Làm rõ trách nhiệm việc chuyển nguồn ngân sách
ĐBP - Một trong những nội dung tại kỳ họp thứ 12, HÐND tỉnh khóa XIV (nhiệm kỳ 2016 - 2021) được các đại biểu, cử tri quan tâm là việc chi chuyển nguồn vốn ngân sách Nhà nước trên địa bàn tỉnh thời gian qua có xu hướng tăng lên. Công tác quản lý, sử dụng kinh phí chuyển nguồn bộc lộ một số hạn chế đã làm giảm hiệu lực, hiệu quả chi ngân sách Nhà nước.
Ðại biểu Tẩn Minh Long nêu câu hỏi chất vấn tại hội trường. Ảnh: Hà Linh
Chi chuyển nguồn là việc chuyển nguồn kinh phí ngân sách năm trước sang năm sau để thực hiện các khoản chi đã được bố trí trong dự toán năm trước hoặc dự toán bổ sung, nhưng đến hết thời gian chỉnh lý chưa thực hiện hoặc thực hiện chưa đáp ứng các điều kiện nhất định. Ðể quản lý chặt chẽ, giảm mạnh số chi chuyển nguồn ngân sách Nhà nước, UBND tỉnh đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, điều hành công tác chuyển nguồn sang năm sau nhưng việc thực hiện vẫn còn hạn chế.
Theo thống kê, đến nay số chuyển nguồn trên địa bàn tỉnh là 2.264 tỷ đồng và có xu hướng tăng lên. Sự gia tăng chi chuyển nguồn trong thời gian qua cho thấy còn nhiều tồn tại trong chi ngân sách Nhà nước; nhiều mục chi đã được lập dự toán nhưng vì những lý do khác nhau không thực hiện được. Trong khi đó một số nhiệm vụ quan trọng nhưng không thực hiện do không được bố trí ngân sách, nguồn lực tài chính. Bên cạnh đó, nhiều khoản kinh phí tuy được chuyển qua nhiều năm song không được thực hiện quyết liệt, làm giảm hiệu quả, hiệu lực chi ngân sách Nhà nước, đặc biệt trong bối cảnh cân đối thu, chi ngân sách còn khó khăn.
Trong tổng số 2.264 tỷ đồng chuyển nguồn, thì trong lĩnh vực chi đầu tư là 1.425 tỷ đồng. Một số dự án phải chi chuyển nguồn ngân sách Nhà nước như: Dự án Chương trình Ðô thị miền núi phía Bắc trên địa bàn TP. Ðiện Biên Phủ. Cụ thể, năm 2018 dự án này phải chuyển nguồn trên 20 tỷ đồng sang thực hiện trong năm 2019. Về vấn đề này, ông Nguyễn Phi Sông, Giám đốc Sở Kế hoạch và Ðầu tư giải trình: Ðối với tỉnh ta, năng lực chủ đầu tư, đơn vị tư vấn còn nhiều hạn chế, dẫn đến tình trạng quản lý dự án chưa hiệu quả, chậm tiến độ. Nhiều dự án liên quan đến việc phải chuyển đổi đất rừng, thủ tục chuyển đổi mất nhiều thời gian; công tác giải phóng mặt bằng chậm, như dự án Chương trình Ðô thị miền núi phía Bắc. Mặt khác, do nhiều đơn vị sử dụng ngân sách triển khai nhiệm vụ chậm dẫn đến phải chuyển nguồn. Công tác giao bổ sung vốn từ Trung ương chậm khiến nhiều địa phương không kịp chi dẫn đến phải chuyển nguồn. Một số khoản kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách Trung ương được cấp vào cuối năm nên địa phương chưa kịp triển khai. Ðiều này xảy ra chủ yếu đối với khoản kinh phí thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia. Tình trạng kinh phí của các dự án được chuyển từ năm trước sang năm sau nhưng không thực hiện, tiếp tục chuyển năm sau nữa làm giảm tính hiệu quả của việc quản lý, sử dụng vốn chương trình mục tiêu quốc gia.
