Làm rõ tính khả thi khi bổ sung 3 triệu người tham gia bảo hiểm bắt buộc
Một trong những nội dung mới quan trọng của dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) là bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc. Theo Ủy ban Xã hội, cần làm rõ tính khả thi của các quy định này, đặc biệt là việc đảm bảo kinh phí khi triển khai chính sách.
Bổ sung 5 nhóm tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc
Nghị quyết số 28-NQ/TW đã đặt ra yêu cầu: “Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc sang các nhóm đối tượng khác”; “Rà soát, mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm chủ hộ kinh doanh, người quản lý doanh nghiệp, người quản lý, điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương, người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt”.
Thể chế hóa chủ trương này, dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được chuẩn bị trình Quốc hội bổ sung 5 nhóm tham gia BHXH bắt buộc gồm: Chủ hộ kinh doanh (có đăng ký kinh doanh); người quản lý doanh nghiệp, kiểm soát viên, người đại diện phần vốn nhà nước, người đại diện phần vốn của doanh nghiệp tại công ty và công ty mẹ, người quản lý điều hành hợp tác xã không hưởng tiền lương; người lao động làm việc không trọn thời gian (người lao động làm việc theo chế độ linh hoạt); người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố tương tự như đối với người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã; trường hợp không giao kết hợp đồng lao động hoặc thỏa thuận bằng tên gọi khác nhưng có nội dung thể hiện về việc làm có trả công, tiền lương và sự quản lý, điều hành, giám sát của một bên phù hợp với Bộ luật Lao động năm 2019. Dự kiến, tổng số người được mở rộng có cơ hội tham gia khoảng 3 triệu người.
Bên cạnh đó, để tạo sự chủ động của Chính phủ trong việc mở rộng việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các nhóm đối tượng khác phù hợp với bối cảnh sự thay đổi của quan hệ lao động, điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, đời sống của người lao động, tại khoản 6 Điều 3 dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) giao Chính phủ quy định việc tham gia BHXH bắt buộc đối với các đối tượng khác có thu nhập ổn định, thường xuyên phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội từng thời kỳ.
Thẩm tra nội dung này, Thường trực Ủy ban Xã hội đồng tình với việc mở rộng đối tượng tham gia BHXH bắt buộc như tờ trình của Chính phủ, tuy nhiên cũng đề nghị làm rõ hơn về tính khả thi của các quy định này.
Ngân sách hỗ trợ để mở rộng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm
Theo thống kê của Ngân hàng thế giới và Tổ chức Lao động Quốc tế, trong số các nước có thu nhập bình quân đầu người dưới 20 nghìn USD (thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam năm 2022 khoảng hơn 4 nghìn USD), thì trên thế giới chỉ có Trung Quốc, Hàn Quốc đạt được tỷ lệ bao phủ BHXH lên đến 60% và cùng với đó là việc ngân sách nhà nước phải hỗ trợ mức đóng rất lớn. Bài học của Trung Quốc khi đạt tỷ lệ bao phủ 75% thì trong đó 35% đến từ quy định BHXH bắt buộc và 40% đến từ quy định BHXH tự nguyện với sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước.
Đối với các nhóm đối tượng mở rộng cụ thể như tờ trình nêu, Thường trực Ủy ban Xã hội cho rằng cần làm rõ tính khả thi khi nhiều người trong số 4 nhóm đối tượng dự kiến mở rộng có mức thu nhập rất thấp. Trong trường hợp các nhóm đối tượng này bị ốm, cần thanh toán chế độ ốm đau thì ai sẽ là người xác nhận việc này, việc kiểm tra, giám sát ra sao?
Làm rõ kinh phí đảm bảo triển khai chính sách
Về đối tượng là chủ hộ kinh doanh, Ủy ban Xã hội và Ủy ban Tài chính, Ngân sách cùng có ý kiến đề nghị làm rõ lý do việc không mở rộng đối tượng tham gia BHXH là chủ hộ kinh doanh không thuộc diện phải đăng ký kinh doanh (thường là các hộ kinh doanh nhỏ lẻ, không ổn định, thu nhập thấp) và tính khả thi trong tổ chức thực hiện, nhất là việc xác định đối tượng để đóng BHXH bắt buộc. Theo số liệu thống kê, có khoảng trên 5 triệu hộ kinh doanh, trong đó có gần 2 triệu hộ có đăng ký kinh doanh.
