Làm rõ vai trò danh nhân Lưu Đình Chất trong truyền thống hiếu học, khoa bảng

Ngày 6/7, tại Thanh Hóa diễn ra Hội thảo 'Vai trò của danh nhân Lưu Đình Chất trong lịch sử dân tộc và việc bảo tồn, phát huy các giá trị di sản'.

PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ phát biểu.

PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ phát biểu.

Hội thảo khoa học do Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa, Hội đồng Lưu tộc Việt Nam, UBND huyện Hoằng Hóa, UBND xã Hoằng Quỳ phối hợp tổ chức. Tham dự hội thảo có các Giáo sư, Tiến sĩ, nhà khoa học đến từ Viện Sử học, Viện Văn học, Viện Nghiên cứu Hán Nôm, Trung tâm Tiền sử Đông Nam Á, Trường Đại học Đại Nam...

Hội thảo khoa học với mục tiêu là: Xác định rõ thân thế, sự nghiệp, công trạng và truyền thống tốt đẹp của danh nhân Lưu Đình Chất; Đồng thời kiến nghị các giải pháp tôn vinh danh nhân xứng tầm với công trạng của một đại quan đỗ Hoàng Giáp, Tể tướng, tước Thiếu bảo, Phúc Quận công và là tiêu biểu về mưu lợi và trừ hại cho dân.

 Đại biểu tham luận tại hội thảo.

Đại biểu tham luận tại hội thảo.

Danh nhân Lưu Đình Chất người thôn Đông Khê, xã Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, nguyên quán tại phường Hải Sơn, Đồ Sơn, Hải Phòng. Ông là đại quan triều đình tài đức vẹn toàn, được đánh giá là Danh nhân văn hóa, giàu tài năng trị quốc, ngoại giao và văn chương, đóng góp nhiều công tích cho dân tộc. Ông đạt đến đỉnh cao phẩm chất chính trị nhân văn, được thể hiện ở niềm khát khao mưu lợi, trừ hại cho dân, được vua chúa khen ngợi và nhân dân ghi công biết ơn.

Lưu Đình Chất (1566-1627) làm quan triều Lê; khi đậu thi hương, được ban chức Cấp sự trung Lại khoa (Chánh bát phẩm).

Năm 1607, ông thi đỗ Đình nguyên - Hoàng Giáp (đệ nhị giáp Tiến sĩ) cùng 4 người đỗ đệ tam giáp tiến sĩ xuất thân.

Năm 1613, Tiến sĩ Lưu Đình Chất được thăng chức Tự khanh, tước Nhân Lĩnh bá, được cử làm Chánh sứ sang cống nhà Minh. Khi về nước được thăng Tả thị lang bộ Lại, tước Nhân Lĩnh hầu.

Tiến sĩ Lưu Đình Chất là một đại quan triều đình tài đức vẹn toàn, hậu duệ đời thứ 21 của Thái sư Lưu Cơ, đã thừa kế trọn vẹn tài năng và truyền thống tốt đẹp của Thái sư, được đánh giá là Danh nhân văn hóa, giàu tài năng trị quốc, ngoại giao và văn chương, đóng góp nhiều công tích cho dân tộc.

Tiến sĩ Lưu Đình Chất được phối thờ tại đình Đông Khê, thờ tự tại Nhà thờ họ Lưu ở thôn Đông Khê và tại hai cụm di tích cấp quốc gia đền - chùa Hà Cát và Diêm Điền, huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định.

Đình Đông Khê và lăng mộ ông được xếp hạng di tích cấp tỉnh năm 1993.

Tên của ông được đặt cho trường THPT Lưu Đình Chất giai đoạn 2010-2019 tại xã Hoằng Quỳ, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Mong có đường phố, trường học mang tên danh nhân Lưu Đình Chất

Tại hội thảo, Tiến sĩ Lưu Văn Thành - Chủ tịch Hội đồng Lưu tộc Việt Nam khẳng định, Hoàng giáp Lưu Đình Chất được đánh giá là danh nhân giàu tài năng trị quốc, ngoại giao và văn chương; đóng góp nhiều công tích cho dân tộc; đạt đến đỉnh cao phẩm chất chính trị nhân văn... ông là tấm gương sáng cho hậu thế noi theo.

 Quang cảnh hội thảo.

Quang cảnh hội thảo.

Còn tại tham luận của PGS.TS Hoàng Thanh Hải - Phó Chủ tịch Hội Khoa học Lịch sử Thanh Hóa nhấn mạnh đến truyền thống khoa bảng và danh nhân tiêu biểu Lưu Đình Chất. Trong đó trích đoạn trong cuốn sách Lịch triều hiến chương loại chí của Phan Huy Chú viết: “Huyện Hoằng Hóa phủ Hà Trung, thường có nhiều người văn nho, đỗ đạt rất nhiều. Cả huyện có 36 người đỗ, như Lương Đắc Bằng ở làng Hội Trào là người đỗ cao, giúp đời Hồng Thuận bày nhiều kế hoạch giỏi, Lưu Đình Chất ở làng Quỳ Chử đỗ Chánh bảng (Tiến sĩ) giúp đời trung hưng trừ nạn trong nước, là một người có danh tiếng tốt trong các triều đại”(3).

Trên cơ sở nội dung báo cáo, tham luận, ý kiến được trình bày tại hội thảo, PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ - Chủ tịch Hội đồng khoa học (Viện Sử học Việt Nam) đã tổng kết, kiến nghị một số vấn đề quan trọng đến các cấp, ngành có thẩm quyền: Di sản Lưu Đình Chất ở thôn Đông Khê xứng đáng được bảo tồn, phát huy giá trị.

Theo PGS.TS Nguyễn Đức Nhuệ thời gian tới, cần có quy hoạch, thiết kế, phục hồi tôn tạo các hạng mục như: Đền thờ Lưu Đình Chất; Văn chỉ hàng tổng; khu mộ Lưu Đình Chất; bổ sung tài liệu vào hồ sơ di tích, kiến nghị với các cơ quan có thẩm quyền xét nâng cấp xếp hạng Di tích đình Đông Khê là di tích cấp quốc gia, lập hồ sơ khoa học đề nghị xếp hạng di tích Nhà thờ họ Lưu Đình là di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh.

Bên cạnh đó, đặt tên danh nhân Lưu Đình Chất cho một số tuyến đường phố trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa; đặt tên danh nhân Lưu Đình Chất cho trường học ở xã Hoằng Quỳ và huyện Hoằng Hóa; công trạng của danh nhân Lưu Đình Chất xứng đáng được đưa vào sách giáo khoa giảng dạy chương trình lịch sử địa phương.

Phương Linh

Nguồn GD&TĐ: https://giaoducthoidai.vn/lam-ro-vai-tro-danh-nhan-luu-dinh-chat-trong-truyen-thong-hieu-hoc-khoa-bang-post690674.html