Làm rõ vai trò Mặt trận Tổ quốc, phân cấp mạnh cho địa phương
Trong đợt lấy ý kiến góp ý dự thảo nghị quyết sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, nhiều cán bộ, đoàn viên, hội viên bày tỏ sự quan tâm và đề xuất điều chỉnh phù hợp thực tiễn, tránh chồng chéo, phát huy tốt vai trò đại diện, tập hợp quần chúng của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ), tổ chức chính trị - xã hội, cùng các quy định về phân cấp, tổ chức bộ máy chính quyền.

* Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Đỗ Trần Thịnh:
CẦN PHÂN CẤP MẠNH CHO XÃ, PHƯỜNG
Liên quan đến tổ chức chính quyền địa phương tại Điều 112, Điều 114, Điều 115, tôi đề nghị phân cấp mạnh mẽ hơn cho địa phương, nhất là cấp xã, phường - nơi gần dân và giải quyết trực tiếp, kịp thời các vấn đề dân sinh; trao thêm thẩm quyền và nguồn lực để cấp cơ sở chủ động, linh hoạt trong phục vụ nhân dân. Tôi cũng đề xuất Quốc hội xem xét công nhận các phường trung tâm của tỉnh nơi đặt trụ sở các cơ quan đầu mối cấp tỉnh là thành phố thuộc tỉnh nhằm phân biệt với các phường còn lại, phù hợp vai trò điều phối, phát triển kinh tế - xã hội.
Theo quy định hiện hành, MTTQ Việt Nam là cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, là liên minh tự nguyện của các tổ chức chính trị - xã hội và cá nhân tiêu biểu nhằm giám sát, phản biện xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền và đại diện, bảo vệ quyền lợi chính đáng của nhân dân. Vì vậy, Mặt trận không phải là cơ quan hành chính quản lý các hội, do đó tôi đề xuất điều chỉnh cụm từ “trực thuộc MTTQ Việt Nam” thành “hoạt động phối hợp thống nhất dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam” trong dự thảo nghị quyết để phù hợp bản chất liên minh tự nguyện, bình đẳng và tăng hiệu quả phối hợp.

* Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Giang Thành Huỳnh Trọng Đức:
MÔ HÌNH CHÍNH QUYỀN 2 CẤP KHẮC PHỤC TÌNH TRẠNG ĐÙN ĐẨY TRÁCH NHIỆM
Việc sửa đổi Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 là cần thiết để phục vụ cho sự phát triển của đất nước. Thời gian qua, mô hình chính quyền 3 cấp phát huy vai trò, đóng góp tích cực trong các giai đoạn xây dựng, phát triển và bảo vệ đất nước. Tuy nhiên, trước yêu cầu đẩy mạnh công nghệ số, các thành tựu khoa học, kỹ thuật, công nghệ trong quản trị quốc gia và địa phương, việc tổ chức đơn vị hành chính theo 3 cấp bộc lộ sự chậm chạp trong vận hành bộ máy, kém linh hoạt, kém hiệu quả, chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, gây lãng phí nguồn lực của đất nước, chưa phát huy được tối đa tiềm năng, lợi thế của từng đơn vị hành chính.
Việc bỏ cấp hành chính trung gian là bước đi mạnh mẽ của Đảng, Nhà nước trong cải cách hành chính. Mô hình chính quyền 2 cấp sẽ đẩy mạnh phân cấp, phân quyền rõ ràng, khắc phục tình trạng chồng chèo, đùn đẩy trách nhiệm. Đặc biệt, mô hình này tăng tính tự chủ cho đơn vị hành chính cấp dưới trong xử lý công việc, trong quy hoạch, trong kêu gọi, thu hút đầu tư, trong định hướng phát triển…

* Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam huyện Châu Thành Lý Mộng Trinh:
QUY ĐỊNH RÕ MỐI QUAN HỆ GIỮA MTTQ VÀ CÁC TỔ CHỨC THÀNH VIÊN
Tại khoản 1, Điều 9 có nêu rõ: “MTTQ Việt Nam là bộ phận của hệ thống chính trị của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, do Đảng Cộng sản Việt Nam lãnh đạo”, tôi cho rằng nội dung này là cần thiết và phù hợp. Việc quy định như trên thể hiện rõ vai trò, vị trí chính trị quan trọng của MTTQ trong hệ thống chính trị, đồng thời khẳng định mối quan hệ gắn bó giữa Mặt trận với Đảng và Nhà nước.
Tôi đề nghị cần quy định rõ hơn về mối quan hệ giữa MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội như Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam. Hiện các tổ chức này có chức năng, nhiệm vụ cốt lõi tương đối giống nhau, cùng hướng đến đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các tầng lớp nhân dân, tuy nhiên lại hoạt động riêng rẽ theo ngành, lĩnh vực, dễ dẫn đến tình trạng chồng chéo về đối tượng, nội dung hoạt động và phân bổ nguồn lực. Tôi đề xuất quy định theo hướng: “Công đoàn Việt Nam, Hội Nông dân Việt Nam, Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Hội Cựu chiến binh Việt Nam là các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc MTTQ Việt Nam”. Việc này sẽ giúp thống nhất đầu mối, phù hợp với chủ trương tinh gọn bộ máy.

