Làm sao để không bị phạt tiền theo Nghị định 168/2024 vì tín hiệu đèn giao thông?

Dù đã được rẽ phải khi đèn đỏ tại các giao lộ có biển báo phụ nhưng người dân cũng cần lưu ý các trường hợp dưới đây để không vi phạm vì các tín hiệu đèn giao thông.

Dù hiện tại nhiều giao lộ tại TP.HCM đã được lắp thêm đèn báo hiệu cho phép người tham gia giao thông được rẽ phải khi đèn đỏ nhưng câu chuyện này vẫn được nhiều người dân “bàn cãi”.

 Làm sao để không bị phạt tiền theo Nghị định 168/2024 vì tín hiệu đèn giao thông? Ảnh: NHƯ NGỌC

Làm sao để không bị phạt tiền theo Nghị định 168/2024 vì tín hiệu đèn giao thông? Ảnh: NHƯ NGỌC

Trao đổi với PLO, Luật sư Đoàn Thị Hồng Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM cho biết theo quy định tại khoản 2 Điều 11 của Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024 thì người tham gia giao thông đường bộ phải chấp hành báo hiệu đường bộ theo thứ tự ưu tiên từ trên xuống dưới như sau: Hiệu lệnh của người điều khiển giao thông; Tín hiệu đèn giao thông; Biển báo hiệu đường bộ; Vạch kẻ đường và các dấu hiệu khác trên mặt đường; Cọc tiêu, tường bảo vệ, rào chắn, đinh phản quang, tiêu phản quang, cột Km, cọc H; Thiết bị âm thanh báo hiệu đường bộ.

Như vậy khi gặp đèn đỏ, người điều khiển phương tiện giao thông được rẽ phải trong những trường hợp sau:

Trường hợp thứ nhất, theo hiệu lệnh của người điều khiển giao thông đang làm nhiệm vụ tại khu vực xe lưu thông cho phép người điều khiển phương tiện giao thông được phép rẽ phải.

Trường hợp thứ hai, nút giao thông tổ chức cho rẽ phải bằng các tín hiệu đèn hoặc biển báo phụ/biển báo viết bằng chữ hướng dẫn rẽ phải khi đèn đỏ”- Luật sư Hồng Linh cho cho biết.

Luật sư Đoàn Thị Hồng Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM

Theo Luật sư Hồng Linh, Điều 6.4 Quy chuẩn số QCVN 41:2024/BGTVT - Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về báo hiệu đường bộ (có hiệu lực từ 1-1-2025) quy định về ý nghĩa của đèn hình mũi tên: Nếu đèn có lắp đèn hình mũi tên màu xanh thì các loại phương tiện giao thông chỉ được đi khi tín hiệu mũi tên bật sáng cho phép, tín hiệu mũi tên cho phép rẽ phải thì phương tiện giao thông được phép rẽ phải. Nếu đèn có hình của một loại phương tiện giao thông nào đó xanh thì chỉ loại phương tiện đó được phép đi. Khi tín hiệu mũi tên màu xanh được bật sáng cùng một lúc với tín hiệu đỏ hoặc vàng thì các phương tiện đi theo hướng mũi tên nhưng phải nhường đường cho các loại phương tiện đi từ các hướng khác đang được phép đi.

“Tại các nút giao thông có lắp biển biển báo phụ/biển báo viết bằng chữ chỉ dẫn các loại phương tiện giao thông được phép rẽ phải khi đèn đỏ. Trường hợp thứ ba, tại những nút giao thông có vạch kẻ đường và những dấu hiệu khác trên mặt đường”- Luật sư nhấn mạnh.

