Làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành, địa phương trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông
Theo Chương trình Phiên họp thứ 37, ngày 25/9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ xem xét báo cáo của Đoàn giám sát chuyên đề của UBTVQH về 'Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023'. Trước đó, qua làm việc giữa Đoàn giám sát với Chính phủ về nội dung này, các đại biểu đề nghị cần làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành và chính quyền địa phương trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông.
Theo dự kiến Chương trình Phiên họp thứ 37, ngày 25/9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) sẽ xem xét báo cáo của Đoàn giám sát và thông qua Nghị quyết giám sát chuyên đề của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về “Việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông từ năm 2009 đến hết năm 2023”.
Trước đó, tại cuộc làm việc giữa Đoàn giám sát của UBTVQH với Chính phủ và qua giám sát tại các địa phương về nội dung này, các đại biểu đánh giá cao Báo cáo của Chính phủ và báo cáo của các bộ ngành Trung ương, đồng thời nhận thấy thời gian qua, Chính phủ đã có nhiều giải pháp để thực hiện bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cụ thể, Chính phủ đã chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt các bộ ngành và địa phương, ban hành nhiều văn bản chỉ đạo về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông; nghiên cứu các vướng mắc văn bản quy phạm pháp luật, từ đó có đề xuất, kiến nghị để tháo gỡ.
Công tác tuyên truyền, giáo dục, phổ biến pháp luật về bảo đảm trật tự, an toàn giao thông ở các địa phương được diễn ra thường xuyên, liên tục và hiệu quả nhằm nâng cao ý thức người dân. Các ý kiến cũng đánh giá cao công tác tuần tra, kiểm soát, xử lý vi phạm các vụ tai nạn giao thông với tinh thần trách nhiệm cao, góp phần kiềm chế tai nạn giao thông. Đáng chú ý, ở cả 5 lĩnh vực gồm đường bộ, đường sắt, đường thủy nội địa, đường hàng không dân dụng, hàng hải, tai nạn giao thông đều giảm ở cả 3 tiêu chí (giảm cả về số vụ, số người chết và số người bị thương qua các năm).
Tuy nhiên, các đại biểu đề nghị Chính phủ cần làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành và chính quyền địa phương trong việc bảo đảm trật tự, an toàn giao thông. Theo đó, làm rõ trách nhiệm của các bộ ngành và chính quyền địa phương trong việc phát triển hạ tầng giao thông; xem xét trách nhiệm do ai khi chỉ chú trọng lĩnh vực giao thông đường bộ, không cân đối với các loại hình giao thông khác (như đường sắt, đường thủy…); làm rõ hơn hạn chế, nguyên nhân, từ đó đề xuất giải pháp phù hợp với thực tiễn và hạ tầng giao thông hiện nay.
Qua thực tế giám sát tại các địa phương, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang - Phó Trưởng Đoàn giám sát cho biết, Đoàn giám sát đã nêu một số tồn tại, hạn chế và nguyên nhân, sau đó chỉ ra trách nhiệm của từng bộ ngành và chính quyền địa phương. Tuy nhiên, đại biểu đề nghị cần nêu rõ hơn trách nhiệm trong giải phóng mặt bằng khi mở rộng tuyến quốc lộ.
Đối với hạ tầng giao thông, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang nhận thấy, khi phát triển hệ thống giao thông, mở rộng tuyến quốc lộ, chúng ta biết trước người dân sống hai bên đường nhưng không có phương án giải phóng mặt bằng và đảm bảo hành lang an toàn giao thông. Do đó, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Nguyễn Trường Giang băn khoăn vấn đề này thuộc trách nhiệm của ai?
“Từ khi lập dự án đầu tư cho đến khi triển khai, không bố trí ngân sách để giải phóng mặt bằng và đảm bảo trật tự an toàn giao thông, vậy trách nhiệm này thuộc về ai? Thời gian tới, Chính phủ sẽ trình đối với dự án nhóm B và nhóm C tách phần giải phóng mặt bằng để giao cho địa phương triển khai thực hiện. Tôi cho rằng, việc Chính phủ trình như vật là hợp lý. Vừa qua, đối với các dự án, công trình quan trọng đã cho phép thí điểm thực hiện”, đại biểu Nguyễn Trường Giang nêu rõ.
