Làm rõ vai trò của tôn giáo trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, chuẩn mực con người Việt Nam
Chiều 23/4, tại Hà Nội, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức hội thảo khoa học với chủ đề 'Tôn giáo trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh mới'.
Hội thảo thu hút sự tham gia của nhiều chuyên gia, nhà nghiên cứu trong lĩnh vực tôn giáo, văn hóa và phát triển con người.

Hội thảo tôn giáo trong xây dựng hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ chuẩn mực con người Việt Nam trong bối cảnh mới. Ảnh - TTXVN
Phát biểu khai mạc, Giáo sư - Tiến sĩ Lê Văn Lợi, Phó Giám đốc Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh, nhấn mạnh tôn giáo từ lâu đã đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành và bồi đắp các giá trị văn hóa, gia đình và chuẩn mực đạo đức của con người Việt Nam. Tuy nhiên, việc nhận diện rõ vai trò của tôn giáo trong xây dựng hệ giá trị quốc gia hiện nay là một vấn đề học thuật phức tạp, đòi hỏi cách tiếp cận khách quan, khoa học và thuyết phục.
Tại hội thảo, các đại biểu thống nhất nhận định rằng tôn giáo nào cũng đề xướng các giá trị hướng thiện, góp phần xây dựng nhân cách, đạo đức, lối sống, từ đó làm phong phú thêm hệ giá trị con người Việt Nam. Tôn giáo đồng thời đóng vai trò như “rào chắn” bảo vệ bản sắc văn hóa dân tộc trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Phạm Duy Đức, nguyên Viện trưởng Viện Văn hóa và Phát triển, cho rằng văn hóa trong tôn giáo chính là nền tảng quan trọng để duy trì, phát triển văn hóa dân tộc, đồng thời định hình các chuẩn mực đạo đức xã hội và củng cố khối đại đoàn kết dân tộc. Tôn giáo không chỉ là niềm tin cá nhân mà còn là lực lượng góp phần định hướng tư duy, hành vi và trách nhiệm công dân.
Dưới góc nhìn văn hóa - xã hội, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hồng Dương, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu tôn giáo, khẳng định tôn giáo là một bộ phận không thể tách rời của văn hóa dân tộc. Ông nhấn mạnh khái niệm “an ninh tinh thần” – một yếu tố ngày càng cần thiết trong bối cảnh các giá trị văn hóa đang đứng trước nhiều thách thức từ sự xâm lấn của các xu hướng tiêu dùng và lối sống thực dụng.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Đỗ Lan Hiền, nguyên Viện trưởng Viện Dân tộc và Tôn giáo, cảnh báo rằng tư duy duy nghiệm, duy tình phổ biến trong xã hội Việt Nam hiện nay đang là lực cản lớn đối với sự phát triển tư duy lý luận và quá trình hội nhập. Theo bà, cần khai thác các giá trị tôn giáo nhằm thúc đẩy sự chuyển hóa trong nhận thức và hành động xã hội.
Đáng chú ý, các đại biểu cũng phân tích mối liên hệ chặt chẽ giữa hệ giá trị tôn giáo và hệ giá trị gia đình – nền tảng cốt lõi của hệ giá trị quốc gia. Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hùng Hậu, nguyên Phó Viện trưởng Viện Triết học, nhận định rằng dù mỗi tôn giáo có sắc thái riêng, nhưng đều góp phần củng cố đạo đức gia đình và xã hội, tạo nên nền tảng cho một xã hội công bằng, bình đẳng, dân chủ, khoan dung và đoàn kết – những đặc tính cần thiết cho hệ giá trị quốc gia trong thời kỳ đổi mới và hội nhập.
Hội thảo là một diễn đàn khoa học có ý nghĩa thiết thực nhằm gợi mở những hướng tiếp cận mới trong việc xác lập và phát huy các giá trị cốt lõi của dân tộc Việt Nam, với vai trò không thể thiếu của tôn giáo như một phần của đời sống tinh thần và văn hóa.