Làm sao để chữa 'căn bệnh' tắc vốn?
Nhiều chuyên gia kinh tế đã chia sẻ góc nhìn về nguyên nhân 'tắc vốn' cũng như giải pháp, căn cứ để thúc đẩy tăng trưởng tín dụng.
Lãi suất điều hành khó hạ thêm, doanh nghiệp phải chủ động hơn trong tiếp cận vốn
Để đẩy vốn tín dụng ra thị trường, Ngân hàng Nhà nước đang thúc giục các ngân hàng thương mại hạ lãi suất cho vay. Tuy nhiên, để lãi suất cho vay giảm thêm thì cần có thời gian, bởi từ lãi suất điều hành “ngấm” sang lãi suất thương mại luôn có độ trễ. Ngoài ra, các ngân hàng thương mại trong giai đoạn cuối năm ngoái, đầu năm nay huy động vốn vào quá cao, nếu hạ ngay thì ngân hàng lỗ nặng dù rất muốn cho vay.
Tuy nhiên, tôi tin dù có khó khăn nhưng cách làm của Việt Nam thường rất linh hoạt. Chẳng hạn, bên cạnh tính thị trường, độ trễ, cũng còn có các động thái đẩy vốn ra của Chính phủ (thể hiện ở các gói vay ưu đãi), của các ngân hàng thương mại (chấp nhận giảm bớt lợi nhuận để có những gói cho vay với lãi suất ưu đãi hơn)...
Thực sự, để thúc đẩy tín dụng, cần phải chung sức, đồng lòng của nhiều phía. Nếu hệ thống lành mạnh, năm sau, có thể Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành chút nữa. Hy vọng các ngân hàng thương mại có thể cố gắng giảm lãi suất cho vay ngoài các gói ưu đãi của Chính phủ.
Đồng thời, để tiếp cận được tín dụng, các doanh nghiệp cũng cần chủ động nhiều hơn. Ví dụ, hiện nay, khẩu vị của các ngân hàng khác nhau, có nơi thiên về doanh nghiệp nhỏ và vừa, có nơi thiên về bất động sản…, doanh nghiệp nên tìm hiểu các khẩu vị này để tiếp cận vốn thuận lợi hơn.
Hàng triệu tỷ đồng của dân gửi ngân hàng là do thiếu kênh đầu tư tốt
Không ít lần chúng ta đặt câu hỏi làm thế nào để tiền của người dân đang gửi ngân hàng với kỳ hạn ngắn trở thành dòng vốn trung - dài hạn, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Theo số liệu Ngân hàng Nhà nước công bố, tính đến ngày 30/9/2023, tổng vốn huy động của các ngân hàng thương mại đạt khoảng 12,9 triệu tỷ đồng; trong đó, 6 triệu tỷ đồng là tiền gửi tư nhân, đa số là tiền gửi ngắn hạn nên ngân hàng không thể chuyển hết sang cho vay trung - dài hạn mà nhiều dự án kết cấu hạ tầng của đất nước đang cần.
Trong khi đó, hiện tượng hàng chục ngàn tỷ đồng của người dân bị lừa đảo qua các kênh đầu tư phi pháp thời gian qua như bất động sản ảo, tiền ảo, chứng khoán ảo… càng khẳng định tiền trong dân rất nhiều nhưng vẫn thiếu kênh đầu tư an toàn, tin cậy.
Để đẩy vốn (tín dụng, vốn trong dân) ra thị trường, ngoài việc phát triển và làm lành mạnh hóa các kênh đầu tư thì cần thúc đẩy để cho “ra hàng” những dự án tốt. Đơn cử, hiện nay, hai thành phố lớn là Hà Nội và TP.HCM đang cần khoảng 20 tỷ USD mỗi thành phố để đầu tư cho hệ thống tàu điện ngầm dài 200 km đến năm 2035, theo Kết luận 49 của Bộ Chính trị. Nếu chúng ta quy hoạch và triển khai khoảng 100 đô thị nén (TOD) trên mỗi hệ thống tàu điện ngầm 200 km thì mỗi thành phố sẽ có khoảng 1 triệu căn hộ (khoảng 10.000 căn hộ/1 TOD), cho khoảng 4 triệu dân cư.
Sau đó, chúng ta đấu giá quyền triển khai dự án TOD với quy mô khoảng 160 triệu m2 sàn (bình quân khoảng 5 triệu đồng/m2), thu về khoảng 32 tỷ USD trong 12 năm tới. Như vậy, mỗi năm, Ngân sách Nhà nước thu được 2,7 tỷ USD, gần đủ để làm 200 km tàu điện ngầm. Bằng cách này, từ tiền gửi ngắn hạn trong ngân hàng đã được đưa vào đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông công cộng, lĩnh vực cần vốn đầu tư dài hạn, phục vụ cho chính người dân Việt Nam và không phải vay nợ nước ngoài.
