Làm rõ trách nhiệm các bên về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng

Thảo luận hội trường chiều 10/11 về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi), nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Trước sự thay đổi của thực tiễn sản xuất, kinh doanh cũng như những yêu cầu, xu thế mới, tại buổi thảo luận ở hội trường của Kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa XV về dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) chiều 10/11, nhiều đại biểu bày tỏ quan tâm đến quy định về tổ chức xã hội tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Theo đại biểu Tống Văn Băng (Đoàn Hải Phòng), dự thảo luật cần quy định cụ thể hơn về tổ chức xã hội trong việc bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Bởi, nếu tất cả tổ chức xã hội cùng tham gia vào hoạt động này có thể xảy ra hoạt động tranh chấp, chồng chéo trong giao dịch nhằm đảm bảo công bằng cho các bên. Do vậy, không phải tất cả tổ chức xã hội tham gia hoạt động bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà cần có sự chọn lọc.

Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Tống Văn Băng phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Đại biểu Quốc hội thành phố Hải Phòng Tống Văn Băng phát biểu ý kiến. Ảnh: Văn Điệp - TTXVN

Hiện tại Việt Nam có rất nhiều tổ chức xã hội được thành lập hợp pháp với các cấp khác nhau. Qua thống kê sơ bộ khoảng hơn 100 hội khác nhau và riêng Hội Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng cũng có 56 hội. Trong trường hợp nếu các tổ chức xã hội này đều được tham gia bảo vệ quyền lợi bảo vệ người tiêu dùng là thành viên của mình theo quy định của dự thảo luật thì có thể sẽ làm cho các tranh chấp trong xã hội sẽ tăng lên. Đó là chưa kể làm cho việc sản xuất kinh doanh của các tổ chức kinh tế bị ảnh hưởng.

Đại biểu Tống Văn Băng chỉ ra thực tế, mối quan hệ dân sự, quyền của chủ thể này là nghĩa vụ của chủ thể kia và ngược lại. Do đó, nếu vô hình chung chỉ bảo vệ một chủ thể này, không tính toán quyền lợi của chủ thể khác thì sẽ ảnh hưởng đến công bằng giữa các chủ thể với nhau trong giao dịch.

Đại biểu Tống Văn Băng đề nghị, chỉ các tổ chức xã hội có liên quan trực tiếp đến việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng dễ bị tổn thương mới tham gia bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như: Hội Người cao tuổi, Hội Cứu trợ trẻ em tàn tật Việt Nam... Những chủ thể này sẽ có khả năng, điều kiện và trách nhiệm xã hội để thực hiện bảo vệ quyền lợi của mình mà không phải tất cả hội tham gia.

Góp ý về dự thảo luật ở bên lề kỳ họp, đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh) cho rằng, dự thảo chưa quy định rõ vai trò của Hội Bảo vệ người tiêu dùng nên để đi vào thực tế sẽ rất khó. Dự thảo luật cũng mới đề cập nhiều đến trách nhiệm của người dân phải tự bảo vệ, trách nhiệm của doanh nghiệp phải đền bù, bồi thường nhưng đề cập còn sơ sài tới vai trò của chủ thể Nhà nước.

"Chúng ta cần phải làm rõ nội dung này, bởi khi người dân sử dụng dịch vụ, mua sản phẩm xuất phát từ doanh nghiệp, hoạt động thương mại được cấp phép của Nhà nước thì phải được bảo hộ bởi Nhà nước, chứ không chỉ đơn thuần giống như mua tự do", đại biểu Phạm Khánh Phong Lan nhấn mạnh.

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh) trả lời bên lề Kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Đại biểu Phạm Khánh Phong Lan (Đoàn Tp. Hồ Chí Minh) trả lời bên lề Kỳ họp Quốc hội. Ảnh: Diệp Anh/BNEWS/TTXVN

Đơn cử, đối với trường hợp sử dụng thuốc giả trước đây, bên cạnh việc xử lý cán bộ Nhà nước cũng như doanh nghiệp sai phạm thì việc người dân đã sử dụng thuốc này ai đền bù, bồi thường. Trong khi thuốc này được Nhà nước cấp phép, mua bán hợp pháp, khác với hàng nhập lậu hay hàng giả được lén lút mua bán.

Do vậy, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi) cần bổ sung quy định để thấy vai trò, trách nhiệm của Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Đó cũng là cách gián tiếp để người dân, doanh nghiệp sống và làm việc theo pháp luật.

Về phía đại biểu Huỳnh Thị Phúc (Đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) đánh giá, việc ứng dụng khoa học công nghệ và công nghệ thông tin rất quan trọng để nâng cao trách nhiệm quản lý Nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Đại biểu Quốc hội tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu Huỳnh Thị Phúc phát biểu ý kiến. Ảnh: Doãn Tấn - TTXVN

Theo đó, cần bổ sung về trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc chủ trì, phối hợp xây dựng hệ thống, công cụ giám sát thị trường và cảnh báo sớm đối với các hàng hóa, dịch vụ có khả năng gây hại cho người tiêu dùng.

Bên cạnh đó, xem xét thiết kế quy định về trách nhiệm của Bộ Thông tin và Truyền thông trong phối hợp giám sát, gỡ bỏ thông tin trên các nền tảng số nhằm phát huy công tác phòng, chống hàng giả, cũng chính là bảo vệ người tiêu dùng từ sớm, từ xa./.

Ngọc Quỳnh – Diệp Anh/TTXVN

Nguồn Bnews: https://bnews.vn/lam-ro-trach-nhiem-cac-ben-ve-bao-ve-quyen-loi-nguoi-tieu-dung/268228.html