Cũng theo Luật sư Linh, nhóm vạch kênh hóa dòng xe (quy định tại Phụ lục G.1.4 Quy chuẩn số QCVN 41:2024/BGTVT) như: Tại vạch mắt võng bố trí ở làn đường trong cùng bên phải, vạch này được sử dụng để báo cho người điều khiển không được dừng phương tiện trong phạm vi phần mặt đường có bố trí vạch để tránh ùn tắc giao thông (Phụ lục G.1.4.e – Vạch 4.4). Có vạch kênh hóa dòng xe (hay còn gọi là tiểu đảo) phân luồng cho phép rẽ phải trước khi đến đèn tín hiệu giao thông.

 Nhiều giao lộ tại TP.HCM đã được lắp thêm đèn báo được rẽ phải khi đèn đỏ. Ảnh: NHƯ NGỌC

Nhiều giao lộ tại TP.HCM đã được lắp thêm đèn báo được rẽ phải khi đèn đỏ. Ảnh: NHƯ NGỌC

“Trường hợp thứ tư, nhường đường cho xe ưu tiên theo quy định tại Điều 27 Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ năm 2024. Khi có tín hiệu của xe ưu tiên, người và phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ, đi sát lề đường bên phải hoặc dừng lại để nhường đường, không được gây cản trở”- Luật sư phân tích thêm.

Luật sư Hồng Linh cũng cho biết nơi đường giao nhau không có hiệu lệnh của người điều khiểu giao thông mà vừa có đèn tín hiệu vừa có biển báo hiệu và vạch sơn thì lái xe phải tuân theo hiệu lệnh của đèn tín hiệu. Trong trường hợp không sử dụng đèn tín hiệu để điều khiển giao thông theo từng làn đường riêng thì tín hiệu đèn có tác dụng cho toàn bộ phần đường xe chạy theo hướng xe đến. Trong trường hợp đèn tín hiệu tắt hoặc có đèn tín hiệu vàng nhấp nháy thì lái xe phải tuân theo biển báo hiệu và vạch sơn theo thứ tự hiệu lực đã quy định.

“Đồng thời khi rẽ phải trong trường hợp này, người điều khiển phương tiện giao thông phải lưu ý bật đèn xi nhan rẽ phải và chú ý quan sát, nhường đường cho người đi bộ, nếu người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, tài xế phải giảm tốc độ, hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường”- Luật sư Hồng Linh nói.

Lưu ý khi tham gia giao thông với tín hiệu đèn xanh

Ngoài những trường hợp nêu trên, người điều khiển phương tiện giao thông vượt đèn đỏ sẽ bị xử phạt theo mức xử phạt mới quy định tại Nghị định 168/2024, cụ thể:

Người điều khiển xe ô tô, xe chở người bốn bánh có gắn động cơ, xe chở hàng bốn bánh có gắn động cơ và các loại xe tương tự xe ô tô không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông sẽ bị phạt từ 18.000.000 đồng - 20 triệu đồng (quy định cũ phạt tiền từ 4 - 6 triệu đồng).

Người điều khiển xe mô tô, xe gắn máy, các loại xe tương tự xe mô tô và các loại xe tương tự xe gắn máy không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông; sẽ bị phạt tiền từ 4.000.000 đồng – 6.000.000 đồng (quy định cũ phạt từ 800.000 đồng – 1.000.000 đồng).

Như vậy, không phải mọi trường hợp có tín hiệu đèn màu xanh là được đi. Khi gặp tín hiệu đèn màu xanh nhưng có người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật đang đi ở lòng đường, người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ phải giảm tốc độ hoặc dừng lại nhường đường cho người đi bộ, xe lăn của người khuyết tật qua đường. Quy định này được áp dụng tương tự trong trường hợp tín hiệu đèn màu vàng nhấp nháy.

Người điều khiển phương tiện giao thông dừng xe trong những trường hợp nêu trên không bị xem là vi phạm giao thông đối với hành vi không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông.

Luật sư Đoàn Thị Hồng Linh, Đoàn Luật sư TP.HCM

THY NHUNG

Nguồn PLO: https://plo.vn/lam-sao-de-khong-bi-phat-tien-theo-nghi-dinh-1682024-vi-tin-hieu-den-giao-thong-post829691.html