Làm sao để cuộc thi khoa học kĩ thuật dành cho học sinh đi vào thực chất?

Để cuộc thi khoa học kĩ thuật đi vào thực chất thì đòi hỏi học sinh thực hiện dự án phải làm đúng quy trình, cùng với đó giáo viên hướng dẫn không làm thay các công đoạn cho các em.

Quy trình thực hiện dự án khoa học kĩ thuật

Thứ nhất, dự án phải chưa được công bố ở bất kỳ cuộc thi nào khác, nếu kế thừa kết quả từ cuộc thi khác phải điền đủ thông tin tại phiếu số 7 (Thông tư 06/2024/TT-BGDĐT ban hành Quy chế Cuộc thi nghiên cứu khoa học, kỹ thuật cấp quốc gia dành cho học sinh trung học cơ sở và trung học phổ thông) của hồ sơ dự thi.

Thứ hai, nội dung báo cáo dự án cần thể hiện:

- Trang bìa: Lĩnh vực dự thi, tên và nội dung cơ bản của dự án, người thực hiện, người bảo trợ và người hướng dẫn dự án, thời gian, địa điểm thực hiện dự án.

- Trang đầu tiên cần tóm tắt dự án: Tính mới; tính khoa học; tính thực tiễn; tính cộng đồng.

- Cấu trúc nội dung:

A. Lí do chọn dự án

Mô tả ngắn gọn tóm tắt cơ sở khoa học của vấn đề nghiên cứu và giải thích

tại sao vấn đề đó quan trọng trong khoa học. Nếu có thể, giải thích về bất kì tác động xã hội nào của vấn đề nghiên cứu.

B. Câu hỏi nghiên cứu; Vấn đề nghiên cứu; Giả thuyết khoa học.

C. Thiết kế và phương pháp nghiên cứu

- Mô tả chi tiết tiến trình và thiết kế thí nghiệm (thực nghiệm), bao gồm phương pháp thu thập số liệu, xác định giải pháp và thiết kế mô hình… Chỉ mô tả cho dự án của mình nghiên cứu, không bao gồm công việc được thực hiện bởi người hướng dẫn hay của những người khác.

- Xác định những rủi ro tiềm năng và những cảnh báo an toàn cần thiết.

D. Tiến hành nghiên cứu

- Trình bày tiến trình nghiên cứu, bao gồm việc thu thập, phân tích và giải thích dữ liệu; xây dựng và kiểm tra mô hình thiết kế.

- Kết luận khoa học về câu hỏi nghiên cứu, vấn đề nghiên cứu, giả thuyết khoa

học.

E. Tài liệu tham khảo

- Liệt kê tối thiểu 5 tài liệu tham khảo chính (Ví dụ các bài báo khoa học, sách,

trang web) mà học sinh đã nghiên cứu. Nếu Đề cương nghiên cứu của học sinh có sử dụng động vật có xương sống, một trong số các tham khảo này phải là tài liệu về bảo vệ động vật.

- Trình bày tài liệu tham khảo theo dạng: Tên tác giả, tên tài liệu, nơi xuất bản, năm xuất bản.

Giáo viên hướng dẫn không làm thay học sinh

Thứ nhất, đối với bậc trung học cơ sở (lớp 8, lớp 9), hiệu trưởng các nhà trường cần kiểm soát và hạn chế việc học sinh tham gia thi khoa học kĩ thuật một cách đại trà, chỉ những dự án nào khả thi và chủ yếu do học sinh thực hiện thì mới làm hồ sơ dự thi.

Bởi vì, học sinh lớp 8, lớp 9, đa số các em chưa có đủ kiến thức về khoa học chuyên ngành để có thể làm dự án. Học sinh cũng chưa được học phương pháp nghiên cứu khoa học nên phải nhờ sự trợ giúp hoàn toàn của người hướng dẫn (thầy cô, cha mẹ, nhà khoa học).

Riêng học sinh lớp 9 còn phải thi tuyển sinh vào lớp 10, các em không có nhiều thời gian để tìm đọc tài liệu hoặc làm nghiên cứu thực nghiệm ở phòng thí nghiệm.

Học sinh trung học cơ sở chủ yếu làm các đề tài liên quan đến khoa học xã hội và hành vi. Theo ghi nhận, các đề tài thường trùng nhau về ý tưởng và nội dung rất nhiều, vì vậy sản phẩm nghiên cứu không mang nhiều dấu ấn cá nhân.

Thứ hai, đối với học sinh trung học phổ thông, các em có nhiều thuận lợi hơn học sinh trung học cơ sở trong việc nghiên cứu khoa học kĩ thuật.

Học sinh đã được học nhiều môn, học chuyên sâu và quan nhất là Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở cả 3 khối lớp đều có giảng dạy về viết báo cáo nghiên cứu một vấn đề (môn Ngữ văn).

Tuy vậy, để Cuộc thi Khoa học kĩ thuật diễn ra một cách thực chất, cần bảo đảm nguyên tắc hoàn toàn tự nguyện trong việc tham dự của các nhà trường phổ thông. Giáo viên hướng dẫn tuyệt đối không làm thay cho học sinh.

Cùng với đó, sản phẩm (dự án) của học sinh cần được áp dụng vào thực tiễn, kể cả cấp bằng sáng chế hoặc được doanh nghiệp mua bản quyền để sản xuất hàng hóa bán ra thị trường.

Bên cạnh đó, các nhà trường hãy nói không với việc giao chỉ tiêu, đánh giá, xếp loại thi đua giáo viên liên quan đến cuộc thi khoa học kĩ thuật hàng năm.

Ngoài ra, cũng vì nhận thức chưa đúng nên một số cha mẹ học sinh đã "đầu tư" cho con em mình nghiên cứu khoa học kĩ thuật chỉ với mục đích là được dự thi cấp tỉnh, quốc gia hay quốc tế, để được tuyển thẳng vào đại học hoặc dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm cơ hội du học nước ngoài.

Việc này đã làm sai lệch động cơ nghiên cứu của học sinh và vô hình chung làm cho các em có nhận thức không đúng đắn về hoạt động nghiên cứu khoa học.

Minh Anh

Nguồn Công dân & Khuyến học: https://congdankhuyenhoc.vn/lam-sao-de-cuoc-thi-khoa-hoc-ki-thuat-danh-cho-hoc-sinh-di-vao-thuc-chat-179240928121314734.htm