Làm sao để nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh ở trường nghề?

Nâng cao chất lượng dạy học ngoại ngữ tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp giúp sinh viên sẵn sàng hội nhập thị trường lao động quốc tế, nâng cao thu nhập.

Theo dự thảo Đề án quốc gia "Từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ 2 trong trường học" giai đoạn 2025-2035, tầm nhìn 2045, có mục tiêu Giáo dục nghề nghiệp, phấn đấu 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai chương trình môn Tiếng Anh như ngôn ngữ thứ hai, 100% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp triển khai tiếng Anh theo định hướng nghề nghiệp, 50% các cơ sở giáo dục nghề nghiệp có triển khai một phần môn học khác và/hoặc một số môn học khác bằng tiếng Anh. [1]

Đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học mang lại nhiều lợi ích

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa cho biết: "Các cơ sở giáo dục nghề nghiệp đang thực hiện giảng dạy chương trình tiếng Anh theo Thông tư 03/2019/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội ban hành Chương trình môn học tiếng Anh thuộc khối các môn học chung trong chương trình đào tạo trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng. Theo đó, chương trình đào tạo cao đẳng, môn tiếng Anh là 120 giờ/khóa học; chương trình đào tạo trung cấp là 90 giờ/khóa học.

Đây là chương trình tiếng Anh cơ bản giúp người học đạt trình độ bậc 1 theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc của Việt Nam khi học xong chương trình trung cấp, đạt trình độ bậc 2 theo cùng khung năng lực khi học xong chương trình cao đẳng.

Tại Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa, còn gặp khó khăn trong việc triển khai chương trình giảng dạy tiếng Anh do đa số học sinh trung cấp của trường có đầu vào từ bậc trung học cơ sở nên năng lực tiếng Anh còn thấp. Ngoài ra, hơn 40% học sinh ở miền núi, vùng sâu vùng xa, dẫn tới khả năng tiếp thu còn hạn chế.

Bên cạnh đó, cơ sở vật chất, phòng học chuyên dụng, trang thiết bị còn thiếu, chưa đáp ứng được yêu cầu tối thiểu gây ảnh hưởng đến chất lượng dạy và học tiếng Anh, đặc biệt là trong việc nâng cao kỹ năng nghe, nói và thực hành giao tiếp".

 Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa. Ảnh: NVCC.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Thanh Hóa. Ảnh: NVCC.

Cùng chia sẻ về vấn đề này thầy Lâm Tuấn Khanh – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái) cho biết: "Việc triển khai giảng dạy môn tiếng Anh trong nhà trường đang được thực hiện theo Thông tư 03/2019/TT-BLĐTBXH. Thời gian giảng dạy môn học này trong chương trình trung cấp là 90 giờ, (Lý thuyết: 30 giờ; Thực hành, thảo luận, bài tập: 56 giờ; Kiểm tra: 4 giờ). Hiện nhà trường chưa thực hiện được việc triển khai một phần môn học khác hoặc một số môn học khác bằng tiếng Anh.

Trong quá trình dạy môn tiếng Anh, nhà trường còn gặp nhiều khó khăn như: đồ dùng, trang thiết bị dạy học còn thiếu; chưa có phòng học chức năng đủ tiêu chuẩn dành cho dạy và học; đội ngũ giáo viên cũng ít được tham gia các chương trình tập huấn, bồi dưỡng để nâng cao chuyên môn, nghiệp vụ.

Không chỉ vậy, trên 90% học sinh học tập tại trường là người dân tộc thiểu số, nhiều em sinh sống tại các vùng đặc biệt khó khăn nên việc tiếp thu tiếng Anh còn hạn chế, nhiều học sinh không đáp ứng được các kỹ năng cần thiết về nghe, nói, đọc, viết".

 Thầy Lâm Tuấn Khanh – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái). Ảnh: NVCC.

Thầy Lâm Tuấn Khanh – Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú Nghĩa Lộ (tỉnh Yên Bái). Ảnh: NVCC.