Gia tăng nguồn lực cho các tổ chức tín dụng
Có 4 nguyên nhân chính khiến tín dụng ngân hàng tăng thấp, gồm bối cảnh chung khó khăn hơn; khả năng đáp ứng điều kiện vay vốn của bên vay thấp hơn; năng lực hấp thụ vốn của cả doanh nghiệp và hộ gia đình ở mức thấp; nhu cầu tín dụng giảm ở một số lĩnh vực lâu nay dựa nhiều vào vốn ngân hàng, hay trái phiếu doanh nghiệp như bất động sản, công nghiệp, tiêu dùng…
Mặc dù Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh room tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%, song tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc lớn vào khả năng đáp ứng điều kiện tín dụng và nhu cầu, khả năng hấp thụ vốn của người dân và doanh nghiệp.
Để tăng khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế, Chính phủ cần lưu ý rút ngắn độ trễ chính sách, để chính sách tác động nhanh hơn, hiệu quả hơn. Đặc biệt, cần đẩy nhanh tiến độ thực thi hoàn thuế VAT, các chính sách giãn hoãn thuế, phí, tiền thuê đất; sớm xem xét giảm tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cho doanh nghiệp; xem xét chuyển phần còn lại của Chương trình phục hồi (nhất là cấu phần hỗ trợ tiền thuê nhà, hỗ trợ 2% lãi suất…) sang Quỹ phát triển nhà ở xã hội để có thể cho vay lãi suất thấp và nguồn vốn mồi bền vững…
Ngoài ra, cần tiếp tục tháo gỡ kịp thời và chính xác những tồn tại, vướng mắc của doanh nghiệp; gia tăng nguồn lực cho các tổ chức tín dụng (ví dụ cho phép các ngân hàng thương mại có sở hữu nhà nước giữ lại lợi nhuận nhà nước hàng năm để tăng vốn) để có thể hỗ trợ nền kinh tế; phát triển thị trường tài chính cân bằng hơn…
Về phía các tổ chức tài chính, cần chủ động rà soát để linh hoạt hơn, phù hợp hơn trong việc áp dụng (không phải là hạ chuẩn) các điều kiện tín dụng; quyết liệt đơn giản hóa quy trình, thủ tục; đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số…
Về phía doanh nghiệp, cần quyết tâm cơ cấu lại, giảm chi phí; nâng cao hiệu quả, trách nhiệm sử dụng vốn; đồng thời, đa dạng hóa nguồn vốn, tránh chỉ phụ thuộc vào một nguồn tín dụng…
Nhu cầu vốn năm 2024 sẽ tốt hơn năm nay
Khi kinh tế tăng trưởng, sức cầu hồi phục thì nhu cầu tín dụng mới bùng nổ trở lại.
Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) ra tín hiệu giảm lãi suất trong năm 2024 là thông tin hỗ trợ tích cực với nền kinh tế toàn cầu, trong đó có Việt Nam. Bởi khi Mỹ giảm lãi suất, các dòng vốn sẽ bớt chảy về Mỹ và có khả năng đổ vào Việt Nam nhiều hơn, do lãi suất Việt Nam trở nên hấp dẫn hơn. Bên cạnh đó, với việc Fed thực hiện nới lỏng chính sách tiền tệ, các quốc gia khác cũng có dư địa để nới lỏng chính sách theo giúp dòng tiền trên thế giới rẻ hơn, nhiều hơn, góp phần thúc đẩy người dân tiêu dùng hơn giai đoạn trước.
Nhìn lại năm 2023, cầu thế giới giảm mạnh đã khiến xuất khẩu Việt Nam bị ảnh hưởng nghiêm trọng, do không có đơn hàng nên các doanh nghiệp không có nhu cầu vay vốn để mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh. Khi Mỹ nới lỏng chính sách tiền tệ, người dân sẽ không còn tâm lý thắt lưng buộc bụng và chi tiêu trở lại thì đây sẽ là tín hiệu tốt cho xuất khẩu của Việt Nam.
Động lực tăng trưởng kinh tế Việt Nam là cỗ xe tam mã, trong đó có xuất khẩu, nên chỉ cần động lực xuất khẩu quay trở lại, nhu cầu tín dụng sẽ tăng trưởng, thậm chí là đi trước tăng trưởng kinh tế do doanh nghiệp có đơn hàng nên cần vốn sản xuất - kinh doanh.
Với cầu tiêu dùng trong nước, dù lãi suất thấp nhưng người dân vẫn rất e dè, phòng thủ vì không biết trước kinh tế thế giới sẽ diễn biến như thế nào. Do đó, phải đợi đến khi cầu thế giới tăng thì cầu trong nước mới tăng theo.
Trong kịch bản tích cực như trên, nhu cầu vốn của doanh nghiệp năm 2024 sẽ tốt hơn năm nay. Nhìn chung, để thúc đẩy vốn ra cho nền kinh tế thì về phía cung, Nhà nước cần hỗ trợ cho doanh nghiệp tạo ra của cải vật chất cho xã hội. Khi chi phí vốn rẻ thì doanh nghiệp cũng có động lực hơn cho sản xuất - kinh doanh.
