Làm sao chặn dự án 'đạo nhái', chạy theo thành tích ở cuộc thi nghiên cứu KHKT?

Để đảm bảo tính liêm chính của cuộc thi nghiên cứu KHKT ở bậc học phổ thông, các chuyên gia cho rằng, nên áp dụng AI vào công tác thẩm định dự án.

Những lùm xùm liên quan đến cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông một lần nữa xảy ra, khi năm học 2024 - 2025 dự án đạt giải Nhất của nhóm học sinh Trường Trung học phổ thông Nguyễn Siêu, Hưng Yên được cho là "khá giống" với một sản phẩm đã được một chuyên gia nước ngoài công bố công khai.

Sự việc này cùng với những dự án gây tranh cãi sau mỗi đợt trao giải của cuộc thi vào các năm trước đang đặt ra nhiều băn khoăn trong dư luận về tính liêm chính học thuật, mức độ thực tiễn đối với các dự án của học sinh bậc học phổ thông.

Không nên gắn quá nhiều quyền lợi với các dự án đạt giải

Chia sẻ với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, thầy Mai Văn Túc, giáo viên Vật Lý, Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội), người từng tham gia chấm giải cuộc thi nghiên cứu khoa học kĩ thuật đã đưa ra một số quan điểm về vấn đề này.

Theo thầy Túc cho rằng, cuộc thi này đang bị "can thiệp" quá sâu từ phía người hướng dẫn vì căn bệnh thành tích của các nhà trường có dự án tham gia. Điều này đã khiến cho mục đích tốt đẹp mà cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật đối với học sinh đang bị bóp méo và trở thành "sân chơi" của các nhà trường với nhau.

"Qua lần tôi được tham gia chấm giải cho cuộc thi này thì mới thấy được một thực tế đáng ngại rằng, vai trò thực sự của học sinh trong dự án gây nhiều băn khoăn. Bên cạnh đó, cũng có khá nhiều dự án tham gia dưới dạng "đối phó" khi lặp đi, lặp lại cùng một cách thức qua các năm. Việc thiếu ý tưởng hoặc chạy theo thành tích khiến việc dự án bị "đạo nhái" theo các sản phẩm đã có sẵn là điều không tránh khỏi".

 Thầy Mai Văn Túc, giáo viên Vật Lý, Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: giaoduc.net.vn

Thầy Mai Văn Túc, giáo viên Vật Lý, Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên (Trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội). Ảnh: giaoduc.net.vn

Cũng theo thầy Túc, thực trạng như vậy đang khiến cho tính liêm chính học thuật trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật với bậc học phổ thông đang bị xem nhẹ và tạo ra nhiều hệ lụy.

Qua đó, giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên nhận định rằng, đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học, việc tự sáng tạo để làm ra các sản phẩm bằng chính bàn tay, khối óc của mỗi tác giả là điều hết sức quan trọng. Tuy nhiên, sự giả dối hoặc "ăn cắp" ý tưởng của người khác sẽ không tạo ra sự đóng góp cho xã hội. Đồng thời không thúc đẩy sự phát triển đối với lĩnh vực nghiên cứu khoa học trong tương lai.

"Bản chất các cuộc thi được tổ chức là tốt vì nó thúc đẩy khả năng tự học, tự nghiên cứu của học sinh. Tuy nhiên, những tranh cãi xảy ra trong thời gian vừa qua cho thấy cơ quan quản lý cũng nên nhìn nhận lại và có sự điều chỉnh thích hợp.

Cái quan trọng nhất là cần làm rõ việc, đã trải qua nhiều năm tổ chức cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh phổ thông, đã có hàng trăm dự án tham gia và đạt giải cao, vậy hiện tại giá trị của các dự án đó đang ở đâu?

Ngoài ra cần cho dư luận được biết là trong số nhiều dự án đạt giải Nhất cấp quốc gia đó thì đến thời điểm hiện tại dự án nào được triển khai, ứng dụng trong thực tế hay là toàn những dự án có tên "rất kêu" đạt giải xong cất vào ngăn tủ. Như vậy, sự lãng phí tiền bạc khi đầu tư cho việc thực hiện các dự án đó thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm", thầy Túc bày tỏ.

Cùng quan điểm về vấn đề này, Tiến sĩ Phạm Hiệp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và Chuyển giao tri thức thuộc Trường Đại học Thành Đô cho rằng, bản chất các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông là tốt và nên có cách giám sát, tổ chức lại để việc chấm giải đảm bảo công bằng. Nhiều trường học ở các nước trên thế giới đều tổ chức cuộc thi này nhằm tạo ra sân chơi và thúc đẩy sự phát triển của lĩnh vực nghiên cứu khoa học.

Qua đó, Tiến sĩ Phạm Hiệp nhấn mạnh: "Việc chấm giải các dự án của cuộc thi không nên theo các quy định cứng và có sự ưu tiên hơn với các dự án có mức độ quá cao siêu với học sinh.

