Làm rõ vấn đề ô nhiễm môi trường trong chăn nuôi và tình trạng quá tải tại nhiều bãi rác thải

Tại phiên chất vấn và trả lời chất vấn diễn ra chiều 13/12, các đại biểu HĐND tỉnh khóa XVIII đã chất vấn Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) Lê Sỹ Nghiêm để làm rõ tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất, chăn nuôi còn xảy ra tại một số địa phương; tình trạng quá tải tại nhiều bãi rác trên địa bàn tỉnh gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sức khỏe của người dân và tiến độ triển khai các dự án xử lý chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) còn chậm.

Toàn cảnh phiên chất vấn.

Toàn cảnh phiên chất vấn.

Trả lời phiên chất vấn, tư lệnh ngành TN&MT cho biết: Trên địa bàn tỉnh có 671 cơ sở (595 cơ sở sản xuất, 76 trang trại) thuộc đối tượng lập báo cáo đánh giá tác động môi trường, cấp giấy phép môi trường thuộc thẩm quyền cấp bộ, tỉnh. Trong đó, có khoảng 152 cơ sở thuộc nhóm có nguy cơ ô nhiễm môi trường, chiếm 22,7%; nhóm không thuộc loại hình có nguy cơ ô nhiễm môi trường nhưng thường phát sinh nhiều bụi trong quá trình hoạt động là 318 cơ sở, chiếm 47,4%...

Thời gian qua, tình trạng gây ô nhiễm môi trường do một số cơ sở sản xuất, chăn nuôi còn xảy ra ở một số địa phương, ảnh hưởng đến đời sống và gây bức xúc trong Nhân dân như: Các cơ sở chế biến hải sản ở khu vực thị xã Nghi sơn, huyện Hậu Lộc phát sinh mùi hôi, khó chịu; một số trang trại chăn nuôi quy mô lớn và nhỏ trên địa bàn các huyện Thường Xuân, Lang Chánh, Thạch Thành, Hoằng Hóa, Thiệu Hóa... gây mùi và xả nước thải chưa đạt yêu cầu ra môi trường.

Trước thực trạng trên, các đại biểu HĐND tỉnh đã đặt nhiều câu hỏi và đề nghị tư lệnh ngành TN&MT làm rõ nguyên nhân, trách nhiệm và giải pháp khắc phục.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Lê Thị Hương (Tổ đại biểu huyện Thọ Xuân) liên quan đến việc quản lý các cơ sở sản xuất vàng mã nằm dọc bờ sông Mã thuộc các địa phương như Quan Hóa, Quan Sơn, Bá Thước và công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở trên, tư lệnh ngành TN&MT Lê Sỹ Nghiêm cho biết: Năm 2021, UBND tỉnh đã thành lập đoàn thanh tra liên ngành, thanh tra toàn diện công tác bảo vệ môi trường (BVMT) đối với 18 cơ sở sản xuất giấy vàng mã trên địa bàn các huyện Quan Sơn, Quan Hóa, Bá Thước, Lang Chánh và TP Thanh Hóa. Quá trình thanh tra cho thấy, các cơ sở đều có các hành vi vi phạm quy định về đất đai, đầu tư xây dựng, tài nguyên nước và BVMT ở các mức độ khác nhau, các hành vi vi phạm đã được ngành nhắc nhở, xử lý theo quy định. Đến nay, các cơ sở trên đều đã đầu tư khu xử lý nước thải; quá trình hoạt động có giám sát của ngành chức năng, chính quyền địa phương.

Liên quan đến câu hỏi của đại biểu Cao Tiến Đoan, Tổ đại biểu TP Sầm Sơn về nguyên nhân, giải pháp căn cơ để khắc phục tình trạng quá tải ở các bãi rác thải, Giám đốc Sở TN&MT nêu rõ: Thời gian qua lượng rác thải hằng ngày vận chuyển về một số bãi chôn lấp rác trên địa bàn tỉnh rất lớn, dẫn đến tình trạng quá tải, gây ô nhiễm môi trường, ảnh hưởng đến khu vực xung quanh. Điển hình là bãi chôn lấp rác thải xã Đông Nam (Đông Sơn); bãi chôn lấp rác thải phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn); bãi chôn lấp rác thải phường Trung Sơn (TP Sầm Sơn).

