Làm rõ trách nhiệm trong chậm lập, trình quy hoạch của ngành nông nghiệp

Chiều 01/3, cho ý kiến về việc triển khai thực hiện lập quy hoạch của ngành nông nghiệp, các thành viên Đoàn giám sát của Quốc hội cho rằng, mặc dù Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã rất nỗ lực triển khai lập 4 quy hoạch, nhưng đến nay việc lập, trình quy hoạch ngành quốc gia vẫn đang chậm tiến độ. Cần xác định rõ trách nhiệm của Bộ cũng như sự phối hợp với các Bộ, ngành trong vấn đề này.

Theo các đại biểu, trong 4 quy hoạch ngành quốc gia mà Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đang tổ chức triển khai lập, dự kiến 02 quy hoạch trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong Quý 1/2022; 02 quy hoạch trình phê duyệt trong Quý 2/2022. Như vậy là chậm so với tiến độ sau khi Luật Quy hoạch có hiệu lực thi hành. Bộ cần báo cáo rõ hơn trách nhiệm về vấn đề này.

Ông TRẦN VĂN KHẢI, Ủy viên Thường trực Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội:Bộ Nông nghiệp đã có báo cáo về sự lúng túng trong phối hợp thực hiện, chưa xây dựng cơ chế phối hợp. Như vậy ở đây là vấn đề chủ quan. Vậy thì ai lúng túng, ai không không phối hợp, đề nghị phải làm rõ vấn đề này. Đồng thời đề nghị cung cấp thêm tài liệu cho Đoàn giám sát về việc chỉ đạo thực hiện quy hoạch như thế nào; sự phân công của Bộ trưởng cho các Thứ trưởng, bộ máy điều hành đến đâu và các trường hợp được phân công đã làm hết trách nhiệm hay chưa."

Ông VŨ XUÂN HÙNG, Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội: “Đề nghị Bộ Nông nghiệp làm rõ hơn sự quan tâm chỉ đạo quy hoạch của Bộ Nông nghiệp đã đúng mức chưa, quyết liệt chưa, có bám vào Nghị quyết mà Chính phủ giao hay không. Tôi thấy bộ Nông nghiệp rất cầu thị nhưng trách nhiệm của Bộ chủ quản được giao, đã quyết liệt chưa, khó khăn ở chỗ nào.

Ông LÊ MINH HOAN, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn:Tiến độ quy hoạch là trễ rõ ràng, không trốn tránh gì. Nhưng cuối cùng đạt được bên cạnh thời gian thì chất lượng và tính khả thi, đưa quy hoạch phải đi vào cuộc sống. Quy hoạch của nông nghiệp khác với bộ ngành khác, hàng chục triệu người dân sản xuất, đòi hỏi thời gian, cách thức tổ chức vận hành, hệ thống.”

Các thành viên đoàn Giám sát cũng đề nghị Bộ làm rõ những khó khăn trong chia sẻ cơ sở dữ liệu quy hoạch cũng như sự phối hợp giữa Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn với các bộ, ngành, địa phương.

Bà TRẦN HỒNG NGUYÊN, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội: Chúng ta phải chỉ ra khó khăn, vướng mắc trong phối hợp với Bộ, ngành, địa phương nào. Nêu rõ bộ nào phối hợp tốt, bộ nào phối hợp không tốt. Đây là trách nhiệm của từng Bộ nhưng cũng là của cả hệ thống chính trị. Chính phủ cần có chấn chỉnh trong sự phối hợp và sự chia sẻ thông tin. Đây là nội dung quan trọng giúp cho công tác quy hoạch có tốt hay không.

Ông NGUYỄN LÂM THÀNH, Phó Chủ tịch Hội đồng Dân tộc của Quốc hội: “Nêu rõ quá trình phối hợp thực hiện các văn bản về quy hoạch, phối hợp với ngành tài nguyên môi trường và công thương như thế nào bởi có rất nhiều sự chồng lấn, đặc biệt là công thương, không thể bỏ qua vấn đề ngành hàng. Câu chuyện được mùa, mất giá, giải cứu thực chất là liên quan đến quy hoạch, không đơn thuần chỉ là vấn đề thị trường.

Ông PHÙNG ĐỨC TIẾN, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn: "Trong quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng, chúng tôi đều có văn bản trên 4 quy hoạch này gửi các Bộ, địa phương để khi triển khai đồng bộ có đủ căn cứ pháp lý. Tất cả các quy hoạch đều có căn cứ pháp lý khi trình."

Các thành viên Đoàn giám sát cũng đề nghị Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn làm rõ việc chỉ xây dựng 4 quy hoạch như trên, bỏ quy hoạch 35 ngành hàng để chuyển sang các Chiến lược, Chương trình, Đề án liệu có bao quát hết được các lĩnh vực như trồng trọt, chăn nuôi; công tác tư vấn lập quy hoạch; vấn đề tích hợp quy hoạch cũng như sự hướng dẫn, góp ý của Bộ đối với quy hoạch các địa phương./.

Thực hiện : Khắc Phục Vũ Hiếu Sỹ Cường

Nguồn Quốc Hội TV: https://www.quochoitv.vn/lam-ro-trach-nhiem-trong-cham-lap-trinh-quy-hoach-cua-nganh-nong-nghiep