Làm rõ thêm về thị trường điện, cơ chế giá điện trong Luật Điện lực 2024
Tại Hội nghị phổ biến Luật Điện lực, nhiều nội dung liên quan đến thị trường điện cạnh tranh, cơ chế mua bán điện, giá điện đã được đề cập chi tiết.
Phát triển các cấp độ thị trường điện cạnh tranh
Thông tin tại Hội nghị phổ biến Luật Điện lực số 61/2024/QH15 (Luật Điện lực 2024) và các văn bản quy phạm pháp luật quy định chi tiết diễn ra sáng 4/4, bà Phan Thị Thu Thủy, chuyên viên chính Phòng Thị trường điện, Cục Điện lực (Bộ Công Thương) đã giới thiệu một số nội dung chủ yếu về quy định liên quan đến điều tiết thị trường.
Theo đó, bà Thủy cho biết, căn cứ Luật Điện lực số 61/2024/QH15, các nội dung về thị trường điện được quy định chủ yếu tại Chương V: Thị trường điện cạnh tranh và hoạt động mua bán điện bao gồm các điều khoản quy định tại Điều 38 về nguyên tắc hoạt động.

Bà Phan Thị Thu Thủy, chuyên viên chính Phòng Thị trường điện, Cục Điện lực (Bộ Công Thương). Ảnh: Thanh Tuấn
Điều 39 về phát triển các cấp độ thị trường điện cạnh tranh. Trong đó khoản 3 quy định “Thủ tướng Chính phủ quy định về điều kiện, cơ cấu ngành điện để hình thành và phát triển các cấp độ thị trường điện cạnh tranh; quy định nguyên tắc hoạt động, lộ trình phát triển thị trường điện cạnh tranh phù hợp với quy định tại khoản 11 Điều 5 của Luật này, khoản 2 Điều này và tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ”.
Điều 40 về đối tượng tham gia thị trường, trong đó khoản 2 quy định: “Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết về việc tham gia của các đối tượng quy định tại khoản 1 Điều này phù hợp với từng cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh”.
Điều 41 về mua bán điện trên thị trường điện cạnh tranh theo các cấp độ. Điều 42 về hoạt động, điều hành giao dịch trên thị trường điện cạnh tranh theo các cấp độ. Trong đó khoản 2 quy định: “Bộ trưởng Bộ Công Thương quy định chi tiết khoản 1 Điều này phù hợp với từng cấp độ phát triển của thị trường điện cạnh tranh…”.
Về các điều khoản sửa đổi, bổ sung quan trọng, bà Thủy cho hay, Luật Điện lực bổ sung quy định về mua bán thông qua hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện và bán điện, hợp đồng tương lai điện giữa bên bán điện và bên mua điện tại điểm c khoản 2 Điều 41 Luật Điện lực 2024;
“Bổ sung quy định về hợp đồng kỳ hạn điện, hợp đồng quyền chọn mua điện hoặc bán điện, hợp đồng tương lai điện tại Điều 45 Luật Điện lực 2024. Sửa đổi quy định về mua bán điện trực tiếp giữa khách hàng sử dụng điện lớn và đơn vị phát điện tại Điều 47 Luật Điện lực 2024”, chuyên viên chính Phòng Thị trường điện chỉ ra.
Bên cạnh đó, tại hội nghị, bà Thủy cũng thông tin về Nghị định số 57/2025/NĐ-CP của Chính phủ về quy định cơ chế mua bán điện trực tiếp giữa đơn vị phát điện năng lượng tái tạo và khách hàng sử dụng điện lớn. Nghị định bao gồm 31 Điều phân bổ trong 5 Chương, ngoài ra kèm theo 5 phụ lục.
Thông tin về các nội dung chính được sửa đổi tại Nghị định số 57/2025/NĐ-CP, bà Thủy cho biết, nghị định này có sửa đổi về căn cứ pháp lý ban hành nghị định sau khi Luật Điện lực 2024 được Quốc hội thông qua và có hiệu lực; bổ sung đối tượng tham gia mua bán điện trực tiếp qua lưới điện kết nối riêng bao gồm đơn vị phát điện năng lượng tái tạo theo quy định tại khoản 14 Điều 4 Luật Điện lực 2024.

