tham gia sáng tạo được hưởng các quyền tương ứng với sự đóng góp của họ trong việc sáng tạo tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu. Đồng thời luật hóa quy định tại Nghị định số 22/2018/NĐ-CP về tổ chức, cá nhân đầu tư tài chính và cơ sở vật chất - kỹ thuật để sáng tạo tác phẩm điện ảnh, tác phẩm sân khấu có thể thỏa thuận với biên kịch, đạo diễn về việc đặt tên, sửa chữa tác phẩm, để đáp ứng nhu cầu thực tiễn;

Về “quyền tác giả đối với chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu”, Dự luật mở rộng phạm vi "chương trình máy tính" đối với thiết bị để đáp ứng sự phát triển công nghệ hiện nay; đồng thời luật hóa quy định tại Nghị định số 22/2018/NĐ-CP về việc “Tác giả và chủ sở hữu quyền tác giả đối với chương trình máy tính có thể thỏa thuận bằng văn bản về việc sửa chữa, nâng cấp chương trình máy tính” và “Tổ chức, cá nhân đang có quyền sử dụng hợp pháp bản sao chương trình máy tính có thể làm một bản sao dự phòng để thay thế khi bản sao đó bị xóa, bị hỏng hoặc không thể sử dụng được” để phù hợp với thực tiễn và thực thi cam kết quốc tế…

Phương Thảo

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.vn/lam-ro-quy-dinh-ve-quyen-dung-ten-tren-tac-pham-duoc-neu-ten-khi-tac-pham-duoc-cong-bo-235558.html