* Phó Bí thư Thành đoàn Phú Quốc Lê Việt Anh:
HIẾN ĐỊNH CỤ THỂ CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ CỦA TỔ CHỨC ĐOÀN
Tôi cơ bản tán thành với các nội dung được lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013. Tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung Điều 10 theo hướng nhấn mạnh rõ hơn vị trí pháp lý và vai trò đặc thù của tổ chức Đoàn trong hệ thống chính trị. Cụ thể, Hiến pháp cần khẳng định: “Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh là tổ chức chính trị - xã hội của thanh niên Việt Nam, là đội dự bị tin cậy của Đảng Cộng sản Việt Nam; có nhiệm vụ giáo dục lý tưởng cách mạng, đạo đức, lối sống, truyền thống văn hóa dân tộc; đại diện, chăm lo và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của thanh thiếu nhi; tổ chức cho thanh niên rèn luyện, cống hiến và trưởng thành”.
Việc hiến định cụ thể chức năng, nhiệm vụ của tổ chức Đoàn sẽ tạo cơ sở pháp lý vững chắc để tổ chức Đoàn các cấp phát huy vai trò định hướng, tập hợp, giáo dục và phát triển thanh niên. Đồng thời, góp phần củng cố niềm tin và tinh thần trách nhiệm của thanh niên đối với tổ chức Đoàn, nhất là trong bối cảnh đất nước đang đẩy mạnh chuyển đổi số, hội nhập sâu rộng và phát triển nền kinh tế tri thức.

* Thiếu tá Trần Như Ý - Trưởng Ban Tuyên huấn, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng Kiên Giang:
TỔ CHỨC TRUNG TÂM CỦA KHỐI ĐẠI ĐOÀN KẾT TOÀN DÂN TỘC
Dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013 có rất nhiều điểm mới, quan trọng, mang tính chiến lược, trong đó tôi đặc biệt tâm đắc với Điều 9 trong dự thảo về vai trò, vị trí của MTTQ Việt Nam trong hệ thống chính trị. Trước đây, MTTQ Việt Nam đóng vai trò cầu nối giữa Đảng, Nhà nước với nhân dân thì với dự thảo sửa đổi, bổ sung Hiến pháp lần này, MTTQ Việt Nam sẽ chủ động hoạt động phản biện, giám sát, thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân trong tham gia quản lý nhà nước, từ đó nâng cao hơn nữa vị trí, vai trò của MTTQ Việt Nam là tổ chức trung tâm của khối đại đoàn kết toàn dân tộc.
Tôi tán thành cao quy định khái quát về các tổ chức chính trị - xã hội theo hướng khẳng định vị trí của các tổ chức này trực thuộc MTTQ Việt Nam; bổ sung, làm rõ nguyên tắc hoạt động của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên là hiệp thương dân chủ, phối hợp và thống nhất hành động dưới sự chủ trì của MTTQ Việt Nam.

* Chủ tịch Hội Luật gia huyện Tân Hiệp Phạm Văn Động:
CẦN QUY ĐỊNH RÕ VAI TRÒ GIÁM SÁT, PHẢN BIỆN XÃ HỘI
Tôi tán thành cao với việc sửa đổi, bổ sung Điều 110 của Hiến pháp năm 2013 theo hướng quy định mô hình địa phương 2 cấp, đồng thời không quy định quá chi tiết về hệ thống các đơn vị hành chính với tên của từng loại đơn vị ở từng cấp như hiện nay. Quy định này sẽ tạo điều kiện để tiếp tục cụ thể hóa mô hình đơn vị hành chính và chính quyền địa phương 2 cấp.
Tôi cũng đề nghị Hiến pháp cần quy định rõ hơn nữa vai trò, vị trí của MTTQ và các tổ chức chính trị - xã hội, hội quần chúng trong giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền. Thực tế thời gian qua cho thấy, MTTQ, các đoàn thể và hội quần chúng các cấp là kênh thông tin quan trọng, giúp Đảng và Nhà nước nắm bắt kịp thời tâm tư, nguyện vọng của nhân dân.