Toàn cảnh hội nghị. Ảnh: Thanh Tuấn
Ngoài ra, nghị định cũng bổ sung đơn vị phát điện năng lượng tái tạo từ sinh khối, đối tượng tham gia mua bán điện trực tiếp qua lưới điện kết nối quốc gia; bổ sung khách hàng sử dụng điện lớn phục vụ mục đích kinh doanh dịch vụ sạc điện cho phương tiện giao thông sử dụng điện là đối tượng tham gia mua bán điện trực tiếp qua lưới điện kết nối quốc gia.
Đồng thời, Nghị định 57 cũng bỏ quy định báo cáo quý đối với trường hợp mua bán điện trực tiếp thông qua lưới điện quốc gia; bổ sung Điều khoản chuyển tiếp; làm rõ việc đăng ký tham gia cơ chế mua bán điện trực tiếp và trách nhiệm của các đối tượng áp dụng nghị định; cập nhật tham chiếu tới các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan.
Bà Thủy cũng thông tin thêm về hiệu lực thi hành được quy định tại Khoản 3 Điều 31, theo đó, trong thời hạn 15 ngày kể từ thời điểm nghị định này có hiệu lực, Tập đoàn Điện lực Việt Nam có trách nhiệm cập nhật tính toán, báo cáo Bộ Công Thương kết quả tính toán trước khi gửi đơn vị vận hành hệ thống điện và thị trường điện công bố trên trang thông tin điện tử thị trường điện các chi phí áp dụng cho năm 2025, bao gồm: Chi phí sử dụng dịch vụ hệ thống điện tính cho một đơn vị điện năng; chi phí thanh toán bù trừ chênh lệch tính cho một đơn vị điện năng; hệ số quy đổi theo tổn thất điện năng trên lưới điện phân phối.
Chính phủ quy định cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân
Tại hội nghị, ông Hồ Sỹ Quang, chuyên viên chính Phòng Quản lý giá điện, Cục Điện lực (Bộ Công Thương) đã giới thiệu một số nội dung chủ yếu về quy định liên quan đến giá điện.
Theo đó, chính sách giá điện và giá dịch vụ về điện được quy định tại khoản 12 Điều 5 Luật Điện lực 2024, trong đó bảo đảm phản ánh chi phí hoạt động sản xuất, kinh doanh điện hợp lý, hợp lệ của đơn vị điện lực; tạo điều kiện cho các thành phần kinh tế đầu tư phát triển điện lực có lợi nhuận hợp lý, tiết kiệm tài nguyên năng lượng, sử dụng các dạng năng lượng tái tạo, năng lượng mới trong hoạt động điện lực, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, đặc biệt là vùng nông thôn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi, biên giới, hải đảo và vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn.

Ông Hồ Sỹ Quang, chuyên viên chính Phòng Quản lý giá điện, Cục Điện lực (Bộ Công Thương). Ảnh: Thanh Tuấn
“Giá bán điện thực hiện theo cơ chế thị trường có sự điều tiết giá của nhà nước phù hợp với cấp độ thị trường điện cạnh tranh; giá điện bảo đảm khuyến khích sử dụng điện có hiệu quả và tiết kiệm”, ông Quang cho hay.
Thông tin về giá điện và giá dịch vụ về điện được quy định tại 3 Điều (từ Điều 50 đến Điều 52), chuyên viên chính Phòng Quản lý giá điện chỉ ra, giá bán lẻ điện do đơn vị bán lẻ điện xây dựng căn cứ chính sách giá điện, khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân, cơ chế điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân và cơ cấu biểu giá bán lẻ điện.
“Giá bán buôn điện theo hợp đồng mua buôn điện do các đơn vị điện lực thỏa thuận quy định tại điểm e khoản 12 Điều 5 của Luật Điện lực 2024: Bảo đảm quyền tự quyết định giá mua điện, giá bán điện không vượt quá khung giá điện, cơ cấu biểu giá bán lẻ điện do Nhà nước quy định”, ông Quang nhấn mạnh.
Ngoài ra, thẩm quyền xây dựng, trình, phê duyệt, quyết định giá điện bao gồm: Chính phủ quy định cơ chế, thời gian điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân; Thủ tướng Chính phủ quy định về cơ cấu biểu giá bán lẻ điện và khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân.
Liên quan đến mua bán điện với nước ngoài, chuyên viên chính Phòng Quản lý giá điện cho biết, giá nhập khẩu điện do bên mua điện và bên bán điện thỏa thuận phù hợp với khung giá nhập khẩu điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.
Giá xuất khẩu điện với nước ngoài do bên bán điện và bên mua điện thỏa thuận trên các nguyên tắc sau: Trường hợp xuất khẩu điện không thông qua hệ thống điện quốc gia, giá xuất khẩu điện không thấp hơn mức giá tối đa của khung giá phát điện trong nước tương ứng với loại hình phát điện do Bộ trưởng Bộ Công Thương ban hành.
“Trường hợp xuất khẩu điện với nước ngoài qua hệ thống điện quốc gia, giá xuất khẩu điện căn cứ quy định giá bán lẻ điện tại khoản 1 Điều 50 của Luật này và không thấp hơn giá tối đa của khung giá của mức giá bán lẻ điện bình quân trong nước”, ông Quang chỉ ra.
Luật Điện lực (sửa đổi) hay còn gọi Luật Điện lực 2024 sau khi được Quốc hội thông qua sẽ giải quyết được các khó khăn, vướng mắc của ngành điện hiện nay, bảo đảm an ninh năng lượng điện, hướng đến mục tiêu Net Zero.