Làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sau sắp xếp bộ máy
Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương đã thảo luận, đề xuất bổ sung nhiều quy định để làm rõ thẩm quyền, trách nhiệm của tổ chức, cá nhân sau sắp xếp bộ máy.

Đại biểu Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chủ trì phiên thảo luận tổ. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương
Chiều 16/5, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương thảo luận ở tổ tại Kỳ họp thứ 9 Quốc hội khóa XV về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính; Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật; Dự thảo Nghị quyết của Quốc hội sửa đổi, bổ sung một số điều của nội quy kỳ họp Quốc hội ban hành kèm theo Nghị quyết số 71/2022/QH15 của Quốc hội.
Đại biểu Lê Văn Hiệu, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương chủ trì phiên thảo luận tại tổ.
Đại biểu Lê Văn Hiệu bày tỏ sự đồng tình cao với dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Xử lý vi phạm hành chính. Dự thảo luật lần này đã quy định rõ về thẩm quyền xác minh, trách nhiệm xử lý vi phạm hành chính, góp phần tháo gỡ những bất cập trong thực tiễn thi hành luật thời gian qua.
Góp ý về Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp Hải Dương đề nghị rà soát lại quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật khi sắp xếp đơn vị hành chính.

Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn, Giám đốc Sở Tư pháp góp ý nhiều nội dung về văn bản quy phạm pháp luật khi sắp xếp đơn vị hành chính. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương
Dự thảo quy định trường hợp nhiều đơn vị hành chính mới nhập thành đơn vị hành chính mới cùng cấp thì HĐND, UBND của đơn vị hành chính mới quyết định việc áp dụng văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND của đơn vị hành chính được nhập hoặc ban hành văn bản quy phạm pháp luật mới. HĐND, UBND của đơn vị hành chính mới ban hành văn bản quy phạm pháp luật hoặc văn bản hành chính để bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND của đơn vị hành chính được nhập.
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn đánh giá quy định này có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và còn mâu thuẫn với một số quy định liên quan về các trường hợp được ban hành văn bản, bãi bỏ văn bản quy phạm pháp luật.
Đại biểu đề nghị nếu sửa đổi quy định này như dự thảo thì phải bổ sung giao Chính phủ hướng dẫn, bảo đảm tính thống nhất trong áp dụng và triển khai thực hiện.

Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị làm rõ UBND cấp xã, cá nhân chủ tịch UBND cấp xã sẽ được làm gì, văn bản của UBND cấp xã sẽ có hiệu lực thế nào. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương
Đồng thời, xem xét lại quy định về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của đặc khu cho thống nhất với quy định tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 2013 (dự thảo chưa có quy định về đặc khu tương đương với xã, phường), sửa đổi theo hướng xã, phường và đơn vị hành chính tương đương với xã, phường do Quốc hội quy định.
Đồng tình với đại biểu Bùi Sỹ Hoàn và cùng góp ý vào dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn, Ủy viên Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội đề nghị quy định cụ thể về thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật của UBND cấp xã phải thống nhất với quy định tại dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
"Người dân, doanh nghiệp đang rất mong chờ việc triển khai khi thay đổi các cấp chính quyền địa phương. Trong đó có việc đền bù, giải phóng mặt bằng, những nhiệm vụ, quyền hạn, văn bản quy phạm pháp luật đang thuộc thẩm quyền cấp huyện. Tôi đề nghị làm rõ thẩm quyền ban hành văn bản quy phạm pháp luật với chính quyền cấp xã, đặc khu. Trong đó, UBND cấp xã, cá nhân chủ tịch UBND cấp xã sẽ được làm gì, văn bản của UBND cấp xã sẽ có hiệu lực thế nào?", đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn đề nghị.
Đại biểu Nguyễn Ngọc Sơn cũng đánh giá việc cho phép văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND cấp huyện tiếp tục có hiệu lực trong phạm vi địa giới hành chính của cấp huyện đó trong khoảng thời gian nhất định để tránh khoảng trống pháp lý là cần thiết nhưng cần nghiên cứu kỹ lưỡng về khoảng thời gian để có lợi cho người dân, doanh nghiệp.

Đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương phát biểu ở hội trường sáng 16/5. Ảnh: Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND tỉnh Hải Dương
Sáng 16/5, phát biểu ở hội trường về dự thảo nghị quyết về một số cơ chế, chính sách đặc biệt tạo sự đột phá trong xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga tán thành cao với sự cần thiết ban hành nghị quyết.
Công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là công tác có tính chất đặc biệt quan trọng nhưng còn không ít khó khăn. Nhiều cơ quan, đơn vị thiếu cơ chế chủ động về tài chính, nhân sự; không có đủ điều kiện đãi ngộ xứng đáng cho những người trực tiếp làm công tác xây dựng pháp luật. Việc thu hút, sử dụng chuyên gia, trí thức giỏi còn bị bó hẹp trong khuôn khổ cứng nhắc; ứng dụng công nghệ vào quy trình xây dựng pháp luật còn chậm so với yêu cầu đổi mới.
Chính vì vậy, việc Quốc hội ban hành một nghị quyết chuyên biệt, có tính đột phá nhằm tạo cơ chế đặc thù về tài chính, nhân lực, công nghệ cho công tác xây dựng và tổ chức thi hành pháp luật là hoàn toàn xứng đáng và đúng tầm với vai trò quan trọng, chiến lược của công tác này.
Để tiếp tục hoàn thiện dự thảo nghị quyết, đại biểu Nguyễn Thị Việt Nga đề nghị làm rõ tính khả thi, có cơ chế cụ thể trong thành lập Quỹ hỗ trợ xây dựng chính sách, pháp luật ngoài ngân sách, hoạt động không vì lợi nhuận.
Đồng thời, bổ sung đại biểu HĐND chuyên trách, công chức Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội và HĐND các tỉnh, thành phố được hưởng chế độ, chính sách đối với người tham gia công tác xây dựng pháp luật.
Bổ sung nội dung “xây dựng hệ thống pháp luật thông minh, thân thiện, phục vụ trực tiếp cho người dân và doanh nghiệp trong việc tra cứu, tiếp cận, hiểu và áp dụng pháp luật”, hỗ trợ đa ngôn ngữ, thậm chí có thể tích hợp công nghệ trí tuệ nhân tạo để giải thích, gợi ý văn bản pháp luật phù hợp với tình huống cụ thể mà người dân đang quan tâm.