Ngoài ra, để tránh tình trạng chạy đua theo thành tích của các nhà trường thì giải thưởng đối với các dự án nên dừng lại ở mức là ghi nhận sự cố gắng, nỗ lực của các thành viên và người hướng dẫn. Nếu gắn cho những dự án đạt giải quá nhiều quyền lợi thì có thể các thành viên tham gia sẽ cố đạt giải bằng mọi giá".

Cũng theo quan điểm của vị Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và Chuyển giao tri thức, các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật dành cho học sinh phổ thông hiện nay nên hướng đến việc cho học sinh được trải nghiệm khoa học và rèn luyện tư duy sáng tạo. Không nên tạo ra quá nhiều áp lực trong quá trình nghiên cứu, sáng tạo của học sinh vì có thể tạo ra những hệ lụy không đáng có.

Nên ứng dụng dụng công nghệ, đưa AI vào công đoạn thẩm định dự án dự thi

Theo giáo viên Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên, trên thực tế kiến thức và năng lực chấm dự án của nhiều thành viên ban giám khảo cuộc thi hiện nay chưa thực sự đáp ứng với yêu cầu. Điều này khiến cho một số dự án được chấm qua loa, không hướng đến tính khả thi, thực tiễn. Chưa kể, có dự án được chấm bị ảnh hưởng bởi vấn nạn thành tích ảnh hưởng đến công tác thẩm định của một số thành viên ban giám khảo.

Qua đó, nêu lên một số góp ý về việc kiểm soát mức độ liêm chính đối với các dự án tham gia, thầy Túc cho rằng: "Cần bổ sung thêm chế tài xử phạt các hành vi gian lận dự án tham gia. Trong đó, đối với những người hướng dẫn dự án được xác định sao chép lại ý tưởng thì cần xử phạt nghiêm và công khai để tạo ra tính răn đe.

Thậm chí đối với các nhà trường có dự án tham gia bị "đạo nhái" cũng cần được truy cứu trách nhiệm liên đới và truy cứu cả những người chấm giải. Nếu việc xử lý các nhà trường và người hướng dẫn có mức độ đủ nặng tạo ra tâm lý e sợ thì mới mong các dự án được dự thi vào các năm tiếp theo đảm bảo được tính liêm chính.

Bên cạnh đó, để đảm bảo khách quan trong khâu chấm giải cần tổ chức lại bộ phận chấm giải và thành viên ban giám khảo. Theo đó, thành viên ban giám khảo, người chấm cần là bộ phận độc lập và không phải là người của các trường hoặc các Sở Giáo dục và Đào tạo có dự án dự thi.

Việc này ban tổ chức có thể tính đến việc thuê các giáo viên ở các trường đại học, có chuyên môn về lĩnh vực nghiên cứu khoa học kỹ thuật vào làm công tác chấm giải. Có như vậy, tính liêm chính vừa được đảm bảo mà các dự án được lựa chọn cũng là những dự án có tính ứng dụng cao và phù hợp với thực tiễn".

 Tiến sĩ Phạm Hiệp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và Chuyển giao tri thức thuộc Trường Đại học Thành Đô. Ảnh: giaoduc.net.vn

Tiến sĩ Phạm Hiệp - Viện trưởng Viện Nghiên cứu giáo dục và Chuyển giao tri thức thuộc Trường Đại học Thành Đô. Ảnh: giaoduc.net.vn

Về vấn đề này, theo Tiến sĩ Phạm Hiệp để đảm bảo tính liêm chính trong các cuộc thi nghiên cứu khoa học kỹ thuật ở bậc học phổ thông, phương án dùng trí tuệ nhân tạo để kiểm tra xác suất về ý tưởng thực hiện có đang được sao chép hay không cũng nên được các cơ quan quản lý và ban tổ chức cuộc thi lưu ý.

Điều này nhằm đảm bảo khả năng kiểm tra được chất lượng dự án nhanh nhất, để các dự án sau khi được chấm và trao giải là chuẩn xác, không gây ra các hệ lụy phiền toái như các sự việc gần đây.

"Ban Giám khảo cũng nên có những phần mềm để có thể đánh giá mức độ tương thích của các dự án nghiên cứu đối với các sản phẩm đã công bố. Khi kết quả đánh giá cho thấy mức độ giống nhau của dự án tham gia với sản phẩm đã công bố với mức độ từ 30% trở lên thì ban giám khảo cũng đã phải có sự cân nhắc về chấm giải và bắt đầu cho kiểm tra dự án.

Khi đó, ban giám khảo có thể cho các thành viên và người hướng dẫn giải trình. Nếu họ không thể giải trình và không thể điều chỉnh nội dung dự án để không xảy ra sự trùng lặp thì ban giám khảo cần tính đến phương án loại bỏ dự án đó khỏi danh sách xếp giải", Tiến sĩ Phạm Hiệp nhấn mạnh.

Trung Dũng

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/lam-sao-chan-du-an-dao-nhai-chay-theo-thanh-tich-o-cuoc-thi-nghien-cuu-khkt-post250259.gd