Giải pháp để khắc phục tình trạng trên là Sở TN&MT sẽ tiếp tục phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố triển khai rộng rãi quy định về phân loại CTRSH tại nguồn theo quy định của Luật BVMT. Phối hợp với các sở tăng cường đôn đốc, yêu cầu các chủ đầu tư các dự án Nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Nam (Đông Sơn); phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn) và xã Quảng Minh (TP Sầm Sơn) khẩn trương hoàn thành đưa vào hoạt động để đóng cửa các bãi chôn lấp gây ô nhiễm môi trường. Về lâu dài sẽ tham mưu đầu tư các nhà máy xử lý rác công nghệ hiện đại quy mô lớn.

Ngành cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố tăng cường tuyên truyền cho Nhân dân về việc phân loại rác tại nguồn, giảm thiểu rác thải phải xử lý; đồng thời kiểm tra, giám sát các đơn vị được giao quản lý, vận hành các bãi chôn lấp rác phải thực hiện đúng quy trình xử lý rác thải, định kỳ đầm nén, che phủ bề mặt các ô chôn lấp, phun hóa chất để giảm thiểu mùi, thu gom, xử lý nước rỉ rác đúng quy định; kiểm soát lượng rác thải về bãi chôn lấp đảm bảo đúng phạm vi thu gom, loại chất thải.

Tại phiên chất vấn tư lệnh ngành TN&MT Lê Sỹ Nghiêm cũng đã làm rõ những khó khăn, vướng mắc, trách nhiệm của ngành và các đơn vị liên quan đến việc chậm triển khai dự án Nhà máy xử lý rác thải tại xã Đông Nam (Đông Sơn); Nhà máy đốt rác phát điện tại phường Đông Sơn (thị xã Bỉm Sơn); Nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt trại xã Quảng Minh (TP Sầm Sơn).

Giám đốc Sở TN&MT Lê Sỹ Nghiêm cho biết: Nguyên nhân chậm tiến độ là do thủ tục hành chính về dự án đầu tư còn phức tạp, thời gian thẩm định dự án kéo dài. Giai đoạn năm 2020-2022 diễn ra dịch bệnh COVID-19 ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện của các dự án; vướng mắc trong khâu giải phóng mặt bằng chậm được giải quyết... Đặc biệt, các nhà đầu tư dự án chưa tập trung toàn bộ nguồn lực để thực hiện sớm các hồ sơ thủ tục liên quan để triển khai dự án.

Đại biểu Cao Tiến Đoan đặt câu hỏi chất vấn.

Đại biểu Cao Tiến Đoan đặt câu hỏi chất vấn.

Trả lời câu hỏi của đại biểu Nguyễn Quốc Hải, Tổ đại biểu huyện Thiệu Hóa và đại biểu Nguyễn Ngọc Túy, Tổ đại biểu huyện Như Xuân về giải pháp đẩy nhanh tiến độ các dự án xử lý CTRSH, tư lệnh ngành TN&MT nhấn mạnh: Sở TN&MT tiếp tục đồng hành cùng các chủ đầu tư nhà máy xử lý CTRSH để kịp thời tháo gỡ khó khăn, đẩy nhanh tiến độ các dự án đã được chấp thuận chủ trương đầu tư. Đồng thời, tham mưu cho UBND tỉnh phê duyệt giá dịch vụ xử lý CTRSH sau khi Bộ TN&MT ban hành quy định về định mức kinh tế - kỹ thuật và quy trình kỹ thuật thu gom, vận chuyển và xử lý CTRSH; tham mưu cho UBND tỉnh tiếp tục có các văn bản chỉ đạo, đôn đốc chủ đầu tư khẩn trương hoàn thành, đưa dự án đi vào hoạt động theo đúng tiến độ và cam kết; thu hồi các dự án không hoàn thành hồ sơ thủ tục pháp lý theo quy định.

Cũng tại phiên chất vấn, Giám đốc Sở TN&MT đã trả lời câu hỏi của cử tri gửi đến kỳ họp qua đường dây nóng về giải pháp thực hiện quy định phân loại rác tại nguồn từ ngày 1/1/2025; đại diện lãnh đạo huyện Nông Cống trả lời nội dung liên quan đến câu hỏi của cử tri gửi đến kỳ họp về việc xả thải ảnh hưởng đến môi trường và việc xử lý sai phạm của ngành chức năng đối với Trang tại chăn nuôi bò sữa tại xã Yên Mỹ (Nông Cống). Theo đại diện lãnh đạo huyện Nông Cống, sau khi có phản ánh của người dân, huyện đã cử đơn vị lực lượng chức năng kiểm tra lấy mẫu nước thải gửi cơ quan chức năng kiểm nghiệm. Kết quả cho thấy, mẫu nước thải vượt quy chuẩn xả thải cho phép. Huyện đang hoàn thiện hồ sơ để xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Phát biểu kết luận nội dung chất vấn, đồng chí Lại Thế Nguyên, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh, Trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh nhấn mạnh: Vấn đề ô nhiễm môi trường là chủ đề được quan tâm rộng rãi không chỉ Nhân dân trong tỉnh, mà chính các đại biểu HĐND cũng đặc biệt quan tâm.