Liên quan đến việc chuyển nguồn chi thường xuyên, ông Hà Quang Trung, Giám đốc Sở Tài chính cho biết: Trong lĩnh vực chi thường xuyên, có 839 tỷ đồng phải chuyển nguồn; trong chi thường xuyên thì chi cân đối 320 tỷ đồng. Ðiển hình, dự án đường Võ Nguyên Giáp chuyển nguồn từ năm 2017 sang năm 2018 là 73 tỷ đồng. Nguyên nhân chuyển là do quy trình, thủ tục dự án phải điều chỉnh một số hạng mục nên thời gian kéo dài, dẫn đến phải chuyển nguồn sang năm sau để tiếp chi. Còn lại chủ yếu là chuyển nguồn của các chương trình an sinh xã hội, cân đối thủy lợi phí, bảo vệ đất trồng lúa và chính sách hỗ trợ nông nghiệp. Chuyển nguồn đối với các chương trình mục tiêu quốc gia vốn sự nghiệp là 18,7 tỷ đồng, trong đó chương trình giảm nghèo bền vững là 10,9 tỷ đồng, nông thôn mới 7,8 tỷ đồng, chương trình mục tiêu khác là 439 tỷ đồng... Ðối với kinh phí sắp xếp ổn định dân cư thuộc Ðề án 79 chuyển nguồn hơn 282 tỷ đồng có nguyên nhân do vướng cơ chế chính sách giữa Bộ Kế hoạch - Ðầu tư và Bộ Tài chính. Cụ thể, việc thu hồi đất của người dân sở tại phân cho dân mới đến và bồi thường giải phóng mặt bằng thì quan điểm của Bộ Kế hoạch - Ðầu tư là dùng vốn sự nghiệp, còn Bộ Tài chính cho rằng sử dụng vốn đầu tư. Trong lúc chưa được Chính phủ quyết định thì Bộ Tài chính có văn bản đồng ý cho tỉnh tạm ứng vốn sự nghiệp để thực hiện công tác giải phóng mặt bằng, nhằm đẩy nhanh tiến độ dự án. Theo quy định, toàn bộ số vốn này đã đưa ra khỏi ngân sách, nhưng thực tế là vẫn đang tạm ứng, vì vậy chưa được quyết toán và phải tiếp tục chuyển nguồn để theo dõi. Ngoài ra, chuyển nguồn từ các chương trình hỗ trợ y tế giai đoạn II từ vốn viện trợ của Na Uy là 80,3 tỷ đồng; chương trình giáo dục miền núi 31,5 tỷ đồng; chương trình phát triển lâm nghiệp bền vững 16,5 tỷ đồng; dân tộc Si La 3,8 tỷ đồng... do có văn bản hướng dẫn thực hiện Luật Ðầu tư công đối với vốn kéo dài kế hoạch vốn thì được thanh toán đến hết 31/12 của năm sau.
Trên cơ sở những phân tích, đánh giá về số chi chuyển nguồn, nguyên nhân và trách nhiệm của các cá nhân, tổ chức có liên quan về những lỗi, sai sót trong quá trình quản lý, điều hành, sử dụng kinh phí chuyển nguồn, đại biểu HÐND tỉnh đề nghị UBND tỉnh cần có những giải pháp phù hợp nhằm chấn chỉnh, khắc phục cũng như xử lý trách nhiệm. Từ đó, góp phần nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý, sử dụng ngân sách Nhà nước nói chung và chi chuyển nguồn nói riêng. Ðồng thời, tăng cường cải cách hành chính, sự phối hợp giữa chủ đầu tư và các ban, ngành liên quan để tháo gỡ kịp thời khó khăn; tăng cường hơn nữa công tác kiểm tra, đôn đốc tiến độ, đặc biệt là vai trò, trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan, đơn vị.