Làm sao để nhân viên trường học yên tâm cống hiến với nghề?
Việc nhân viên trường học nhận lương ít ỏi, đa số có mức lương từ 3 đến 5 triệu đồng/tháng, công việc lại vất vả đang là điều bất cập tồn tại lâu nay.
Hiện nay, cùng với công tác đổi mới giáo dục thì áp lực công việc đối với nhân viên trường học như văn thư, nhân viên thiết bị trường học, thư viện, y tế... càng ngày càng tăng.
Thật khó để liệt kê hết những công việc hàng ngày của họ phải làm, bởi nhu cầu phát sinh công việc của nhà trường ngày càng nhiều, đặc biệt là việc đổi mới trong quản lý nhà trường, số hóa và nhiều đòi hỏi càng cao, càng chuyên nghiệp từ phía nhà quản lý và phụ huynh.
Ngược lại với áp lực công việc thì đội ngũ nhân viên trường học lại chưa được đánh giá cao trong công việc, khoản tiền lương nhận được hàng tháng thấp.
Thậm chí, nhiều người trình độ cử nhân nhưng cũng chỉ hưởng lương cao đẳng, trung cấp. Chính vì điều đó, nhiều năm qua, những người công tác ở vị trí việc làm là nhân viên trường học luôn chịu nhiều thiệt thòi, họ luôn mang trong mình tâm lý tự ty, tự nhận mình là “con nuôi” của ngành giáo dục.
Chia sẻ với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, cô Huỳnh Thị Thùy Trang, hiện công tác văn thư tại Trường Tiểu học Thuận Thành, Thành phố Huế chia sẻ, công việc của cô ngày làm 8 tiếng không được nghỉ hè. 18 năm công tác, vào ngành 2006 nhưng lương hiện tại cô nhận được 5,8 triệu đồng. “Em bằng Đại học nhưng chuẩn bị xuống ăn lương trung cấp” – cô Trang bùi ngùi chia sẻ.
Nhân viên trường học hiện không có phụ cấp nghề
Hiện nhiều ngành nghề được áp dụng theo Nghị định 204/2004/NĐ-CP ngoài mức lương theo hệ số, khu vực, chức vụ, vượt khung thì đều được hưởng thêm phụ cấp ngành+ phụ cấp thâm niên nghề với mức tổng phụ cấp được hưởng từ 20% đến 50% thậm chí 90% ( nhà giáo 50% ưu đãi + 39% TNN…) Riêng chỉ có các nhân viên trường học như ( Kế toán, thư viện, văn thư, bảo vệ HĐ68…) lại không được hưởng bất kỳ một khoản chế độ phụ cấp nào ngoài lương.
Cũng chung niềm tâm sự, cô Nguyễn Thị Lê, công tác tại Trường THPT Đắk Mil, Đắk Nông chia sẻ nhiều nỗi niềm. Đã hơn 10 năm nay làm công tác thiết bị thí nghiệm trường học nhưng thu nhập thì không đủ trang trải cuộc sống.
Khi vào biên chế, cô được hưởng lương đại học nhưng hiện làm công tác thiết bị trường học nên cô Lê hưởng lương cao đẳng. “Các ngành nghề khác được thăng hạng nhưng với thiết bị trường học chỉ có bậc lương cao đẳng và không được thăng hạng” – cô Lê kể.
Với cô Lê, cô chỉ mong muốn mình và đồng nghiệp có một đồng lương đủ sống. Thu nhập làm sao tương xứng với đóng góp để cô lo toan cho cuộc sống, nuôi dạy con cái. Đồng lương như hiện nay thực sự rất chật vật, cống hiến 14 năm nhưng cố Lê chỉ được 5,9 triệu đồng/tháng.
Mong muốn được thăng hạng
Nhiều viên chức Thiết bị -Thí nghiệm mong muốn được xem như các nhóm ngành khác. Việc thăng hạng và xếp lương đại học cho nhân viên thiệt bị, bởi hiện tại nhiều viên chức thiết bị - thí nghiệm có bằng đại học nhưng vẫn chưa được thăng hạng và hưởng lương Đại học là một thiệt thòi lớn đối với họ.