Phần trả lời chất vấn của Giám đốc Sở TN&MT phần nào cho thấy thực trạng ô nhiễm môi trường do một số cơ sở sản xuất, chăn nuôi gây ra và ô nhiễm môi trường tại các bãi rác, cũng như tiến độ chậm của các nhà máy xử lý rác thải trên địa bàn tỉnh thời gian qua. Qua chất vấn thấy được tinh thần chỉ đạo rất quyết liệt của UBND tỉnh trong việc xử lý vấn đề môi trường nói chung và các nội dung được chất vấn nói riêng.

Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên phát biểu kết luận nội dung chất vấn.

Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên phát biểu kết luận nội dung chất vấn.

Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên cơ bản thống nhất với những nhiệm vụ, giải pháp được Giám đốc Sở TN&MT nêu tại phiên chất vấn. Đồng thời nhấn mạnh một số nhiệm vụ và yêu cầu ngành chức năng, cấp ủy, chính quyền các cấp tập trung thực hiện trong thời gian tới. Đồng chí lưu ý, trong quá trình điều hành, chỉ đạo điều hành kinh tế - xã hội, các cơ quan chức năng tổ chức thực hiện nghiêm các quy hoạch đã ban hành, bao gồm cả quy hoạch tỉnh, quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch đô thị, quy hoạch vùng huyện... để làm cơ sở phòng ngừa, giảm thiểu tác động từ sự cố môi trường khi bố trí các cơ sở sản xuất, kinh doanh không đúng quy hoạch.

Cùng với đó phải tập trung chỉ đạo thu hút đầu tư và triển khai đầu tư hoàn thiện hạ tầng các khu công nghiệp, cụm công nghiệp, khu chăn nuôi tập trung cả của tỉnh và của huyện để bố trí tất cả các cơ sở sản xuất công nghiệp vào khu công nghiệp và cụm công nghiệp nhằm giảm thiểu và khắc phục tình trạng ô nhiễm môi trường do sản xuất gây ra.

Đồng chí nêu rõ: Trong điều kiện của tỉnh ta hiện nay cần phải nghiên cứu, cân nhắc theo hướng chỉ chấp thuận đầu tư các dự án chăn nuôi nếu đáp ứng yêu cầu BVMT và gắn với chế biến sản phẩm chăn nuôi.

Cùng với đó cần phải tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về môi trường tại các cơ sở sản xuất chăn nuôi theo quy định và kiên quyết đóng cửa, dừng hoạt động đối với các cơ sở gây ô nhiễm, không đáp ứng được yêu cầu về môi trường.

Về việc giải quyết tình trạng ô nhiễm môi trường do quá tải tại các bãi rác thải và tiến độ đầu tư các nhà máy xử lý rác thải, Chủ tịch HĐND tỉnh Lại Thế Nguyên đề nghị phải đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án; Sở TN&MT chỉ đạo để áp dụng các biện pháp xử lý bằng công nghệ tiên tiến tại các bãi rác nhằm giảm thiểu ô nhiễm, ảnh hưởng đến đời sống người dân. Đề nghị chính quyền các cấp phải tập trung tuyên truyền pháp luật về BVMT, trong đó vận động Nhân dân tham gia vào việc phân loại, xử lý CTRSH tại nguồn với tinh thần tự giác cao. Việc làm này cũng cần có sự vào cuộc và phối hợp chặt chẽ của các đơn vị thu gom, vận chuyển rác thải.

Đồng chí cũng đề nghị UBND tỉnh sớm chỉ đạo triển khai các thủ tục để lựa chọn nhà đầu tư đầu tư Nhà máy xử lý rác thải rắn tại xã Xuân Phú, huyện Thọ Xuân.

Phong Sắc (lược ghi)

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/lam-ro-van-de-o-nhiem-moi-truong-trong-chan-nuoi-va-tinh-trang-qua-tai-tai-nhieu-bai-rac-thai-233394.htm