Theo Thạc sĩ Nguyễn Công Hùng – Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ thực phẩm (Hải Phòng), việc đưa tiếng Anh trở thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học sẽ mang lại nhiều lợi ích cho cả sinh viên và nhà trường. Không chỉ dừng lại ở khả năng sử dụng ngôn ngữ, sinh viên còn được rèn luyện tư duy phản biện, kỹ năng tự học và sự tự tin trong giao tiếp.

Ngoài ra, trong bối cảnh hội nhập kinh tế toàn cầu, tiếng Anh còn giúp sinh viên có nhiều cơ hội nghề nghiệp hơn. Khả năng giao tiếp tốt giúp các em có thể làm việc trong môi trường quốc tế, đặc biệt là các doanh nghiệp nước ngoài.

Bên cạnh đó, việc nâng cao chất lượng giảng dạy tiếng Anh còn giúp nhà trường khẳng định uy tín, chuẩn hóa chương trình đào tạo, sẵn sàng hội nhập quốc tế và đáp ứng nhu cầu phát triển trong thời đại mới.

Cũng theo Thạc sĩ Nguyễn Công Hùng, để xây dựng được chương trình tiếng Anh đạt hiệu quả, cần đào tạo đội ngũ giáo viên vừa có năng lực chuyên môn cao vừa có khả năng giảng dạy tiếng Anh tốt.

Ngoài ra, cần đầu tư về cơ sở vật chất, đặc biệt, trang bị phòng học hiện đại, có đầy đủ thiết bị hỗ trợ cho việc dạy và học tiếng Anh. Việc này tạo điều kiện cho sinh viên trau dồi kỹ năng nghe, nói và tự tin hơn khi giao tiếp.

Bên cạnh đó, cần có chiến lược dài hạn nhằm đào tạo ngoại ngữ cho học sinh từ bậc trung học cơ sở, trung học phổ thông, giúp các em có nền tảng vững chắc hơn. Khi được đào tạo bài bản từ sớm, học sinh sẽ tự tin cũng như dễ dàng hơn khi bước vào môi trường học tập và làm việc toàn cầu.

Cuối cùng, cần tạo điều kiện để học sinh tiếp cận với doanh nghiệp FDI (doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp từ nước ngoài) và các công ty nước ngoài. Điều này giúp các em có cơ hội thực hành, trải nghiệm môi trường làm việc thực tế, từ đó nâng cao hiệu quả đào tạo.

Khi làm tốt được những mục tiêu trên, chương trình giáo dục sẽ ngày càng mang tính quốc tế, hướng đến các tiêu chuẩn đào tạo đẳng cấp. Hiện tại, Trường Cao đẳng Kinh tế và Công nghệ thực phẩm có hai ngành đạt chuẩn ASEAN và một ngành đạt chuẩn quốc gia.

 Sinh viên Trường Cao đẳng Thủy sản và Công nghệ Thực phẩm (Hải Phòng) trong một buổi học. Ảnh website nhà trường.

Sinh viên Trường Cao đẳng Thủy sản và Công nghệ Thực phẩm (Hải Phòng) trong một buổi học. Ảnh website nhà trường.

Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Anh tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp

Để xây dựng chương trình tiếng Anh theo hướng nghề nghiệp đạt hiệu quả, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền cho rằng cần thực hiện một số giải pháp như sau:

Thứ nhất, bồi dưỡng tiếng Anh cho giáo viên dạy chuyên ngành của nhà trường. Thay vì dựa vào giáo viên tiếng Anh để truyền đạt kiến thức chuyên môn, khi thầy cô chuyên ngành sử dụng thành thạo ngoại ngữ sẽ đảm bảo truyền tải nội dung một cách sâu sắc, rõ ràng hơn.

Thứ hai, cần dạy một phần môn học bằng tiếng Anh, một số nội dung trong môn học sẽ được truyền tải bằng tiếng Anh thông qua tài liệu học tập và hoạt động tìm kiếm thông tin. Điều này nhằm khuyến khích sinh viên tra cứu, đọc hiểu các nguồn tài liệu quốc tế để cập nhật kiến thức mới và phát triển tư duy ngôn ngữ.

