Làm sao để con 'thoát lười'?

Có rất nhiều nguyên nhân khiến trẻ chán học, lười học. Việc đầu tiên cha mẹ cần làm là tìm hiểu chính xác nguyên nhân khiến trẻ lười học, lười làm.

Hãy trò chuyện với con như những người bạn. Sau khi tìm hiểu rõ nguyên nhân khiến con lười học, sợ học, bố mẹ nên nói chuyện với con với thái độ bình tĩnh, ôn hòa; đừng coi con còn quá bé không biết nói chuyện. Hãy giúp bé xác định tầm quan trọng của việc học đối với con người. Hãy kể cho con nghe những điển hình học tốt và những thành công của họ cũng như nêu những nhân vật không học đến nơi đến chốn, cuối cùng phải gánh chịu hậu quả như thế nào. Hãy cho con thấy nếu việc con học chăm, học giỏi sẽ được những lợi ích gì từ việc ở lớp được các bạn khâm phục, được cô giáo yêu mến, ở nhà bố mẹ sẽ vui hơn, để khuyến khích con tự giác học…

Phạt con xong, tuyệt đối cha mẹ đừng nhắc đi nhắc lại những tội lỗi của con

Khi con không hoàn thành nhiệm vụ và bị cô giáo mách, bố mẹ hãy phạt, chứ đừng phạt ngay khi con có biểu hiện lười. Khi con thấy cả ba mẹ lẫn cô giáo đều không đồng tình với hành vi lười biếng của con, chắc chắn con sẽ sửa chữa..

Khi con kiếm được một lời khen ngợi của cô, hãy hùa vào khen con thêm tí chút. Lời khen đúng lúc đúng chỗ bao giờ cũng có tác dụng vô cùng lớn, làm động lực cho trẻ phấn đấu hơn nữa.

Tuyệt đối không so sánh hoặc lấy ai đó làm gương khi giáo dục con. Đấy là sự xúc phạm nhân cách nặng nề. Con là con, con sẽ có nhiều điểm dở nhưng cũng vô khối điểm ưu. Con sẽ có mặt mạnh khác nữa. Vì thế, khi khen ngợi con, hãy khen ngợi sự phấn đấu của con, tiến bộ của con, chứ đừng khen ngợi điểm số. Cách khen này sẽ khiến con hào hứng hơn nhiều.

Ảnh minh họa.

Ảnh minh họa.

Cha mẹ nên lồng ghép linh hoạt giữa học và chơi để trẻ cảm thấy việc học nhẹ nhàng, thú vị. Có rất nhiều cách mà trẻ vừa được chơi vừa thu nạp được kiến thức và ngược lại, chẳng hạn chơi trò bán hàng để học đếm, chơi xâu hạt để phân biệt màu sắc, chơi đóng vai để phát triển ngôn ngữ...

Ngoài ra, cha mẹ hãy khuyến khích con tự giác trong mọi việc hằng ngày chứ không chỉ riêng trong học tập, ví dụ: tự giác ngủ đúng giờ, dậy đi học, vứt rác vào đúng nơi quy định… có như vậy thói quen tự giác mới được hình thành ở trẻ ngay từ nhỏ một cách bền vững. Sau mỗi việc trẻ tự giác cha mẹ hãy dành tặng những lời động viên, khen ngợi chân thành nhất để kích thích trẻ tiếp tục phát huy.

Khi con học tốt, đừng thưởng cho con

Đứa trẻ học tốt mà được thưởng, nó sẽ luôn học để được thưởng. Hãy để con hiểu, việc học là việc của con. Khi xác định đó là việc của bản thân, chúng sẽ cảm thấy thoải mái và có trách nhiệm hơn so với việc của người khác.

Hạn chế giảng bài cho con khi con chưa yêu cầu

Nguyên nhân là do, khi cha mẹ xúm vào giảng bài, con sẽ thấy khoảng cách cha mẹ và con xa nhau vì ít cha mẹ đủ kiên nhẫn và dịu dàng khi học kèm cùng con. Học là việc của con, nếu con không hiểu, con sẽ tự hỏi. Để giảng bài cho con, cha mẹ cũng cần xem các thông tin trên sách, vở ghi của con để nắm bắt cách giảng bài của cô để tránh tình trạng cách giảng bài của cha mẹ khác với cô giáo, con sẽ vô cùng hoang mang và không biết đâu là đúng.

Phương Nghi (t/h)

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/gia-dinh/lam-sao-de-con-thoat-luoi-20201030144035436.htm