Liên quan đến nhân viên trường học, trao đổi với phóng viên Báo Nhà báo & Công luận, bà Phạm Thị Lê Hằng, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cho biết, công tác văn thư, thiết bị, y tế... trường học nằm trong nhóm nhân viên trường học.
Đối với nhân viên thiết bị trường học, họ phải quản lý toàn bộ thiết bị. Hiện nay, một trường có đông lớp học, giáo viên nên công việc rất nhiều.
Còn văn thư thì cũng không kém vì hồ sơ sổ sách hàng ngày phải cập nhật. Trường có hàng trăm giáo viên thì việc lấy thiết bị để giảng dạy là hàng ngày.
Do đó, việc cập nhật lấy thiết bị, trả thiết bị, rồi chăm sóc, sắp xếp, vào sổ ghi chép và cả trên phần mềm nên rất vất vả. Không chỉ vậy, ngoài làm việc nhân viên thiết bị thí nghiệm hầu hết họ còn làm kiêm nghiệm nhiều việc.
Cũng theo bà Hằng, các nhân viên trường học đa số phải làm kiêm nhiệm. Hiện nhân sự các trường rất thiếu nên nhân viên văn thư phải kiêm nhiệm thêm thiết bị trường học hoặc nhân viên y tế. Công việc như vậy nhưng lương theo bậc lương nhân viên nên rất thấp.
“Nói chung họ rất vất vả, lương chỉ khoảng giao động từ 3 đến 5 triệu đồng. Hầu hết, phải trực từ sáng sớm đến muộn. Văn thư thực hiện đánh máy các văn bản chỉ đạo, thư đi, thư đến, nộp báo cáo, lưu trữ các văn bản...
Thực ra, những nhân viên trường học phải kiêm nhiệm nhiều việc trong trường, còn nhiều việc sai vặt nữa nên họ rất vất vả” – cô Hằng cho biết thêm.
Lo lắng mất việc?
Theo bản mô tả vị trí việc làm thì đến tháng 7/2024 trong thông tư 19/2020 không có vị trí cho nhóm Thiết bị Tiểu học? Vậy vị trí việc làm viên chức thiết bị cấp Tiểu học sẽ đi về đâu nếu không được chuyển đổi vị trí việc làm cho phù hợp với cải cách tiền lương mới. Nhiều người đang làm công tác Thiết bị ở các trường Tiểu học họ hoang mang và đặt câu hỏi rằng họ nằm ở vị trí nào và sẽ ra sao?
Hiện nay việc phải ứng dụng công nghệ thông tin nên nhân viên trường học cũng phải liên tục học hỏi, nghiên cứu để đáp ứng công việc vì quy mô trường lớp lớn.
Một ngày phải xử lý nhiều văn bản, trong khi chương trình phổ thông mới 2018 với nhiều trang thiết bị mới, cũ phải rà soát thường xuyên, đánh giá, các phòng học bộ môn nhiều nên vất vả không kém bất cứ một vị trí việc làm nào trong nhà trường.
Vất vả nhưng vậy nhưng Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo quận Hà Đông cho rằng, họ buồn vì lương không đủ sống, không thể yên tâm cuộc sống.
“Nếu lương chỉ 3 đến 5 triệu thì họ thực sự không đủ sống nên họ rất khó khăn. Mong muốn nếu có chính sách phù hợp để các cô yên tâm công tác.
Nếu các cô được hưởng chế độ tốt hơn thì đó là điều rất phấn khởi. Mức lương vị trí việc làm sao cho phù hợp với ngày công và sức lực họ bỏ ra đó là điều mà những người làm công tác quản lý giáo dục như tôi đều mong chờ” – bà Hằng chia sẻ.
Có thể thấy, qua trao đổi với những nhân viên trường học và nhà quản lý mới thấy được tầm quan trọng của những người đang công tác văn thư, nhân viên thiết bị, thư viện, y tế trong các nhà trường. Nhiều người trình độ cử nhân nhưng đồng lương cũng chỉ bậc cao đẳng, thậm chí trung cấp.
Trong khi đó, để vận hành nhà trường theo hướng hiện đại, nhân văn thì chắc chắn cần đến sức lao động và cống hiến của họ.