Thứ ba, tổ chức các buổi đối thoại về ngành học tiếng Anh để học sinh, sinh viên có cơ hội trao đổi, phản biện. Thông qua các cuộc thảo luận, tranh biện, sinh viên không chỉ nâng cao khả năng sử dụng tiếng Anh mà còn có cơ hội giao lưu, học hỏi từ giảng viên, chuyên gia, bạn bè, tạo động lực áp dụng ngoại ngữ vào lĩnh vực chuyên môn.

Thứ tư, sử dụng trí tuệ nhân tạo và phần mềm mô phỏng nghề nghiệp. Trí tuệ nhân tạo có thể cá nhân hóa lộ trình học tập, cung cấp bài giảng, từ vựng chuyên ngành và phản hồi tự động dựa trên khả năng của từng sinh viên. Phần mềm mô phỏng nghề nghiệp giúp sinh viên thực hành trong môi trường thực tế ảo, tái hiện các tình huống công việc bằng tiếng Anh giúp người học rèn luyện kỹ năng làm việc trực quan và sinh động hơn.

Theo Hiệu trưởng Trường Trung cấp Dân tộc Nội trú Nghĩa Lộ, việc từng bước đưa tiếng Anh thành ngôn ngữ thứ hai trong trường học nhằm giúp nâng cao chất lượng đào tạo, nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế; đổi mới công tác quản lý, chương trình và phương pháp giảng dạy theo hướng tăng cường hội nhập quốc tế phù hợp với định hướng phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Đây là một nhiệm vụ có tính đột phá không chỉ đối với nhà trường mà còn đối với tất cả các đơn vị giáo dục nghề nghiệp trong cả nước.

Để xây dựng chương trình tiếng Anh theo hướng nghề nghiệp được hiệu quả cần phải dựa vào nhu cầu thực tế của người học. Chương trình phải tập trung vào kỹ năng tiếng Anh để phục vụ công việc sau này, thay vì chỉ dạy lý thuyết hoặc ngữ pháp.

Ngoài ra, cần xác định rõ mục tiêu đào tạo, từ đó xây dựng khung chương trình phù hợp với định hướng nghề nghiệp cũng như phân bổ thời gian hợp lý với thời gian đào tạo của khung chương trình chung.

Thầy Lâm Tuấn Khanh mong muốn Bộ Giáo dục và Đào tạo tiếp tục quan tâm, đầu tư cơ sở vật chất và thiết bị theo hướng đủ, chuẩn hóa và từng bước hiện đại hóa cho việc dạy tiếng Anh, đồng thời, sớm xây dựng đề án đào tạo, bồi dưỡng, tuyển dụng đội ngũ giáo viên tiếng Anh và đội ngũ giáo viên chuyên môn có đủ năng lực dạy học bằng tiếng Anh trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Lê Hoằng Bá Huyền đề xuất thêm, cần đổi mới chương trình và cách giảng dạy, đổi mới kiểm tra đánh giá, tăng cường thời lượng học tiếng Anh gắn với thực tiễn nghề nghiệp thay vì tập trung vào ngữ pháp.

Cần có quy định rõ ràng để giáo viên sử dụng tiếng Anh thường xuyên, đảm bảo tính đồng bộ trong toàn trường. Việc giảng dạy, họp chuyên môn và giao tiếp học thuật bằng tiếng Anh nên được khuyến khích, giúp tạo môi trường ngoại ngữ nhất quán. Khi tiếng Anh trở thành thói quen, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội rèn luyện và phát triển kỹ năng một cách tự nhiên, hiệu quả.

Cần tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ giảng dạy tiếng Anh. Khi được học tập trong môi trường hiện đại, đầy đủ, sinh viên sẽ có nhiều cơ hội rèn luyện, nâng cao kỹ năng hơn.

Tài liệu tham khảo:

1/ https://giaoduc.net.vn/phan-dau-100-hoc-sinh-pho-thong-hoc-tieng-anh-nhu-ngon-ngu-thu-hai-vao-nam-2035-post249651.gd

Khánh Hòa

Nguồn Giáo Dục VN: https://giaoduc.net.vn/lam-sao-de-nang-cao-chat-luong-giang-day-tieng-anh-o-truong-nghe-post250084.gd