Năm 2024, các giải pháp cần tập trung về phía cầu nhiều hơn là phía cung, vì sự hỗ trợ của Chính phủ về phía cung thời gian qua đã đủ, nên chúng ta cần tập trung giải quyết bài toán làm thế nào để kích cầu nội địa, kích cầu xuất khẩu. Đây sẽ là “chìa khóa” để kích thích dòng vốn chảy ra nền kinh tế.
Cần tập trung kích cầu tiêu dùng trong nước
Tăng trưởng tín dụng đến thời điểm này đạt gần 10%, đến cuối năm 2023 sẽ đạt khoảng 12%. Con số này cho thấy tăng trưởng tín dụng không phải là thấp.
Tăng trưởng tín dụng sẽ phụ thuộc vào tăng trưởng kinh tế, nếu sang năm 2024, tình hình tăng trưởng kinh tế phục hồi tốt thì sẽ đẩy được vốn ra cho nền kinh tế và thúc đẩy tăng trưởng tín dụng. Nếu như GDP năm sau tăng trưởng như dự báo là 6 - 6,5% thì tín dụng phải tăng lên khoảng 14 - 15%, nhưng trong trường hợp kinh tế chỉ tăng trưởng 5 - 5,5%, tăng trưởng tín dụng khoảng 10% cũng là tốt. Bởi khi kinh tế vẫn còn yếu, việc cố gắng bơm vốn và thúc đẩy tín dụng sẽ gặp nhiều rủi ro về nợ xấu và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống tài chính.
Do đó, chỉ có cách duy nhất là kéo nền kinh tế đi lên thì vốn mới được đẩy ra nền kinh tế và bản thân các ngân hàng cũng an tâm hơn để cung cấp tín dụng. Trong năm 2024, để tăng nhu cầu hấp thụ vốn, cần tập trung kích thích tiêu dùng trong nước. Khi tiêu dùng tăng, doanh nghiệp có thể cần vay mượn vốn để mở rộng sản xuất hoặc cải thiện dịch vụ. Điều này dẫn đến tăng cầu tín dụng từ phía ngân hàng và tổ chức tín dụng.
Bên cạnh đó, việc thúc đẩy đầu tư công cũng giúp tổng cầu của nền kinh tế đi lên, kích thích các doanh nghiệp gia nhập thị trường nhiều hơn, góp phần duy trì và mở rộng năng lực sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp và nền kinh tế. Cuối cùng là việc Nhà nước tiếp tục thực hiện chính sách hỗ trợ, miễn giảm cho doanh nghiệp, cụ thể là về thuế, phí sẽ giúp doanh nghiệp có động lực tích cực hơn tham gia sản xuất - kinh doanh, từ đó làm tăng nhu cầu huy động vốn.
Yếu tố tiên quyết là cần có sự phục hồi của nền kinh tế
Ông Trần Tánh, Phó phòng Nghiên cứu và Phân tích, Công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam
Tăng trưởng tín dụng năm 2023 thấp, chủ yếu do ba nguyên nhân chính.
Thứ nhất, nhu cầu vay năm nay không nhiều, khi những doanh nghiệp là khách hàng tốt, có khả năng vay vốn thì năm nay không có nhiều nhu cầu vay khi nền kinh tế còn gặp khó khăn cả trong và ngoài nước; còn doanh nghiệp muốn vay lại không đủ điều kiện vay.
Thứ hai, thị trường bất động sản chiếm tỷ trọng lớn trong tổng dư nợ cũng đóng băng trong cả năm 2023, kéo theo tín dụng không thể tăng trưởng như kỳ vọng.
Thứ ba, bản thân bên cho vay là các ngân hàng cũng hạn chế cho vay trong giai đoạn vừa qua. Thị trường có nhiều rủi ro nên dù tiền dư thừa trong hệ thống, các ngân hàng không có nhiều lựa chọn để giải ngân.
Để thúc đẩy nguồn vốn ra nền kinh tế, yếu tố tiên quyết là cần có sự phục hồi của nền kinh tế. Xuất khẩu đã có tín hiệu hồi phục trong tháng 10 và 11, giúp tạo niềm tin về sự hồi phục của lĩnh vực này trong năm sau, điều này sẽ thúc đẩy nhu cầu vốn của doanh nghiệp tăng lên.
Bên cạnh đó, bất động sản cần có sự hồi phục tích cực để hấp thụ dòng vốn tốt hơn, nhưng thực tế điều này sẽ tương đối khó khăn trong năm 2024, vì thị trường bất động sản sẽ cần nhiều thời gian hơn để hồi phục, có thể phải đến cuối năm 2024. Đầu tư công sẽ là “cứu cánh” cho tăng trưởng tín dụng trong giai đoạn này.
Nhưng để thúc đẩy vốn ra ngoài một cách tích cực và bền vững, vẫn cần sự hồi phục từ các ngành sản xuất, tiêu dùng, bán lẻ... Đây là những động lực chính của phát triển kinh tế.
Nguồn ĐTCK: https://tinnhanhchungkhoan.vn/lam-sao-de-chua-can-benh-tac-von-post336497.html