Theo quy định của Luật BHXH năm 2014 thì chủ hộ kinh doanh không thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc. Thực tiễn thời gian qua, theo báo cáo của Chính phủ, mặc dù pháp luật chưa quy định “chủ hộ kinh doanh” thuộc đối tượng tham gia BHXH bắt buộc nhưng tại các địa phương đã có các chủ hộ đăng ký tham gia và cơ quan BHXH đã thu BHXH bắt buộc đối với đối tượng này (cả nước khoảng gần 4.000 chủ hộ).
Liên quan đến nhóm người lao động là người hoạt động không chuyên trách ở thôn và tổ dân phố, Ủy ban Xã hội nêu vấn đề người sử dụng lao động trong trường hợp này, phải chăng là UBND cấp xã? Mức đóng BHXH trên cơ sở nào? Khi giao quyền các địa phương tự cân đối trong tổng gói khoán chi phụ cấp cho người lao động là người hoạt động không chuyên trách thì việc thực hiện sẽ ra sao, xác định trên mức phụ cấp hay mức nào? “Cơ quan soạn thảo cần thể hiện rõ quan điểm về việc bảo đảm kinh phí đóng BHXH để các chính sách khả thi, khi cả nước có khoảng 100 nghìn thôn, tổ dân phố, nhiều tỉnh chưa cân đối được ngân sách, phải phụ thuộc vào ngân sách trung ương” - Ủy ban Xã hội đề nghị.
Theo quy định của pháp luật hiện hành về cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố thì người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố có không quá 3 chức danh (bao gồm bí thư chi bộ, trưởng thôn hoặc tổ trưởng tổ dân phố, trưởng ban công tác mặt trận) được hưởng phụ cấp hằng tháng.
Hiện nay, ngân sách trung ương thực hiện khoán quỹ phụ cấp để chi trả hằng tháng đối với người hoạt động không chuyên trách ở mỗi thôn, tổ dân phố tương tự như đối với những người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã. Theo số liệu tính đến 31/12/2022, cả nước có 405.032 người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, ở thôn, tổ dân phố, trong đó người hoạt động không chuyên trách ở thôn, tổ dân phố là 270.346 người.
Cần nhiều giải pháp đồng bộ để tăng tỷ lệ bao phủ bảo hiểm xã hội
Đồng tình với việc dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (BHXH) bắt buộc, song Ủy ban Xã hội cũng cho rằng, việc quy định mở rộng một số nhóm đối tượng thuộc diện tham gia BHXH bắt buộc của dự án luật không phải là “chìa khóa” duy nhất để đạt được mục tiêu về tăng tỷ lệ tham gia BHXH đã được Nghị quyết số 28 đề ra.
Để đạt mục tiêu trên, theo Ủy ban Xã hội, cần phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp như: vừa mở rộng đối tượng, vừa phải giữ người lao động ở lại hệ thống lâu dài, vừa phải tăng cường thực hiện tốt hơn quy định về khai trình lao động, kiểm soát thu nhập và tiền lương tốt hơn gắn với nâng cao thu nhập và mức sống cho người lao động; nâng cao tính tuân thủ của cả người lao động, người sử dụng lao động trong việc thực hiện pháp luật về lao động, pháp luật về BHXH; có các giải pháp hỗ trợ khi người lao động gặp khó khăn về tín dụng ưu đãi, việc làm, dạy nghề, chuyển đổi nghề nghiệp…
Ngoài ra Ủy ban Xã hội và Viện nghiên cứu lập pháp cho rằng, hiện nay thị trường lao động ở nước ta và xu hướng của nhiều quốc gia đã, đang và sẽ tiếp tục các mô hình kinh tế mới, như kinh tế hợp đồng (Gig), kinh tế hợp tác, kinh tế chia sẻ tài chính, kinh tế chia sẻ công việc..., làm xuất hiện nhóm người lao động mới (người vừa là người lao động vừa là chủ sử dụng lao động, lao động công nghệ, lao động tự do hoạt động trên sự chia sẻ công việc…), sẽ có đóng góp đáng kể của cho nền kinh tế. Tuy nhiên, dự án Luật chưa thể hiện rõ họ thuộc nhóm đối tượng áp dụng BHXH bắt buộc hay không, trong khi trên thế giới nhiều nước đã công nhận nhóm lao động này là làm công ăn lương.