Góp ý vào nội dung này, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đức Thuận nêu rõ, Báo cáo tóm tắt của Chính phủ đã chỉ ra 8 hạn chế, 6 nguyên nhân và 7 giải pháp, tuy nhiên vẫn còn chung chung, đề nghị Báo cáo của Chính phủ cần phân tích sâu, ở từng lĩnh giao thông (đường sắt, đường thủy…) cần có giải pháp đặc thù, từ việc đánh giá, làm rõ hơn hạn chế, nguyên nhân, giải pháp ở từng lĩnh vực cụ thể, qua đó làm rõ trách nhiệm cụ thể của các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan đến việc đảm bảo trật tự, an toàn giao thông.
Đối với lĩnh vực đường bộ, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh Trần Đức Thuận đề nghị cần rà soát các văn bản quy phạm pháp luật đã ban hành; còn đối với các lĩnh vực giao thông khác, đề nghị Chính phủ tiếp tục rà soát các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan đến lĩnh vực này để kịp thời kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung, khắc phục các vướng mắc tồn tại.
Nhấn mạnh việc nâng cao nhận thức người dân thời gian qua đã làm tốt, tuy nhiên đại biểu Trần Đức Thuận cho rằng, việc tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về an toàn giao thông vẫn còn hạn chế và mang tính hình thức. Do đó, đề nghị thời gian tới cần tiếp tục làm tốt công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ một cách thực chất và hiệu quả, về lâu dài sẽ giúp chuyển biến nhận thức của người dân trở thành ý thức tự nguyện, tự giác.
Quan tâm đến nguyên nhân và giải pháp trong Báo cáo của Chỉnh phủ, đại biểu Nguyễn Hải Dũng - Phó Trưởng Đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH tỉnh Nam Định cho rằng, về nguyên nhân, cần đánh giá sự gia tăng quá nhanh phương tiện cá nhân trong khi đầu tư xây dựng hạ tầng giao thông còn nhiều hạn chế.
“Qua tiếp xúc cử tri, các cử tri đã kiến nghị thực trạng này, ô tô cá nhân quá nhiều, kể cả vùng nông thôn cũng bị tắc nghẽn, nhất là dịp lễ Tết; các quốc lộ, tỉnh lộ thường xuyên tắc nghẽn. Vì thế, cử tri kiến nghị, đã đến lúc Nhà nước cần có biện pháp để hạn chế việc gia tăng các phương tiện ô tô cá nhân”, đại biểu Nguyễn Hải Dũng nêu rõ.
Với hạ tầng giao thông nước ta hiện nay, đại biểu Nguyễn Hải Dũng băn khoăn đã đến thời điểm chúng ta cần áp dụng các biện pháp để khống chế sự gia tăng ô tô cá nhân hay chưa? Đề nghị Bộ Giao thông vận tải quan tâm, xem xét thêm vấn đề này.
Bên cạnh đó, Báo cáo cũng nêu nguyên nhân: Công tác quy hoạch của nhiều địa phương mới chỉ chú trọng giao thông đường bộ, chưa chú trọng đến các lĩnh vực khác (như đường thủy, đường sắt, khu dân cư, cảng, bến thủy nội địa…), dẫn tới chưa phát huy tốt vai trò của cả 5 lĩnh vực. Đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị xem xét lại nhận định này, trách nhiệm này thuộc về ai, có phải của tỉnh và của địa phương hay không?
Bày tỏ băn khoăn về giải pháp mà Báo cáo của Chính phủ đưa ra, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị Đoàn giám sát cân nhắc về vấn đề quy trách nhiệm trực tiếp của người đứng đầu, lãnh đạo địa phương đối với tình hình trật tự, an toàn giao thông sao cho phù hợp hơn.
“Hạ tầng giao thông chưa đảm bảo an toàn, nhất là vấn đề đường ngang qua đường sắt ở địa phương chúng tôi có nhiều điểm tiềm ẩn nguy cơ tai nạn giao thông cao, đường dốc, không có rào chắn… Chính bản thân hạ tầng giao thông đó đã không tạo ra sự an toàn cho người tham gia giao thông thì làm sao lãnh đạo của địa phương đó lại phải chịu trách nhiệm? Do đó, tôi rất băn khoăn với giải pháp đưa ra”, đại biểu băn khoăn.
Vì vậy, đại biểu Nguyễn Hải Dũng đề nghị Đoàn giám sát cân nhắc nội dung này./.
Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=89289